Kiên cường vượt “gió ngược”, cán đích phát triển kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bức tranh quý I/2024 phản ánh kinh tế nước ta từng bước phục hồi, lạm phát được kiểm soát dưới mức mục tiêu minh chứng thành công trong công tác điều hành ổn định vĩ mô, tạo động lực thúc đẩy kinh tế phát triển.
Bức tranh quý I/2024 phản ánh kinh tế nước ta từng bước phục hồi. Ảnh: Tuấn Anh
Bức tranh quý I/2024 phản ánh kinh tế nước ta từng bước phục hồi. Ảnh: Tuấn Anh

Để thực hiện thành công toàn diện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, cần thêm nữa những nỗ lực tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy đầu tư công, tạo đột phá trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và xem xét tiếp tục thực hiện chính sách tài khoá nghịch chu kỳ hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp (DN).

Tận dụng hiệu quả các động lực tăng trưởng

Trong bối cảnh kinh tế thế giới đương đầu với khủng hoảng đa tầng, khu vực doanh nghiệp phải đối mặt với những khó khăn về thị trường đầu ra, thiếu đơn hàng, thiếu vốn và lao động có kỹ năng.

Trong quý I/2024, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất sau khi quay trở lại trên ngưỡng 50 điểm vào tháng 1 và tháng 2 (ở mức 50,3 và 50,4 điểm), đến tháng cuối quý đã giảm về 49,9 điểm. PMI dưới 50 điểm phản ánh cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều giảm; chi phí đầu vào tăng chậm hơn và giá bán hàng giảm. Đặc biệt, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu giảm với mức độ lớn nhất kể từ tháng 7/2023 trong bối cảnh nền kinh tế đối mặt với áp lực cạnh tranh và những vấn đề địa chính trị.

Khó khăn của nền kinh tế nói chung và của khu vực DN trong 3 tháng đầu năm được thể hiện qua bức tranh DN gia nhập và rút khỏi thị trường. Trong quý I/2024, số DN rút khỏi thị trường ở mức cao, gấp 1,23 lần số DN gia nhập thị trường; bình quân một tháng có gần 20 nghìn DN gia nhập thị trường, thì có tới gần 24,7 nghìn DN rút khỏi thị trường.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều bất định, kinh tế nước ta kiên cường vượt “cơn gió ngược”, giữ vững ổn định vĩ mô, tạo thế và lực cho phát triển nhanh và bền vững. Việt Nam đã phát huy hiệu quả vai trò của nền kinh tế kết nối, tận dụng hiệu quả động lực tăng trưởng dựa vào xuất khẩu.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa luôn giữ được đà tăng trưởng, là điểm sáng trong bức tranh kinh tế quý I/2024 với xuất siêu ước đạt 8,08 tỷ USD. Kết quả này phản ánh vai trò và vị thế của kinh tế Việt Nam trong hoạt động thương mại quốc tế; tạo sự ổn định vĩ mô thông qua gia tăng nguồn lực ngoại tệ trong bối cảnh giá trị đồng USD tăng, tạo thêm dư địa để Ngân hàng Nhà nước giữ ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng.

Bên cạnh đó, một điểm sáng của kinh tế quý I có ý nghĩa quan trọng, nâng cao năng lực, tạo nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững là giải ngân vốn đầu tư công đạt 13,9% kế hoạch năm và tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, thu hút và giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khởi sắc. Trong quý I/2024, vốn FDI đăng ký đạt 6,17 tỷ USD, tăng 13,4%; giải ngân đạt 4,63 tỷ USD, tăng 7,1% - mức tăng cao nhất trong cùng kỳ 5 năm trở lại đây cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đúng cam kết tại thị trường Việt Nam, đồng thời phản ánh năng lực hấp thu và giải ngân vốn đầu tư của nền kinh tế.

Với điểm sáng trong giải ngân vốn đầu tư công và vốn FDI, tổng cầu đầu tư của nền kinh tế có dấu hiệu khởi sắc so với quý I/2023. Tích lũy tài sản phản ánh năng lực và sự bền vững trong phát triển sản xuất của nền kinh tế tăng 4,69%, cao hơn 4,67 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Triển vọng thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024

Với kết quả GDP tăng 5,66% của quý I năm nay, để GDP cả năm tăng 6% trở lên đòi hỏi tốc độ tăng GDP của 3 quý còn lại phải đạt trên 6,2%. Đây là mức tăng không dễ đạt được khi khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản khó có thể tăng cao; vốn đầu tư công thấp hơn năm trước; khu vực dịch vụ tăng chậm lại do các hộ gia đình vẫn khó khăn về tài chính, tổng cầu tiêu dùng trong nước còn yếu; khu vực DN chưa phục hồi hoàn toàn.

Về kiểm soát lạm phát, bức tranh lạm phát năm 2024 đan xen các yếu tố gia tăng và kiềm chế lạm phát. Các yếu tố gây áp lực gia tăng lạm phát bao gồm: giá nguyên vật liệu dùng cho sản xuất đang ở mức cao; giá điện biến động theo chiều hướng tăng khi gia tăng nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất và tiêu dùng; giá gạo tăng theo giá xuất khẩu khi sản lượng lương thực ở một số quốc gia suy giảm do biến đổi khí hậu; giá các mặt hàng chiến lược do Nhà nước quản lý như dịch vụ y tế, giáo dục có thể tăng sau nhiều năm kìm giữ; tác động của tăng lương và giá các mặt hàng tiêu dùng gia tăng theo yếu tố mùa vụ.

Căng thẳng địa chính trị, xung đột Nga - Ukraine leo thang gây nên đứt gãy và rủi ro nguồn cung, cùng với việc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác tiếp tục cắt giảm sản lượng khiến giá dầu thô được dự báo có thể tăng lên trên ngưỡng 100 USD/thùng trong vài tháng tới, tạo áp lực không nhỏ tới lạm phát. Đồng USD tăng giá tạo áp lực lên tỷ giá và gia tăng áp lực nhập khẩu lạm phát đối với nền kinh tế phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu cho sản xuất.

Ở chiều ngược lại, các yếu tố kiềm chế lạm phát bao gồm: sự chủ động và nguồn cung dồi dào về lương thực, thực phẩm - nhóm hàng hóa chiếm tỷ trọng lớn trong tiêu dùng của người dân; lạm phát toàn cầu hạ nhiệt, tiến dần về mức lạm phát mục tiêu, sẽ giảm áp lực nhập khẩu lạm phát; Chính phủ thực hiện mục tiêu giữ vững, ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo niềm tin cho cộng đồng DN phục hồi và phát triển sản xuất sẽ làm giảm lạm phát kỳ vọng.

Với các yếu tố trên cùng với tổng cầu tiêu dùng còn thấp, mục tiêu lạm phát năm 2024 từ 4% - 4,5% vẫn trong tầm kiểm soát. Để thực hiện thành công toàn diện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, đặc biệt là mục tiêu tăng trưởng GDP, trước hết, cần khẩn trương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 24/CĐ-TTg ngày 22/3/2024 về việc đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024. Bên cạnh đó, cần có giải pháp phát huy vai trò, gắn trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công.

Đặc biệt, cần tập trung xử lý vấn đề giải phóng mặt bằng (GPMB), nên bố trí GPMB thành một dự án độc lập, được thực hiện với các quy định đặc thù, phù hợp với điều kiện thực tế, nhằm nâng cao tính sẵn sàng cho việc triển khai dự án. Các cơ chế và mức bồi thường GPMB phải thỏa đáng, bảo đảm quyền lợi cho người dân khi di dời, tái định cư để có sự đồng thuận khi triển khai.

Để tạo sự đột phá trong thu hút vốn FDI năm 2024, Chính phủ cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển hạ tầng. Ở khía cạnh khác, Chính phủ khẩn trương hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về xuất, nhập khẩu; thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ DN gia tăng nguồn cung, tiết giảm chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt.

Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước cần kiên định thực hiện chính sách tín dụng và lãi suất phù hợp, hài hòa với nhu cầu, từ đó đảm bảo lợi ích của các thực thể có liên quan trong nền kinh tế, giữ giá trị VND, giảm áp lực lạm phát tiền tệ; điều chỉnh tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định giá nguyên vật liệu nhập khẩu, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm sản xuất trong nước.

Tin cùng chuyên mục