Các gói thầu lớn giúp Công trình đường sắt vượt bão Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Công ty CP Tổng công ty Công trình đường sắt (gọi tắt là Công trình đường sắt) vừa trúng Gói thầu số 11A thuộc Dự án Gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang, tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM với giá hơn 552,8 tỷ đồng. Sau 3 năm (2017 - 2019) liên tiếp thua lỗ, việc trúng thầu thi công các công trình đường sắt quy mô lớn giúp Công ty thu được kết quả kinh doanh khả quan dù chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19.
Công ty CP Tổng công ty Công trình đường sắt hiện thi công nhiều gói thầu trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM. Ảnh: Quang Tuấn
Công ty CP Tổng công ty Công trình đường sắt hiện thi công nhiều gói thầu trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM. Ảnh: Quang Tuấn

Thời gian gần đây, Công trình đường sắt liên tục được lựa chọn thi công các công trình đường sắt quy mô lớn. Tháng 11/2021, Liên danh Công trình đường sắt - Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô - Công ty CP Đầu tư và Xây dựng công trình 3 được lựa chọn thực hiện Gói thầu số 11A Thi công xây dựng gia cố các công trình hầm số 1, số 2, số 3, Phủ Cũ, Chí Thạnh, Vũng Rô 1, Vũng Rô 4 và Bãi Gió với giá trúng thầu hơn 552,8 tỷ đồng, giảm 0,068 tỷ đồng so với giá gói thầu. Gói thầu thuộc Dự án Gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang, tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM.

Bên cạnh đó, vào đầu năm, Công trình đường sắt liên danh cùng 2 nhà thầu khác trúng Gói thầu số 19 Cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Km1540+815 đến Km1568+400 tỉnh Bình Thuận thuộc Dự án Cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Nha Trang - Sài Gòn, tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM. Giá trúng thầu khoảng 222,1 tỷ đồng, đạt tỷ lệ tiết kiệm 0,17%.

2 gói thầu lớn trên sẽ giúp củng cố kết quả kinh doanh của Công trình đường sắt sau nhiều năm khó khăn. Trong 3 năm từ 2017 - 2019, Công trình đường sắt liên tục thua lỗ với mức lỗ ròng lần lượt là 14 tỷ đồng, 110 tỷ đồng và 6 tỷ đồng. Năm 2020, Công ty có lãi trở lại, chủ yếu nhờ hoạt động kinh doanh chứng khoán. Cụ thể, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 390 tỷ đồng, tăng 8,5% so với năm 2019. Sau khi trừ đi chi phí giá vốn, lợi nhuận gộp đạt 64,7 tỷ đồng, trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp và lãi vay lên tới hơn 131 tỷ đồng. Nhờ doanh thu hoạt động kinh doanh chứng khoán gần 145 tỷ đồng, Công trình đường sắt lãi sau thuế 69,7 tỷ đồng năm 2020.

9 tháng năm 2021, dù không còn hoạt động tài chính và chịu ảnh hưởng lớn từ Covid-19, nhưng Công trình đường sắt vẫn báo lãi ròng 32 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh khả quan nhờ doanh thu tăng mạnh 108% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 386,6 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu từ hoạt động xây lắp đạt 224,3 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này đến từ nhiều gói thầu mà Công trình đường sắt thi công từ năm 2020.

Đơn cử như Gói thầu XL-CY-07 Thi công 13 cầu thuộc địa phận từ Thừa Thiên Huế (cầu Km681+884) đến Quảng Ngãi (cầu Km939+419) thuộc Dự án Cải tạo, nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM với giá 153,3 tỷ đồng; Gói thầu số 12 Thi công xây dựng hạng mục gia cố công trình hầm Babonneau thuộc Dự án Gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang, tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM với giá 90,5 tỷ đồng; Gói thầu XL-HNV-05 Nâng cấp ke ga, mái che ga Chợ Sy, ga Vinh; nâng cấp khu gian từ Trường Lâm - Vinh (Km237+790 - Km319+020) thuộc Dự án Cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội - Vinh, tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM với giá 143,4 tỷ đồng.

Tính đến cuối tháng 9/2021, tổng tài sản của Công trình đường sắt ở mức 871,5 tỷ đồng, trong đó nợ vay chỉ còn khoảng 260 tỷ đồng, giảm mạnh so với đầu năm.

Tin cùng chuyên mục