Cảng quốc tế Cái Mép, do liên doanh APM Terminal, Cảng Sài Gòn và Vinalines đầu tư, đón siêu tàu container. |
Lỗ giảm mạnh
Theo ông Lê Anh Sơn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinalines, thời gian qua tổng công ty tập trung vào 2 nội dung hoạt động lớn là tái cơ cấu toàn diện và đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Kế hoạch sản xuất hàng năm được xây dựng theo hướng tập trung vào 3 lĩnh vực chính là vận tải biển, khai thác cảng và dịch vụ hàng hải.
Theo ông Sơn, do tình hình kinh tế thế giới và trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, đã ảnh hưởng rất lớn đến mảng kinh doanh vận tải của Vinalines nhưng với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải, sản lượng và doanh thu từ vận tải đã có nhiều khởi sắc, tuy không tăng nhiều nhưng lỗ đã giảm mạnh, mang lại dòng tiền dương tại nhiều đơn vị.
“Khai thác cảng vẫn là mảng kinh doanh triển vọng nhất cho Vinalines, không chỉ giúp bù đắp cho mảng kinh doanh vận tải mà còn được kỳ vọng sẽ là điểm thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư chiến lược trước khi IPO”, ông Sơn nói.
Kết quả kinh doanh gần đây cho thấy, Vinalines đều hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch hàng năm đề ra, giảm lỗ, tiến tới cân bằng thu chi. Cụ thể, sản lượng vận tải biển năm 2016 đạt hơn 24 triệu tấn, tăng 7% so với năm 2015 và cao hơn kế hoạch năm là 14%. Sản lượng hàng thông qua cảng đạt 78 triệu tấn, tăng 17% so với năm 2015 và cao hơn kế hoạch năm 6%. Tổng doanh thu đạt 16.014 tỷ đồng, bằng 90% so với năm 2015 và bằng 94% kế hoạch năm 2016. Toàn tổng công ty nộp ngân sách 750 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam nhận xét, thực tế, trong các ngành nghề kinh doanh, khối vận tải biển vẫn là mảng khó khăn nhất của Vinalines. Dù Tổng công ty có tổng trọng tải đội tàu chiếm 26% tổng trọng tải đội tàu quốc gia và sản lượng vận tải chiếm gần 20% tổng sản lượng vận tải đội tàu biển cả nước nhưng trong cơn khủng hoảng của ngành vận tải biển nói chung, 7 doanh nghiệp vận tải của Vinalines đều lỗ. Tổng mức lỗ là 1.980 tỷ đồng, cao hơn 22% so với năm trước.
Những khó khăn của các doanh nghiệp vận tải của Vinalines theo đánh giá của Cục trưởng Nguyễn Xuân Sang đến chủ yếu là từ thị trường vận tải biển quốc tế đang bị trầm lắng, giá cước giảm ngay cả những hãng tàu lớn của thế giới đều phá sản. Ngoài ra, khó khăn này còn đến từ chủng tàu và cơ cấu tàu của Vinalines chưa hợp lý như tàu hàng nhiều, trong khi tàu container thì ít.
Một điểm sáng của Vinalines là mảng kinh doanh cảng biển vẫn có dòng tiền dương và đem về lợi nhuận trước thuế 923 tỷ đồng. Cùng với đó là hoạt động dịch vụ và hoạt động khác trong năm 2016 đã ghi nhận mức lãi gần 1.140 tỷ đồng.
Theo đánh giá của Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ Giao thông Vận tải), trong bối cảnh thị trường hàng hóa tăng trưởng thấp, cạnh tranh mạnh, cước vận tải tiếp tục xu hướng giảm, trong khi hầu hết các doanh nghiệp của Vinalines đều đối mặt với khó khăn về tài chính, nguồn vốn eo hẹp, đạt được kết quả như trên thực sự là nỗ lực to lớn.
Tạo “bước ngoặt”
Mới đây, Chính phủ quyết định phương án cổ phần hóa Vinalines theo hướng Nhà nước sẽ nắm giữ 65% vốn điều lệ tại công ty mẹ - Vinalines. Đồng thời Vinalines lại được nắm giữ từ 65% vốn điều lệ trở lên tại các công ty cổ phần: Cảng Hải Phòng, Cảng Sài Gòn và Cảng Đà Nẵng. Các công ty này đều đã cổ phần hóa, đến nay vốn nhà nước vẫn chiếm từ 80% trở lên nhưng trong kế hoạch cũ sẽ tiếp tục thoái vốn, giảm sở hữu của nhà nước xuống dưới 30%.
Nhiều chuyên gia đánh giá, với những thay đổi trên được xem là bước “ngoặt lớn” trong tái cơ cấu Vinalines, đồng thời cũng cho thấy, Tổng công ty này có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của ngành vận tải biển nói riêng và ngành hàng hải nói chung của đất nước.
Bởi trước đó, tháng 3/2015, Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn tất các công việc chuẩn bị cho IPO công ty mẹ Vinalines theo hướng bán 64% vốn nhà nước hiện có tại Tổng công ty, phát hành thêm cổ phần để tăng vốn, hoán đổi nợ lấy cổ phần. Sau IPO, nhà nước sẽ chỉ còn giữ lại 36% vốn tại đây.
Như vậy, quyết định của Chính phủ vừa qua đã định hướng đi của Vinalines rõ hơn. Giờ đây Vinalines không chỉ tiếp tục giữ cổ phần chi phối tại ba cảng biển nói trên mà còn được tiếp tục nắm giữ cổ phần tại các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics và tiếp tục thoái vốn tối đa tại các doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển.
Đại diện lãnh đạo Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ Giao thông Vận tải) nhận định, với những thay đổi về tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước tăng lên tại Vinalines, vị thế, giá trị của doanh nghiệp của Tổng công ty sẽ có nhiều thay đổi theo hướng tích cực. Mặt khác, kế hoạch hoàn thành cổ phần hóa công ty mẹ - Vinalines, thực hiện IPO vào cuối năm nay thực sự là những tin tích cực đối với nhiều nhà đầu tư quan tâm đến Vinalines.
Nhận xét về kết quả tái cơ cấu và hướng đi của Vinalines trong thời gian tới, Cục trưởng Nguyễn Xuân Sang cho rằng, hướng tái cơ cấu mà Vinalines đang thực hiện đem lại những kết quả tích cực.
"Muốn gì thì muốn, Vinalines phải tái cơ cấu lại đội tàu, theo hướng bán những tàu già, tàu không hiệu quả đồng thời lựa chọn những chủng loại tàu phù hợp để mua mới. Ví dụ như vận tải biển trong nước, Vinalines nên đầu tư vào các mác tàu vận tải container Bắc - Nam để gom hàng về cảng trung chuyển", ông Sang đề xuất.
“Đối với những hàng hóa số lượng lớn như hàng than cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện thì Vinalines nên tranh thủ nắm bắt cơ hội này để giành lấy quyền vận tải cung cấp than cho các nhà máy này. Ngoài ra, một trong những mảng kinh doanh mà Vinalines phải phát triển là phát triển dịch vụ logistics”, ông Nguyễn Xuân Sang cho hay.
Còn theo Vụ Quản lý doanh nghiệp, để sản xuất kinh doanh có hiệu quả, Vinalines kiên quyết dừng các hoạt động kinh doanh không đem lại lợi nhuận, các đơn vị tìm mọi cách cắt giảm chi phí, nỗ lực triển khai các giải pháp tăng doanh thu, tăng cường quản lý, tìm kiếm mở rộng thị trường.
Quyền Tổng giám đốc Vinalines Nguyễn Cảnh Tĩnh đề xuất Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo hỗ trợ Vinalines để tham gia cung cấp dịch vụ vận chuyển cho các chủ hàng lớn là các tập đoàn, tổng công ty (như Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ...); tham gia các dự án vận chuyển hàng hóa nội địa và hàng hóa xuất nhập khẩu... để tăng nguồn hàng vận chuyển và nâng thị phần vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu nội địa...