Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Quốc hội ngày 1/11/2018. Ảnh: Quang Khánh |
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, để bảo vệ các thành quả đã có và đạt được trọn vẹn những mục tiêu phát triển là cả một chặng đường đầy khó khăn, đòi hỏi chúng ta phải không ngừng đổi mới, cải cách, luôn kiên định với lý tưởng, phải nỗ lực, quyết tâm trong nhiều giai đoạn, không chỉ trong nhiệm kỳ này mà cả những nhiệm kỳ kế tiếp.
Theo Thủ tướng, chặng đường phía trước sẽ không hề dễ dàng, thậm chí còn khó khăn và phức tạp hơn chặng đường đã đi qua. Với tốc độ tăng trưởng tương tự như mức tăng trung bình của 3 thập niên qua thì đến năm 2045 - mốc lịch sử 100 năm nước nhà được độc lập (1945 - 2045), quy mô GDP nước ta ước tính sẽ đạt mức khoảng 2.500 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng gần 18.000 USD.
“Mục tiêu này là một thách thức rất lớn vì khi thu nhập ngày càng cao, việc đạt thêm % tăng trưởng sẽ càng khó khăn hơn. Nhưng chúng ta và các thế hệ tiếp theo phải luôn nuôi dưỡng khát vọng và không ngừng phấn đấu nhằm hiện thực hóa mục tiêu này”, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
Tại Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng thông tin về một số trọng tâm mà Chính phủ sẽ tập trung triển khai trong thời gian tới, một phần trong đó sẽ giải quyết được những vấn đề mà các đại biểu Quốc hội đặt ra trong những ngày chất vấn vừa qua.
Cụ thể, kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia, an ninh tiền tệ, an ninh lương thực, an ninh truyền thống và phi truyền thống.
Quyết liệt tái cơ cấu lại nền kinh tế theo Nghị quyết 24 của Quốc hội một cách thực chất và hiệu quả hơn nữa, trong đó có việc giải quyết những yếu kém, bất cập trong phát triển kinh tế tư nhân mà nhiều đại biểu Quốc hội đã đề cập (nhất là thủ tục hành chính trong tiếp cận đất đai, tài nguyên, tín dụng, các loại chi phí còn cao, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh…), nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia.
Thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 25 của Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm 2016 - 2020, bảo đảm cơ cấu chi ngân sách nhà nước (NSNN) hợp lý hơn, giảm tỷ trọng chi thường xuyên, nâng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, giảm bội chi NSNN xuống mức 3,5% GDP vào năm 2020.
Triển khai hiệu quả, minh bạch kế hoạch đầu tư công theo Nghị quyết 26 của Quốc hội và bảo đảm trần nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài trong mức Quốc hội quy định, trong đó có việc cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng NSNN, hiệu quả sử dụng nợ công, chống thất thu ngân sách.
Thực hiện mạnh mẽ 3 đột phá chiến lược, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trong đó gỡ bỏ những rào cản cho doanh nghiệp phát triển; giải quyết những vấn đề bất cập, yếu kém trong huy động, phân bổ nguồn lực, quản lý, xây dựng kết cấu hạ tầng mà nhiều vị đại biểu Quốc hội đã nêu.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực, xử lý nghiêm những vụ án tham nhũng.
Tăng cường quốc phòng an ninh, đảm bảo độc lập, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững sự ổn định chính trị - xã hội và môi trường hòa bình để phát triển đất nước.
Nâng cao hiệu quả đối ngoại và chủ động hội nhập quốc tế, tạo môi trường hòa bình và điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước. Khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại đã ký.
Nỗ lực hết sức nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế tinh gọn và hiệu quả, xứng đáng với niềm tin của nhân dân và Quốc hội.
Nói về các động lực tăng trưởng thời gian tới, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong ngắn hạn vẫn phải tiếp tục dựa vào tổng cầu (tiêu dùng gia đình, đầu tư của doanh nghiệp tư nhân trong và ngoài nước, dịch vụ nông nghiệp và công nghiệp của tư nhân, doanh nghiệp FDI).
Trong dài hạn, cần tìm ra động lực mới cho tăng trưởng nhanh và bền vững đó là, phát triển doanh nghiệp tư nhân trong nước, đẩy mạnh cổ phần hóa, nâng cao hiệu quả DNNN. Cần nuôi dưỡng sức cầu nội địa, tận dụng tốt các hiệp định song và đa phương đã ký kết, phát triển các đô thị thành các đầu tầu tăng trưởng, đặc biệt là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Giải pháp quan trọng, căn cơ, giải pháp của mọi giải pháp chính là cải cách, đổi mới, hoàn thiện thể chế pháp luật và quản trị quốc gia”.