Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố từ chức ngay sau khi kết quả bỏ phiếu được công bố, nước Anh sẽ cần vị lãnh đạo mới trong chặng đường nhiều khó khăn phía trước |
Với kết quả này, nước Anh và EU sẽ bắt đầu quá trình đàm phán “nhiều cay đắng” trong 2 năm tới, theo quy định tại Điều khoản 50 Hiệp ước Lisbon, điều khoản chưa từng được sử dụng trong lịch sử EU và mới được thêm vào năm 2007.
Theo điều khoản 50, mọi thành viên EU đều có quyền đơn phương rời khỏi nhóm và mỗi quốc gia rời đi có 2 năm để đàm phán lại tất cả các thỏa thuận hiện có. Một khi quá trình đã bắt đầu, nó sẽ không dừng lại, trừ khi có sự đồng ý của tất cả các thành viên trong nhóm. Bất kỳ thỏa thuận mới nào đều phải có sự chấp thuận của các thành viên nòng cốt tại EU và có thể bị phủ quyết bởi Nghị viện châu Âu.
2 năm là quãng thời gian khá ngắn ngủi để nước Anh có thể giải quyết hết các đầu mối hiện đang kết nối chặt chẽ Anh với EU, được quy định tại 80.000 trang luật, đặc biệt là trong bối cảnh rối ren hiện tại. Bởi sau khi kết quả được công bố, Thủ tướng Anh David Cameron đã quyết định từ chức. Ông Cameron sẽ giải quyết các công việc còn lại trong 3 tháng tới và nước Anh sẽ phải lựa chọn một lãnh đạo mới cho chặng đường phía trước.
Trong tuần này, ông Cameron sẽ tới Brussels để gặp gỡ các lãnh đạo EU, tuy nhiên, người kế nhiệm sắp tới mới là người chịu trách nhiệm tham gia đàm phán lại các thỏa thuận mà Anh đã ký kết và gỡ rối những khó khăn mà Brexit mang lại.
Trong cuộc chia tay với EU, cả 2 bên cần phải tiến hành thảo luận lại vấn đề phân chia tài sản, giải quyết ngân sách dành cho EU, thiết lập các quy định mới liên quan tới công dân EU tại Anh và ngược lại. Thay đổi quy định cũ đã khó, tạo nên các thỏa thuận mới cũng không dễ dàng hơn. Theo các chuyên gia, cần ít nhất 7 năm để Anh và EU hoàn tất các thủ tục để “chia tay”. Trong thời gian này, nước Anh sẽ thực hiện các giao dịch thương mại với EU theo quy tắc của WTO.
Điều này đồng nghĩa với việc, nhà xuất khẩu Anh sẽ phải chịu mức thuế nhập khẩu mới dành cho “quốc gia thứ ba”, đồng thời đối mặt với các rào cản thương mại tương tự như Trung Quốc hay Mỹ đang thực hiện khi giao dịch với EU. Lĩnh vực dịch vụ, vốn chiếm 80% nền kinh tế Anh, sẽ mất đi những ưu đãi khi hoạt động tại thị trường rộng lớn này.
Các thỏa thuận thương mại tự do mà EU đã ký kết với 53 quốc gia trên thế giới, bao gồm cả thị trường Canada, Singapore và Hàn Quốc, sẽ không còn được áp dụng với Anh. Nếu muốn được hưởng các ưu đãi, Anh sẽ phải đàm phán riêng với mỗi quốc gia.
Một trong những ưu điểm của Brexit là Anh không cần phải đóng góp vào ngân sách chung của EU, đồng nghĩa với việc hàng năm, quốc gia này sẽ có thêm khoảng 8,5 tỷ bảng Anh (12,5 tỷ USD) để chi tiêu. Số tiền này có thể được phục vụ vào các lợi ích công cộng hoặc dùng để giảm bớt một số loại thuế.
Tuy nhiên, nông dân Anh sẽ không còn nhận được khoản chi trả trực tiếp từ EU, năm 2015, số tiền này vào khoảng 2,4 tỷ bảng Anh. Hiện chưa rõ chính phủ Anh có tiếp tục chu cấp khoản này cho người nông dân hay không.
Một trong những lý do người dân Anh ủng hộ Brexit là việc sẽ giảm được tình trạng cư dân châu Âu nhập cư vào Anh. Khi Anh rời khỏi EU, rất nhiều cư dân châu Âu sẽ phải rời khỏi quốc gia này, giúp người dân Anh tìm việc dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, hiện tại, có gần 2,2 triệu cư dân EU sống tại Anh và khoảng 2 triệu cư dân Anh đang sinh sống tại các quốc gia thành viên EU khác. Như vậy, mọi chính sách thắt chặt về vấn đề nhập cư, công việc, lương thưởng đều có thể tác động ngược lại tới lợi ích của những cư dân Anh sinh sống tại nước ngoài.
Những mối lo ngại mà các thành viên thị trường tài chính, người lao động, nhà sản xuất… tại Anh đang nghĩ tới khó có thể liệt kê hết. Chắc chắn rằng, giới chức Anh cần thêm nhiều niềm tin và sức mạnh để đối phó với ít nhất là 2 năm chông gai phía trước.