Cách nào để giải bài toán năng suất lao động?

(BĐT) - Hiện nay công nhân hoạt động trong ngành công nghiệp nhẹ của Việt Nam như dệt may, da giầy có năng suất lao động chỉ bằng một nửa năng suất lao động của công nhân các nước trong khu vực.
Năng suất lao động thấp đang kéo lùi sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam. Ảnh: LTT
Năng suất lao động thấp đang kéo lùi sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam. Ảnh: LTT

Đây là kết quả vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố khi tiến hành khảo sát về năng suất lao động công nghiệp nhẹ của Việt Nam trong 2 năm 2014 và 2015.

Thừa thày, thiếu thợ

Theo chuyên gia của WB, năng suất lao động của Việt Nam hiện nay rất thấp, các doanh nghiệp chủ yếu khai thác nguồn lao động chưa có tay nghề cao. Nếu Singapore, với khoảng 5 triệu dân, tạo ra 100 tỷ USD/năm, tức là mỗi người làm ra 20 triệu USD/năm, thì Việt Nam mặc dù có tới hơn 90 triệu dân nhưng cũng chỉ làm ra khoảng 100 tỷ USD. Trong năm 2014, năng suất lao động của Việt Nam chỉ đạt 5.500 USD, trong khi đó năng suất lao động của Philippines đạt 10.100 USD và Thái Lan là 14.800 USD.

Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân tác động tới năng suất lao động. Yếu tố đầu tiên là chất lượng lao động của Việt Nam không cao, đào tạo không đúng nhu cầu của doanh nghiệp. Cụ thể, với tổng số hơn 53,4 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong nền kinh tế, nhưng chỉ có khoảng 49% qua đào tạo, trong đó qua đào tạo nghề từ 3 tháng trở lên chỉ chiếm khoảng 19%.

Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh – Tổng giám đốc Công ty CP Sách Alpha nhận định: “Trong thời gian qua, chúng ta đã đào tạo ra rất nhiều những người làm công tác quản lý điều hành nên đang phải đối mặt với tình trạng thừa thày, thiếu thợ. Các thợ ở Việt Nam hiện nay lại khó có sức cạnh tranh”.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, năng suất lao động không phụ thuộc hoàn toàn vào trình độ lao động, mà còn do cơ cấu nền kinh tế, hạ tầng cơ sở và khả năng áp dụng khoa học kỹ thuật của doanh nghiệp… Yếu tố này lại chưa được các doanh nghiệp trong nước chú trọng. Trong khi các nước phát triển luôn áp dụng nền sản xuất hiện đại, áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất thì tại Việt Nam còn đang chú trọng vào sản xuất gia công, kỹ thuật công nghệ lạc hậu. 

Cách nào để giải bài toán năng suất lao động?

Giải bài toán về năng suất lao động trong thời gian tới là việc làm cấp thiết trong bối cảnh hội nhập nền kinh tế ngày càng sâu rộng. Nếu nói như trước đây, Việt Nam là mảnh đất hấp dẫn về đầu tư nước ngoài vì có giá nhân công rẻ, vị trí địa lý thuận lợi thì hiện nay lợi thế đó đang mất dần một cách tương đối nếu so với các nước trong khu vực. năng suất lao động ở mức thấp đang là một trong những nguyên nhân đe dọa sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam. Vậy làm thế nào để giải bài toán năng suất lao động hiện nay?

Theo nhiều chuyên gia, thị trường mở ra theo hướng bình đẳng thì các doanh nghiệp mới tồn tại. Doanh nghiệp cần có chính sách lương và đãi ngộ đối với những người tài. Nếu doanh nghiệp mất nhiều người tài thì họ sẽ mất thời gian xây dựng một đội ngũ mới. Cần xây dựng chính sách giữ chân người tài.

Vẫn theo ông Nguyễn Tuấn Quỳnh – Tổng giám đốc Công ty CP Sách Alpha, nâng cao năng suất lao động là trăn trở của nhiều doanh nghiệp. Trong giai đoạn hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam đa số là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cần phải xác định được đâu là lợi ích cạnh tranh của doanh nghiệp, làm thế nào để doanh nghiệp tồn tại và phát triển, thì mới tính toán và xây dựng được đội ngũ nhân sự đáp ứng được thách thức của thị trường.

Theo bà Nguyễn Thị Hằng – Hiệu trưởng Trường Đào tạo nghề công nghiệp TP.HCM, cái chính mà chúng ta ít quan tâm hiện nay đó là tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp. Đây là những điều mà lao động Việt Nam phải ý thức thay đổi đầu tiên nếu muốn nâng cao năng suất lao động.               

Tin cùng chuyên mục