Sau động thái tăng lãi suất vừa qua, Fed sẽ theo dõi sát sao các thị trường trong thời gian tới |
Hãy cùng xem người đứng đầu một số ngân hàng trung ương chủ chốt trên thế giới muốn được “tặng quà” gì cho năm mới.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Janet Yellen: Một “đêm bình lặng” cho các thị trường
Các thị trường chứng khoán toàn cầu đã khởi sắc hơn sau khi Fed tăng lãi suất lần đầu tiên sau gần một thập kỷ, song một “đêm bình lặng” trên các thị trường có thể là món quà ý nghĩa nhất cho người đứng đầu của một trong những ngân hàng trung ương được quan tâm nhiều nhất trên thế giới.
Trong buổi họp báo sau khi Fed tăng lãi suất hồi giữa tháng 12, bà Yellen cho biết, những phản ứng trên thị trường trong giai đoạn ngắn hạn sau đợt tăng lãi suất này sẽ được Fed theo dõi sát sao.
“Chúng tôi sẽ theo dõi cẩn trọng động thái lãi suất ngắn hạn và dài hạn đồng USD, cũng như giá tài sản để xem liệu chúng có vận động ổn định theo cách mà chúng tôi dự kiến hay không”. Vì thế, dự định tiếp tục kế hoạch tăng lãi suất trong những tháng tới của Fed sẽ phụ thuộc rất lớn vào những biến động của các thị trường.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) Mark Carney: Tăng trưởng lương người lao động
Món quà mà người đứng đầu BOE mong muốn nhận nhất có lẽ là mức lương của người lao động Anh sẽ tăng 3%, bởi lẽ đây là điều kiện cần để BOE có thể nâng lãi suất hiện đang ở mức thấp kỷ lục.
Theo số liệu của Văn phòng thống kê Quốc gia Anh, dù quốc gia này đã thành công trong việc cắt giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống 5,2%, mức thấp kể từ năm 2006, tăng trưởng lương của người lao động vẫn ở mức thấp, khi chỉ tăng 2% (bao gồm cả tiền thưởng) trong quý III/2015. Con số này có thể không quá tệ, song đã giảm so với mức tăng tương ứng 2,9% của quý trước đó.
Trong báo cáo các điều kiện kinh doanh mới nhất, BOE cho rằng, chính lạm phát thấp (hiện ở mức 0,1%) là nguyên nhân chính khiến tình hình tăng lương của người lao động nước này không khả quan.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina: Giá dầu cao hơn
Mặc dù Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, cuộc khủng hoảng kinh tế mà nước này phải đối diện đã chạm đỉnh, song không có gì nghi ngờ điều mà Ngân hàng Trung ương Nga mong muốn nhất lúc này là giá dầu cao hơn để hỗ trợ phục hồi kinh tế đất nước.
Các lệnh trừng phạt kinh tế từ phương Tây cùng với giá dầu sụt giảm mạnh đã đè nặng sức ép lên đồng ruble và đẩy lạm phát của Nga tăng lên mức kỷ lục 15%, trái ngược hoàn toàn với hiệu ứng giảm phát từ giá dầu mỏ thấp đối với các nước nhập khẩu “vàng đen” chủ chốt.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự đoán kinh tế Nga sẽ sụt giảm 3,8% trong cả năm 2015. Tuy nhiên, đã có một số tín hiệu ổn định kinh tế, khi lạm phát có thể giảm gần 3 điểm phần trăm, xuống còn 12,7% vào cuối năm 2015 và tiếp tục giảm vào năm tới.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) Haruhiko Kuroda: Chi tiêu các hộ gia đình tăng
Chi tiêu của các hộ gia đình tại đất nước “mặt trời mọc” đã giảm 2,4% trong tháng 10, trái ngược với dự đoán của các nhà phân tích. Trong bối cảnh đó, Nhật Bản đã hối thúc các doanh nghiệp tích cực chi tiêu, thúc đẩy đầu tư vốn và tăng lương cho người lao động.
Đây được coi là bước đi hỗ trợ nền kinh tế khi lạm phát đang ở mức quá thấp, cũng là một món quà ý nghĩa mà thống đốc Haruhiko Kuroda rất muốn nhận được trong những ngày đầu năm mới 2016.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi: Thị trường lao động được cải thiện
Tỷ lệ thất nghiệp tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và 28 thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã tăng gần gấp đôi kể từ năm 2012. Thất nghiệp cao và tăng trưởng sản lượng kinh tế trong Eurozone thấp nên cần được hỗ trợ bởi các chính sách cấu trúc hiệu quả.
Ông Draghi đã lên tiếng kêu gọi các thành viên EU tăng cường tuyển dụng lao động, giảm bớt sa thải nhân viên để thúc đẩy thị trường việc làm.
Số liệu thống kê mới nhất cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp của Eurozone ở mức 10,7% trong tháng 10, giảm nhẹ so với mức 10,8% của tháng 9.