Các nước châu Á ngày càng lo lắng trước sự trỗi dậy của Bitcoin

(BĐT) - Các nhà quản lý ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương ngày càng không thoải mái với sự gia tăng của Bitcoin và tiền kỹ thuật số khác.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Lời cảnh báo mới nhất là của Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Haruhiko Kuroda, khi ông gọi sự tăng giá của Bitcoin là “bất thường” tại một cuộc họp báo diễn ra hôm thứ Năm. Những nhận xét của ông cũng giống như những lời cảnh báo khác của nền kinh tế lớn trong khu vực, bao gồm Australia, Hàn Quốc và Singapore.

Lo ngại của họ không phải là không có cơ sở khi châu Á chiếm phần lớn trong các giao dịch Bitcoin, đồng tiền kỹ thuật số có giá trị lớn nhất hiện nay. Tờ Wall Street Journal trích dẫn dữ liệu từ công ty nghiên cứu CrytoCompare đã chỉ ra 80% hoạt động giao dịch Bitcoin toàn cầu đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt nam, tính đến thời điểm cuối tháng 11.

Sự biến động mạnh mẽ về giá của các đồng tiền kỹ thuật số là mối quan tâm đặc biệt đối với các nhà quản lý. Bitcoin đã tăng hơn 1.500% trong năm nay, tuy nhiên sự sụt giảm của đồng tiền này kể từ mức đỉnh đã gây lên những lo lắng đối với thị trường tài chính.

Mặc dù vậy, cuộc đua ra mắt các sản phẩm tài chính liên quan đến tiền số vẫn tiếp tục gia tăng với việc Goldman Sachs đang lên kế hoạch thành lập một phòng giao dịch tiền kỹ thuật số, và các sàn giao dịch chứng khoán như CME và CBOE tung ra hợp đồng tương lai Bitcoin.

Trong khi đó, các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương lại ít hoan nghênh tiền kỹ thuật số, nhiều nhà chức trách đã đưa ra một số cảnh báo cứng rắn. Cụ thể:

Trung Quốc – Muốn kiểm soát hoàn toàn

Trung Quốc đã nhanh chóng kiểm soát tiền kỹ thuật số với lệnh cấm giao dịch Bitcoin tự do và yêu cầu ngừng hoạt động phát hành tiền số để huy động vốn (ICO) hồi tháng 9. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho biết, một thị trường không kiểm soát có thể đặt ra những rủi ro tài chính lớn đối với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này.

Bất chấp lập trường cứng rắn của quốc gia đối với việc phát hành hay phân phối các loại tiền số, Bắc Kinh thực sự ủng hộ việc sử dụng các loại tiền này. PBOC cho biết họ đang tìm cách phát hành đồng tiền số quốc gia và thành lập một nhóm để phát triển. 

Nhật Bản – Người tiên phong trong việc hợp pháp hóa Bitcoin

Hồi tháng 4, các nhà lập pháp Nhật Bản đã cho phép sử dụng Bitcoin và một số đồng tiền số khác trong thanh toán; và trong tháng 9 đã chính thức công nhận 11 công ty là nhà điều hành sàn giao dịch tiền số. Tuy nhiên quốc gia này chưa có kế hoạch phát hành một đồng tiền số riêng.

Gần đây, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã cảnh báo về sự gia tăng nhanh chóng của giá Bitcoin. Thống đốc Kuroda chi biết giá Bitcoin tăng là “bất thường” và Bitcoin “đang giao dịch để đầu tư hoặc có mục đích đầu cơ”, không hoạt động như một phương tiện thanh toán. 

Ấn Độ - Lo ngại về việc sử dụng trái phép

Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ đã nhiều lần cảnh báo về những rủi ro trong kinh doanh tiền số. Các nhà quản lý cũng lo ngại rằng tiền kỹ thuật số được sử dụng dùng để trốn thuế, rửa tiền hoặc tài trợ khủng bố.

Tuần trước, chính quyền đã mở rộng điều tra sai phạm liên quan đến tiền kỹ thuật số. 

Hàn Quốc – Giám sát các định chế tài chính

Hàn Quốc đã cấm các tổ chức tài chính nước này kinh doanh tiền số, bao gồm mua, sở hữu và nắm giữ như một loài tài sản thế chấp. ICO cũng sẽ bị cấm, Văn phòng Thủ tướng Chính phủ cho biết trong tuyên bố hồi đầu tháng 12. Ước tính có khoảng 1 triệu người dân Hàn Quốc sở hữu Bitcoin. 

New Zealand – Bitcoin là “bong bóng tài chính”

Grant Spencer, thống đốc Ngân hàng Dự trữ New Zealand, cho biết sự biến động giá Bitcoin là rất bất ổn và là “trường hợp cổ điển” của bong bóng tài sản.

Ông cho biết tiền số có thể được sử dụng trong tương lai, nhưng không phải ở dạng Bitcoin. Ngân hàng trung ương đang xem xét nhu cầu đối với đồng đô la New Zealand và đánh giá liệu có nên thay thế bằng giải pháp kỹ thuật số trong giai đoạn nào đó hay không. 

Đông Nam Á – Trở lại khủng hoảng năm 1997

Đông Nam Á là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, và các nhà chức trách đã đưa ra một số cảnh báo mạnh mẽ nhất về những nhược điểm của tiền kỹ thuật số.

Indonesia, nền kinh tế lớn nhất khu vực, cho biết sẽ bắt đầu cấm giao dịch tiền kỹ thuật số kể từ năm 2018 nhằm bảo vệ đồng tiền quốc gia Rupiah.

Singapore, trung tâm tài chính toàn cầu lớn, cho biết trong thông báo hồi đầu tuần rằng các nhà đầu tư “có nguy cơ mất toàn bộ vốn” do tính đầu cơ của việc đầu tư tiền kỹ thuật số. Trong khi đó, Thái Lan cho biết có nguy cơ hình thành bong bóng trong thị trường tiền kỹ thuật số.

Tin cùng chuyên mục