Ảnh minh họa |
Theo dự thảo, cá nhân được quản lý, khai thác công trình thủy lợi nhỏ với quy mô như sau: Miền núi: nhỏ hơn 10ha; Đồng bằng sông Cửu Long: nhỏ hơn 50 ha; các vùng còn lại: nhỏ hơn 20 ha.
Cá nhân quản lý, khai thác công trình thủy lợi nhỏ phải đáp ứng yêu cầu sau: Có đủ năng lực theo quy định; tổ chức quản lý, khai thác theo đúng các quy định của pháp luật về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; thực hiện đúng theo nhiệm vụ công trình, đáp ứng yêu cầu của người sử dụng nước.
Về tài chính, cá nhân quản lý, khai thác công trình thủy lợi nhỏ được nhận kinh phí hỗ trợ của Nhà nước thông qua Ủy ban nhân dân cấp xã, kinh phí đóng góp của người sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi theo thỏa thuận để chi cho hoạt động quản lý vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa thuỷ lợi nội đồng.
Thành lập, củng cố tổ chức thủy lợi cơ sở
Cũng theo dự thảo, trong thời hạn không quá 3 năm kể từ khi Luật Thủy lợi có hiệu lực, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện thành lập, củng cố các tổ chức thủy lợi cơ sở.
Cụ thể, đối với các địa phương chưa có tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng phải thành lập các tổ chức thủy lợi cơ sở; các tổ hợp tác quản lý, khai thác công trình thủy lợi kết hợp với tổ chức sản xuất, dịch vụ khác, có trụ sở làm việc, có quy mô xã thì chuyển đổi thành Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp có dịch vụ thủy lợi.
Các tổ hợp tác quản lý, khai thác công trình thủy lợi chưa có trụ sở làm việc, có quy mô nhỏ thì củng cố tổ hợp tác quy mô liên thôn, xã. Riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long có thể củng cố tổ hợp tác có quy mô thôn, liên thôn hoặc xã. Các Ban quản lý thủy nông, Ban Thủy lợi xã đang hoạt động với hình thức lãnh đạo, cán bộ xã kiêm nhiệm thì phải chuyển đổi sang loại hình hợp tác xã hoặc tổ hợp tác.
Dự thảo nêu rõ, tổ chức thủy lợi cơ sở phối hợp với chính quyền cấp xã tuyên truyền, phổ biến để tất cả người sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi tham gia tổ chức thủy lợi cơ sở.