Brexit: Khủng hoảng chính trị ở Ireland phủ bóng tương lai đàm phán

Tiến trình đàm phán đưa Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) vốn gặp khó khăn do bất đồng sâu sắc giữa hai bên về những điều khoản cần ưu tiên trong đàm phán nay lại vấp thêm trở ngại từ khủng hoảng chính trị tại Cộng hòa Ireland.
Thủ tướng Anh Theresa May (trái) và Thủ tướng Ireland Leo Varadkar trong cuộc gặp tại London thuộc Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Thủ tướng Anh Theresa May (trái) và Thủ tướng Ireland Leo Varadkar trong cuộc gặp tại London thuộc Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Dublin là thành viên EU duy nhất có biên giới đất liền với Anh hậu Brexit và vì thế có quyền quyết định cho phép đàm phán bước sang giai đoạn tiếp theo hay không dựa trên đánh giá về phân chia biên giới.

Chính phủ Ireland đang đứng trước nguy cơ sụp đổ sau khi đảng đối lập chính tuyên bố Phó Thủ tướng Frances Fitzgerald phải từ chức, động thái tạo ra rạn nứt nghiêm trọng trong thỏa thuận hợp tác đảm bảo sự tồn tại của chính phủ thiểu số ở quốc gia này.

Căng thẳng chính trị leo thang sau khi đảng đối lập Fianna Fail tuyên bố sẽ kiến nghị lên quốc hội nước này để tổ chức bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Phó Thủ tướng Fitzgerald.

Động thái này được cho sẽ đe dọa thỏa thuận "tin tưởng và hỗ trợ" ba năm giúp đảng Fine Gael của Thủ tướng Leo Varadkar thành lập chính phủ thiểu số cách đây 18 tháng.

Trước khi đưa ra tuyên bố này, Fianna Fail từng bày tỏ ý định rút lời đe dọa nếu Phó Thủ tướng Fitzgerald từ chức.

Tuy nhiên, việc 100% số nghị sỹ đến từ Fine Gael bỏ phiếu ủng hộ Phó Thủ tướng Fitzgerald tại một cuộc họp khẩn tối 22/11 vừa qua đã khiến Fianna Fail quyết định hành động.

Fianna Fail yêu cầu bà Fitzgerald từ chức sau khi bà thừa nhận đã không hành động kịp thời khi nhận được một thư điện tử cảnh báo về âm mưu hạ bệ một cảnh sát nước này từ năm 2015.

Mâu thuẫn mới nảy sinh sẽ đe dọa tương lai của chính phủ thiểu số và có thể dẫn tới nguy cơ phải tổ chức tổng tuyển cử sớm tại quốc gia này vào cuối năm hoặc đầu năm sau.

Điều đáng lưu ý là cuộc khủng hoảng diễn ra trong bối cảnh Cộng hòa Ireland đóng vai trò quan trọng trong quyết định của EU với tiến trình đàm phán Brexit.

Ba tuần tới, EU sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh trong đó có việc quyết định có nên đưa đàm phán Brexit sang giai đoạn đàm phán quan hệ thương mại theo yêu cầu của Anh hay không dựa trên một trong ba điều kiện tiên quyết là tương lai biên giới giữa vùng lãnh thổ Bắc Ireland thuộc Anh và Cộng hòa Ireland.

Tại hội nghị, Cộng hòa Ireland có quyền phủ quyết trực tiếp với kế hoạch này nếu nhận thấy các phương án phân chia biên giới chưa phù hợp.

Trước đó, phát biểu tại Quốc hội hôm 23/11, Ngoại trưởng Ireland Simon Coveney cho biết chính phủ nước này chưa thể cho phép đàm phán Brexit tiến sang giai đoạn đàm phán quan hệ thương mại do cần sự minh bạch hơn nữa từ London về kế hoạch phân chia biên giới.

Cũng liên quan tới đàm phán Brexit, phóng viên TTXVN tại Anh cho biết Văn phòng thủ tướng Anh ngày 23/11 tuyên bố thỏa thuận Brexit phải được áp dụng cho cả vùng Gibraltar, vùng lãnh thổ hải ngoại từng là thuộc địa của Tây Ban Nha nhưng thuộc quyền kiểm soát của Anh từ năm 1973.

Lời tuyên bố trên được đưa ra sau khi nguồn tin từ Chính phủ Tây Ban Nha cho rằng lãnh thổ Gibraltar có thể sẽ không nằm trong thỏa thuận thời kỳ chuyển đổi hậu Brexit nếu như không có thỏa thuận nào về tương lai vị thế của Gibraltar.

Vấn đề Tây Ban Nha từ lâu tuyên bố chủ quyền của mình đối với Gibraltar được cho là sẽ trở thành vấn đề cản trở thỏa thuận Brexit sau khi EU hồi tháng Tư vừa qua tuyên bố lãnh thổ này có thể nằm ngoài bất cứ thỏa thuận thương mại nếu như không đạt được thỏa thuận với Tây Ban Nha về vị thế của phần lãnh thổ này.

Trong khi đó, tờ Guardian cùng ngày cho biết hiện giờ chưa hề có thảo luận nào bàn về tương lai lâu dài của vùng Gibraltar và nguồn tin từ phía Tây Ban Nha cho rằng phần lãnh thổ này sẽ rời khỏi thị trường đơn lẻ chung EU vào 29/3/2019, ngày Anh chính thức rời EU./. 

Tin cùng chuyên mục