Các điều kiện kinh doanh tại ASEAN cải thiện mạnh mẽ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo dữ liệu Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) mới nhất của S&P Global, ngành sản xuất ASEAN tăng trưởng nhanh hơn vào thời điểm cuối quý I/2024. Số lượng đơn đặt hàng mới tăng trở lại giúp sản lượng tăng mạnh hơn. Từ đó, các công ty tăng việc làm và hoạt động mua hàng, trong đó hoạt động mua hàng tăng mạnh nhất trong thời gian 5 tháng.

S&P Global cho biết, Chỉ số PMI ngành sản xuất ASEAN tăng từ 50,4 điểm trong tháng 2 lên đạt 51,5 điểm trong tháng 3, từ đó cho thấy các điều kiện kinh doanh cải thiện mạnh mẽ và mức cải thiện là đáng kể nhất trong gần 1 năm.

Nhu cầu hàng hóa sản xuất tại ASEAN tăng trở lại khi số lượng đơn đặt hàng mới trong tháng 3 tăng lần đầu tiên trong 7 tháng. Tốc độ tăng là nhanh nhất kể từ giữa năm 2023.

"Tuy nhiên, mức tăng kỳ này có vẻ chủ yếu là nhờ nhu cầu trong nước chứ không phải nhu cầu trên thị trường quốc tế. Trên thực tế, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm mạnh hơn và đã kéo dài thời kỳ giảm hiện nay thành 22 tháng", S&P Global nhận xét.

Số lượng đơn đặt hàng mới tăng trở lại đã giúp sản lượng tăng mạnh hơn. Mức tăng lần này là mạnh nhất trong 10 tháng. Lượng công việc tồn đọng trong tháng 3 cũng tăng lần đầu kể từ tháng 6/2023, mặc dù mức tăng chỉ là nhỏ. Yêu cầu sản lượng cao hơn khiến các công ty tăng số lượng nhân công tháng thứ hai liên tiếp, mặc dù mức tăng là yếu hơn và chỉ là tăng nhẹ. Hoạt động mua hàng cũng tăng. Mức tăng lần này là mạnh nhất trong thời kỳ tăng kéo dài 5 tháng hiện nay.

Về thời gian giao hàng hóa đầu vào, hiệu suất hoạt động trung bình của người bán hàng vẫn gần như không đổi mặc dù nhu cầu khách hàng cải thiện.

Ở từng quốc gia, tình trạng cải thiện điều kiện kinh doanh chủ yếu tập trung ở ngành sản xuất của Singapore và Indonesia. Trong khi đó, Philippines chỉ ghi nhận mức cải thiện khiêm tốn. Ngành sản xuất Việt Nam có các điều kiện kinh doanh gần như không thay đổi, trong khi 3 quốc gia ASEAN còn lại (Thái Lan, Malaysia và Myanmar) ghi nhận suy giảm trong tháng 3.

"Tăng trưởng trong ngành sản xuất ASEAN tiếp tục mạnh lên trong tháng 3. Với sự cải thiện của các điều kiện hoạt động trong 3 tháng vừa qua, đây là quý có kết quả hoạt động mạnh nhất kể từ quý II/2023. Số lượng đơn đặt hàng mới tăng trở lại đã giúp sản lượng tăng nhanh hơn. Tuy nhiên, xu hướng nhu cầu cho thấy tình trạng tăng lần này của số lượng đơn đặt hàng mới chủ yếu xuất phát từ nhu cầu khách hàng trong nước. Trong khi đó, nhu cầu nước ngoài tiếp tục dao động. Ngoài ra, mặc dù vẫn là tích cực, triển vọng sản lượng đã suy yếu thành mức thấp của 8 tháng", Maryam Baluch, Chuyên gia kinh tế tại S&P Global Market Intelligence nhận xét.

Tin cùng chuyên mục