Bước tiến minh bạch hóa hoạt động đấu giá tài sản

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản (ĐGTS) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025. Hiện nay, 1 nghị định, 4 thông tư quy định chi tiết các nội dung của Luật đang được các cơ quan soạn thảo xây dựng và hoàn thiện, đảm bảo thời hạn ban hành có hiệu lực đồng thời với Luật. Một số bất cập nổi cộm trong hoạt động ĐGTS thời gian qua dự kiến sẽ được khắc phục bằng quy định mới, rõ trách nhiệm, minh bạch hóa hoạt động ĐGTS.
Việc đánh giá năng lực, kinh nghiệm và uy tín của tổ chức đấu giá tài sản hiện chủ yếu dựa vào tính trung thực của tổ chức đấu giá. Ảnh minh họa: Nhã Chi
Việc đánh giá năng lực, kinh nghiệm và uy tín của tổ chức đấu giá tài sản hiện chủ yếu dựa vào tính trung thực của tổ chức đấu giá. Ảnh minh họa: Nhã Chi

Rõ trách nhiệm xét duyệt điều kiện tham gia đấu giá

Tại Hội thảo chuyên đề về hoạt động ĐGTS và triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ĐGTS được tổ chức mới đây, ông Nguyễn Chí Nhẫn, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Cà Mau chia sẻ, thời gian qua, một trong những khó khăn khi thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất (ĐGQSDĐ) là thẩm định điều kiện tham gia đấu giá để thực hiện dự án đầu tư.

Theo quy định tại khoản 4 Điều 14 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai, việc thẩm định điều kiện tham gia đấu giá đối với người tham gia đấu giá để giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án đầu tư được thực hiện trước khi tổ chức phiên ĐGQSDĐ. Tuy nhiên, pháp luật không quy định cơ quan nào có trách nhiệm thẩm định điều kiện tham gia đấu giá của người tham gia đấu giá.

Luật Đất đai năm 2024 và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai đã quy định điều kiện của tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá để thực hiện dự án đầu tư, nhưng chưa quy định việc thẩm định cũng như trách nhiệm thẩm định điều kiện tham gia đấu giá.

Nhằm khắc phục hạn chế nêu trên, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ĐGTS đã quy định về việc thẩm tra, xét duyệt yêu cầu, điều kiện của người tham gia ĐGQSDĐ đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản.

Theo quy định tại khoản 23 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ĐGTS, trong trường hợp trên, người có tài sản đấu giá căn cứ hồ sơ tham gia đấu giá của người tham gia đấu giá và quy định của pháp luật áp dụng đối với loại tài sản đấu giá có trách nhiệm xét duyệt điều kiện của người tham gia đấu giá và thông báo cho tổ chức ĐGTS danh sách người đáp ứng yêu cầu, điều kiện tham gia đấu giá, người không đáp ứng yêu cầu, điều kiện tham gia đấu giá chậm nhất là 5 ngày làm việc trước ngày mở phiên đấu giá. Đồng thời, người có tài sản đấu giá có trách nhiệm không được cung cấp thông tin của người tham gia đấu giá cho người tham gia đấu giá khác trong quá trình thẩm tra, xét duyệt điều kiện tham gia đấu giá cho đến khi kết thúc cuộc đấu giá.

Chặn gian lận năng lực của tổ chức đấu giá tài sản

Ông Nguyễn Chí Nhẫn cho biết, thực tế trong quá trình áp dụng Thông tư số 02/2022/TT-BTP hướng dẫn lựa chọn tổ chức ĐGTS, có bất cập từ việc xác minh một số nội dung trong bảng tiêu chí đánh giá do tổ chức ĐGTS cung cấp như tiêu chí “trong năm trước liền kề đã thực hiện hợp đồng dịch vụ đấu giá cùng loại tài sản với tài sản dự kiến đưa ra đấu giá” hay tiêu chí “trong năm trước liền kề đã tổ chức đấu giá thành các cuộc đấu giá cùng loại tài sản với tài sản dự kiến đưa ra đấu giá có mức chênh lệch trung bình giữa giá trúng đấu giá so với giá khởi điểm”… Các tổ chức ĐGTS hoạt động trên phạm vi cả nước, nên với những hợp đồng đấu giá được thực hiện trên địa bàn tỉnh khác thì rất khó xác định số liệu, thông tin do tổ chức ĐGTS cung cấp chính xác hay không và phải liên hệ sở tư pháp của tỉnh đó để đối chiếu, trong khi pháp luật không cho phép người có tài sản yêu cầu nộp bản chính hoặc bản sao hợp đồng.

Sở Tư pháp tỉnh Nghệ An thì phản ánh, thời gian qua có một số đơn vị có tài sản đấu giá thực hiện chưa nghiêm quy định tại Thông tư số 02/2022/TT-BTP như: thông báo lựa chọn, kết quả lựa chọn không đúng biểu mẫu quy định; đánh giá các tiêu chí chấm điểm chưa khách quan; việc xác minh thông tin hồ sơ tham gia lựa chọn khi có phản ánh chưa sâu sát, kịp thời. Trong đó, quá trình chấm điểm chủ yếu dựa vào hồ sơ minh chứng, một số thông tin về năng lực, kinh nghiệm và uy tín của tổ chức ĐGTS (như số hợp đồng, tỷ lệ đấu giá thành, nộp thuế…) chủ yếu dựa vào tính trung thực của tổ chức đấu giá, việc liên hệ các cơ quan có liên quan để xác minh thông tin còn gặp khó khăn.

Bộ Tư pháp đang xây dựng Dự thảo Thông tư hướng dẫn lựa chọn tổ chức hành nghề ĐGTS (thay thế cho Thông tư số 02/2022/TT-BTP). Trong đó định hướng sẽ quy định tiêu chí lựa chọn tổ chức ĐGTS theo hướng thu hẹp các hành vi vi phạm bị trừ điểm, chỉ chọn lọc các hành vi liên quan trực tiếp đến năng lực, kinh nghiệm, tính liêm chính và đạo đức hành nghề của tổ chức ĐGTS, đấu giá viên.

Để giải quyết tình trạng người có tài sản gặp khó khăn trong việc kiểm tra, xác minh tính chính xác của thông tin trong hồ sơ đăng ký tham gia lựa chọn do tổ chức ĐGTS kê khai, Dự thảo Thông tư quy định về trách nhiệm của tổ chức ĐGTS, trong đó có việc chịu trách nhiệm về tính đầy đủ, chính xác của các thông tin trong hồ sơ đăng ký tham gia lựa chọn và gửi sở tư pháp nơi tổ chức có trụ sở báo cáo theo mẫu ban hành kèm theo thông tư này về tổ chức, hoạt động ĐGTS định kỳ hàng năm. Đồng thời, Dự thảo Thông tư quy định trách nhiệm của sở tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải đăng tải báo cáo nêu trên lên Cổng thông tin ĐGTS quốc gia. Trên cơ sở báo cáo được công khai, người có tài sản có thể dễ dàng truy cập, khai thác, tra cứu phục vụ cho việc chấm điểm lựa chọn tổ chức ĐGTS...

Tin cùng chuyên mục