Doanh nghiệp xuất khẩu tăng trưởng khả quan

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, dệt may, đồ gỗ… ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng tích cực trong quý đầu năm 2024. Triển vọng kinh doanh trong các quý tiếp theo được dự báo khả quan trong bối cảnh sức mua từ các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam có tín hiệu hồi phục.
Một số doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản có lợi nhuận tăng trưởng cao. Ảnh: Lê Tiên
Một số doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản có lợi nhuận tăng trưởng cao. Ảnh: Lê Tiên

Khởi đầu thuận lợi

Hoạt động trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu tôm, Công ty CP Thực phẩm Sao Ta báo cáo kết quả kinh doanh quý đầu năm 2024 với sản lượng tiêu thụ đạt hơn 4.607 tấn, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng tiêu thụ thuỷ sản tăng 27%, đạt 4.272 tấn. Kết quả, Công ty mang về 1.461 tỷ đồng doanh thu trong quý I, tăng 44,7% so với cùng kỳ 2023, lợi nhuận trước thuế đạt 57,4 tỷ đồng, tăng 13,3%.

Trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu cá tra, Công ty CP Vĩnh Hoàn báo cáo doanh thu 3 tháng đầu năm 2024 đạt 2.811 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ 2023 với sự phục hồi tăng trưởng doanh số tích cực của các thị trường chính như Mỹ, châu Âu và Trung Quốc.

Hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh chế biến gỗ, Công ty CP Hợp tác kinh tế và Xuất nhập khẩu Savimex (Savimex) báo cáo doanh thu thuần quý I/2024 đạt 215,9 tỷ đồng, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh thu từ xuất khẩu đạt hơn 202 tỷ đồng, chiếm 94% tổng doanh thu và tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế đạt 9,5 tỷ đồng, tăng trưởng 25%.

Tại Công ty CP Phú Tài, doanh thu bán các sản phẩm gỗ (mảng kinh doanh chủ lực, chiếm tới 63% cơ cấu doanh thu trong quý I/2024, chủ yếu thông qua các đơn hàng xuất khẩu) tăng trưởng 22,2% trong quý đầu năm nay, bù đắp cho sự sụt giảm của một số mảng kinh doanh khác còn khó khăn, đưa doanh thu quý đầu năm tăng trưởng 1,9% so với quý I/2023.

Đơn hàng nhiều kéo doanh thu gia tăng, biên lợi nhuận cải thiện cũng là câu chuyện ghi nhận ở khối doanh nghiệp dệt may. Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (Dệt may Thành Công) ghi nhận doanh thu quý đầu năm đạt 934 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 62,6 tỷ đồng, tăng lần lượt 6,6% và 14% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến cuối tháng 4/2024, Công ty cho biết đã nhận đơn hàng đạt khoảng 88% kế hoạch doanh thu quý II/2024 và khoảng 83% kế hoạch quý III/2024.

Nhiều doanh nghiệp dệt may khác cũng công bố mức tăng trưởng lợi nhuận 2 con số trong quý đầu năm nay như: Công ty CP May Sông Hồng với doanh thu tăng 21% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận trước thuế tăng 60%; Tổng công ty May 10 báo doanh thu tăng 25% so với quý I/2023, lợi nhuận trước thuế tăng 29%; Tổng công ty CP Dệt may Hòa Thọ với lợi nhuận trước thuế tăng 45% so với quý I/2023; Tổng công ty CP May Việt Tiến tăng 80% lợi nhuận trước thuế so với cùng kỳ năm trước và là quý I có lãi cao nhất 5 năm qua.

Sự phục hồi kết quả kinh doanh của doanh nghiệp xuất khẩu diễn ra trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu chung của cả nước dần phục hồi. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung quý I/2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của cả nước tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu tăng 17%, nhập khẩu tăng 13,9%.

Triển vọng khả quan nhờ sức mua hồi phục

Sau khởi đầu tích cực trong quý đầu năm, sang quý II/2024, tình hình xuất khẩu vẫn khá thuận lợi. Theo số liệu vừa được Bộ Công Thương công bố, trong tháng 4/2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 61,2 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa cả nước ước đạt 238,88 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 15%, nhập khẩu tăng 15,4%.

Ba nhóm hàng xuất khẩu tăng trưởng mạnh trong 4 tháng đầu năm nay là nông sản (11,98 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2023) với nhiều mặt hàng đạt tốc độ tăng trưởng hai con số như: cà phê, gạo, chè các loại, rau quả, nhân điều…; công nghiệp chế biến chế tạo (104,65 tỷ USD, tăng 14,5%) với nhiều nhóm sản phẩm tăng trưởng cao như gỗ và sản phẩm gỗ, sắt thép các loại, hàng dệt và may mặc, giầy dép, điện thoại và linh kiện…; nhiên liệu khoáng sản (1,65 tỷ USD, tăng 28%).

Trong báo cáo tháng 4/2024, Phòng phân tích thuộc Công ty CP Chứng khoán Shinhan Việt Nam đánh giá, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam được dự báo tiếp tục khởi sắc nhờ nhu cầu tiêu thụ hàng hóa quay trở lại khi lạm phát được kiểm soát; hàng tồn kho ở các thị trường mà Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu như Mỹ, Trung Quốc… đang giảm dần.

Bộ phận phân tích và tư vấn đầu tư thuộc Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt cũng đánh giá xuất khẩu của Việt Nam sẽ hồi phục tốt trong năm nay trên nền thấp của năm ngoái cùng triển vọng tích cực hơn từ các đối tác xuất khẩu chính. Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) kỳ vọng cắt giảm lãi suất vào giữa năm nay sẽ là yếu tố hỗ trợ cho tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam. Các số liệu thống kê cũng cho thấy đà giảm tiêu dùng tại châu Âu có dấu hiệu chững lại. Tại Mỹ, tỷ lệ hàng tồn kho/doanh thu nhiều mặt hàng đã giảm xuống thấp hơn so với cuối năm 2022, một số mặt hàng như: trang phục, thực phẩm, nội thất, bán lẻ… hiện có tỷ lệ thấp hơn giai đoạn trước đại dịch. Hàng tồn kho giảm sẽ kích thích nhập khẩu nhiều hơn, giúp xuất khẩu của những mặt hàng này hồi phục.

Triển vọng xuất khẩu tích cực cũng là cơ sở để kỳ vọng tăng trưởng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu trong các quý tới sẽ tiếp tục khả quan, thậm chí có thể cao hơn quý đầu năm. Chẳng hạn, với nhóm dệt may, thủy sản, theo chu kỳ hàng năm, nửa đầu năm là giai đoạn thấp điểm, lượng đơn hàng thường tích cực hơn trong nửa cuối năm khi các nhà phân phối, bán lẻ tại Mỹ và châu Âu tăng tích trữ hàng để chuẩn bị cho cao điểm tiêu dùng dịp Giáng sinh và năm mới.

Mới đây, Thực phẩm Sao Ta công bố thông tin hoạt động tháng 4/2024 khả quan với số liệu sản xuất tôm thành phẩm trong tháng đạt 2.130 tấn, tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái; sản lượng tiêu thụ tôm thành phẩm đạt 1.435 tấn, tăng 22%. Doanh số tháng 4/2024 đạt 16,32 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước.

Trong xu hướng tăng của tỷ giá VND/USD thời gian gần đây, nhóm doanh nghiệp xuất khẩu được đánh giá hưởng lợi khi giá bán sản phẩm bình quân quy đổi sang VND tăng, làm tăng quy mô doanh thu và biên lợi nhuận. Tuy vậy, với thực tế nhiều doanh nghiệp có nguồn nguyên vật liệu chủ yếu nhập khẩu từ nước ngoài như nhóm ngành dệt may thì yếu tố hưởng lợi từ tỷ giá tăng cũng bị triệt tiêu đáng kể.

Tin cùng chuyên mục