Dấu ấn Việt Nam trên hành trình phát triển kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau gần 50 năm thống nhất đất nước và gần 40 năm thực hiện công cuộc Đổi mới, Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, đứng thứ 35 trong TOP 40 nền kinh tế hàng đầu thế giới với quy mô kinh tế 435 tỷ USD. Chặng đường phát triển tiếp theo hướng tới mục tiêu trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030, Việt Nam cần những nỗ lực lớn để tiếp tục vững bước.
Việt Nam đứng thứ 35 trong TOP 40 nền kinh tế hàng đầu thế giới với quy mô kinh tế 435 tỷ USD. Ảnh: Đông Giang
Việt Nam đứng thứ 35 trong TOP 40 nền kinh tế hàng đầu thế giới với quy mô kinh tế 435 tỷ USD. Ảnh: Đông Giang

Điểm sáng về sự hồi phục và phát triển

Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), năm 1986, khi bắt đầu thực hiện công cuộc Đổi mới, GDP Việt Nam đạt khoảng 8 tỷ USD. Trong số 9/10 quốc gia Đông Nam Á, Việt Nam chỉ xếp trên Myanmar (5,15 tỷ USD). Đến nay, nền kinh tế Việt Nam đã có quy mô 435 tỷ USD, GDP bình quân đầu người đạt mức 4.300 USD, tăng 58 lần so với những năm đầu Đổi mới; tỷ lệ hộ theo chuẩn nghèo đa chiều còn 2,9%. Từ một nền kinh tế đóng cửa khép kín, Việt Nam trở thành một nền kinh tế có mức độ hội nhập toàn cầu khi trở thành đối tác thương mại lớn thứ 22 toàn cầu. Việt Nam hiện thuộc TOP 20 nước về thu hút đầu tư nước ngoài và TOP 20 về kim ngạch xuất nhập khẩu trên thế giới. Với độ mở nền kinh tế cao, đạt gần 200% so với quy mô GDP, Việt Nam là nền kinh tế năng động trong ASEAN.

GS. TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhận định, trải qua gần 40 năm tiến hành công cuộc Đổi mới, Việt Nam chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường; đồng thời, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cùng với tư duy tiếp cận cách làm sáng tạo nổi bật, riêng có của Việt Nam, do người Việt Nam thực hiện, Việt Nam đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, như lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Cùng với quá trình cải cách và mở cửa, khả năng thích ứng và mức độ chống chịu của nền kinh tế ngày càng được cải thiện. Giai đoạn vừa qua, với phương châm thích ứng an toàn, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là một điểm sáng về sự ổn định, phục hồi, phát triển kinh tế trong bối cảnh trong nước và quốc tế gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam điểm lại 5 thành tựu đặc sắc nhất sau gần 40 năm Đổi mới. Thứ nhất, Việt Nam đổi mới tư duy từ kinh tế kế hoạch sang kinh tế thị trường. Tư duy chuyển dịch có tiến, có lùi, nhưng trong cả quá trình gần 40 năm, tư duy quản lý nền kinh tế chuyển dịch theo hướng thị trường, đây là dấu ấn rất lớn và có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình phát triển.

Thứ hai, quan trọng không kém là Việt Nam định vị lại vai trò của Nhà nước, thay vì phát triển kinh tế quốc doanh là chủ đạo, Nhà nước giảm sự tham gia trực tiếp vào hoạt động kinh tế, tăng cường hơn trong vai trò quản lý, xây dựng hệ thống pháp luật và chính sách giúp nền kinh tế vận hành hiệu quả.

Thứ ba, chú trọng chính sách phát triển kinh tế tư nhân. Dù doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng vai trò của kinh tế tư nhân được khẳng định hơn, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn Việt Nam bắt đầu vươn ra thị trường quốc tế.

Thứ tư, Việt Nam tiến bước dài và dũng cảm trong hội nhập quốc tế. Ngay từ thời kỳ đầu Đổi mới, Việt Nam có định hướng rất rõ ràng về hội nhập kinh tế quốc tế, đến nay, giá trị thương mại gấp đôi GDP và Việt Nam chú trọng thu hút đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, có thể không nhất thiết vươn ra biển lớn ngay lập tức, nhưng doanh nghiệp Việt Nam đã tích cực tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu sau khi có doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Việt Nam hội nhập để hòa nhập vào làn sóng của kinh tế thế giới, tạo động lực phát triển nhanh hơn.

Thứ năm, gần 40 năm qua, chứng kiến khủng hoảng kinh tế châu Á, khủng hoảng tài chính toàn cầu và có những khó khăn do đại dịch Covid-19, song trong suốt quãng thời gian này, Việt Nam luôn giữ định hướng mở nhưng vẫn giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô để củng cố những kết quả đạt được, giúp Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng.

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Hướng tới tương lai

TS. Andrea Coppola, Chuyên gia Kinh tế trưởng và Quản lý chương trình Tăng trưởng công bằng, Tài chính và Thể chế của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam chia sẻ: “Tôi rất ấn tượng về những nỗ lực của Việt Nam trong tiến trình đổi mới, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng GDP nhanh chóng và tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu. Những tác động tích cực của quá trình đổi mới và phát triển kinh tế giúp xóa nhòa khoảng cách giữa Việt Nam với phần còn lại của thế giới”.

Theo đó, với những nỗ lực về tự do hóa thương mại, Việt Nam tham gia vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2007 và nhanh chóng trở thành một trung tâm xuất khẩu. Đến nay, Việt Nam là một trong những quốc gia có độ mở thương mại cao nhất thế giới. Việt Nam ngày càng thể hiện vai trò trong các chuỗi giá trị toàn cầu và đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa ra nhiều quốc gia.

“Điều then chốt là chúng ta không chỉ nhìn lại quá khứ đã làm được gì mà phải hướng tới tương lai, giúp kinh tế của Việt Nam phát triển hơn nữa và để tăng trưởng xuất khẩu có thể định hình cho sự phát triển của Việt Nam. Khi đó, chúng ta phải quan tâm hơn về chất lượng của xuất khẩu chứ không chỉ là số lượng hay sản phẩm xuất khẩu”, ông Andrea chia sẻ.

Theo ông Andrea, trước kia, Việt Nam tập trung xuất khẩu dựa vào những ngành thâm dụng lao động, phát huy lợi thế về lao động và chi phí sản xuất thấp. Số liệu thống kê cho thấy khối lượng xuất khẩu tăng 10 lần trong vòng 20 năm vừa qua, nhưng giá trị trung bình cho mỗi đơn vị xuất khẩu chỉ tăng hai lần.

Để đạt mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao, Việt Nam cần thúc đẩy tăng trưởng và khẳng định được vai trò quan trọng hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, xuất khẩu những sản phẩm có giá trị cao hơn. Theo đó, Việt Nam cần hướng tới xuất khẩu những ngành hàng có giá trị cao như chip bán dẫn, hay đẩy mạnh phát triển các ngành sản xuất chế tạo có quy mô lớn. Nhờ đó, Việt Nam có thể đóng vai trò quan trọng hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Từ góc độ thị trường tài chính, ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, hiếm có quốc gia nào tương đồng về kinh tế có hệ thống tài chính phát triển mạnh như Việt Nam trong gần 40 năm qua. Ông Thành chỉ ra 4 yếu tố chính tạo nên sự thành công của thị trường tài chính Việt Nam.

Trước hết, đó là quyết định tự do hóa hệ thống tài chính theo hướng cho phép mở cửa thành lập các định chế tài chính mới mà không nhiều nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp, thậm chí trung bình cao can đảm thực hiện lộ trình tự do hóa như vậy.

Bên cạnh đó, khuôn khổ pháp lý với hệ thống tài chính được xây dựng và hoàn thiện theo hướng khuyến khích và tạo động lực để các tổ chức tài chính/tổ chức tín dụng do Nhà nước nắm cổ phần chi phối hoạt động hiệu quả theo tín hiệu thị trường. Thực tế hiện nay, năng lực tài chính và quản trị của các định chế tài chính này vượt trội các định chế tài chính khác.

Đồng thời, quá trình cải cách thể chế cho phép hình thành các thiết chế tài chính mới, như cho phép thành lập các ngân hàng thương mại cổ phần, tự do hóa hoạt động của thị trường bảo hiểm, tích cực thúc đẩy sự phát triển của thị trường chứng khoán.

Ở khía cạnh khác, quá trình hội nhập tài chính quốc tế được thực hiện bằng những bước đi thận trọng. Tức là, không mở cửa quá sớm, không cho phép tự do hóa hoàn toàn giao dịch vốn. “Đây là vấn đề gây nhiều tranh cãi, song với điều kiện của Việt Nam thì bước đi này là phù hợp để vừa phát triển vừa chống chịu trước các rủi ro từ bên ngoài, bảo đảm an toàn hệ thống”, ông Thành nhấn mạnh.

Cần những bước đột phá

Đồng tình với các đánh giá về sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam, song GS. TS. Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng: “Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nhanh nhưng chưa đủ. Trong 40 năm qua, dù không có năm nào tăng trưởng âm nhưng tốc độ tăng “khá rụt rè”, trong khi để vượt qua được bẫy thu nhập trung bình cần phải tăng trưởng nhanh, đột phá”.

Theo ông Đạt, để đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế, năng suất lao động tiếp tục là yếu tố dẫn dắt. Yếu tố này dù đã có cải thiện nhưng vẫn rất chậm và tốc độ cải thiện trong những năm vừa qua suy giảm. "Ta dịch chuyển từ ngành năng suất thấp sang ngành có năng suất cao, từ nông thôn sang thành thị, nhưng tiềm năng tăng năng suất đang hạn hẹp và không thể khai thác hơn được nữa”, GS. Đạt đánh giá.

Cần đầu tư nhiều hơn cho các yếu tố đẩy mạnh năng suất lao động là khoa học công nghệ và con người. Trong đó, nhân lực là điều rất cần quan tâm bởi hiện tỷ suất sinh của người Việt Nam đang giảm. Do đó, cần các chiến lược đầu tư tích cực và hiệu quả về công nghệ và giải bài toán tăng trưởng dân số phù hợp.

Vì vậy, để tăng bền vững cần phải thúc đẩy nội ngành, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Trọng tâm ưu tiên là chuyển đổi số và phát triển kinh tế số gắn với việc cân bằng giữa tăng trưởng với giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, thúc đẩy chuyển đổi năng lượng và chuyển đổi xanh.

Cùng quan điểm, TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, để tăng tính cạnh tranh cho nền kinh tế, một yếu tố quan trọng chính là năng suất lao động. Trong khi đó, năng suất lao động của Việt Nam hiện nay vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực, đáng chú ý là chênh lệch tuyệt đối vẫn tiếp tục gia tăng.

Năm 2020, năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 11,3% của Singapore; 33,1% của Malaysia; 59,1% của Thái Lan; 77% của Indonesia; 86,5% của Philippines… Trong khu vực Đông Nam Á, năng suất lao động của Việt Nam chỉ cao hơn Campuchia (gấp 2,4 lần); Myanmar (gấp 1,6 lần) và Lào (gấp 1,2 lần).

“Thực trạng năng suất lao động nói trên gợi hàm ý về việc cần đầu tư nhiều hơn cho các yếu tố đẩy mạnh năng suất lao động là khoa học công nghệ và con người. Trong đó, nhân lực là điều rất cần quan tâm bởi hiện tỷ suất sinh của người Việt Nam đang giảm. Do đó, cần các chiến lược đầu tư tích cực và hiệu quả về công nghệ và giải bài toán tăng trưởng dân số phù hợp”, ông Tuấn nói.

Đối với thị trường tài chính, ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng, cần nhìn nhận rõ những điểm hạn chế từ việc điều hành và hoạt động của thị trường này để có giải pháp khắc phục và hướng tới sự phát triển lành mạnh trong thời gian tới.

Điểm hạn chế trước hết, theo ông Thành, đó là cách thức điều hành còn ít nhiều mang tính hành chính chưa tương xứng với sự phát triển của thị trường tài chính. Trong đó, các công cụ phi thị trường như hạn mức tín dụng, trần lãi suất cần được xem xét có lộ trình điều chỉnh trong thời gian tới.

Điểm đáng chú ý khác là sự thiếu cân bằng trong phát triển giữa thị trường tiền tệ và thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, nỗ lực phát huy mạnh mẽ hơn vai trò dẫn vốn của thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang gặp khó khăn bởi hành lang pháp lý được xây dựng song thực thi “chật vật”, một số vụ việc sai phạm xảy ra làm giảm niềm tin của các chủ thể tham gia thị trường.

Về việc phát triển các dịch vụ tài chính mới như tài chính số, tài chính xanh, Việt Nam đang chậm hơn so với các nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp và cao. Việt Nam vẫn đang xây dựng khuôn khổ pháp lý thử nghiệm cho các dịch vụ tài chính công nghệ mới trong khi nhiều nước đã chính thức hóa khung pháp lý cho các dịch vụ này để đưa vào hoạt động.

Mặt khác, tình trạng sở hữu chéo kéo dài từ năm 2011 đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để, thậm chí gây ra những vụ việc đáng tiếc trong thời gian qua là một vấn đề đáng quan ngại và cần các giải pháp mạnh mẽ hơn để lành mạnh hóa hệ thống tài chính - ngân hàng, hướng tới phát triển bền vững.

Theo ông Thành, để cải cách hệ thống tài chính, phải quyết tâm loại bỏ tình trạng sở hữu chéo chứ không chỉ đơn thuần là xử lý nợ xấu và đổi mới hệ thống quản trị. Quan trọng hơn, đó là xử lý các ngân hàng yếu kém dính sở hữu chéo. Về thị trường vốn, do hệ lụy để lại từ phát triển nóng, để hở việc quản lý dẫn đến những sai phạm gây thiệt hại cho nhiều nhà đầu tư, Việt Nam cần tập trung tái cấu trúc thị trường vốn về vấn đề thực thi chính sách chứ không phải về khung pháp lý. Thay vì vẫn chấp nhận lũng đoạn có mức độ trên thị trường vốn, cần phải chuyển hướng theo kinh nghiệm quốc tế, đây là điều không mới, đó là bảo vệ các nhà đầu tư và các cổ đông thiểu số.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh cải cách, đổi mới và quyết tâm cao hơn trong việc triển khai và thực thi các công cụ quản lý và điều hành dựa vào thị trường. Sau gần 40 năm Đổi mới, trình độ phát triển của hệ thống tài chính Việt Nam cũng như năng lực điều hành, quản trị đã đủ để chuyển sang sử dụng các công cụ điều hành dựa vào thị trường. “Việt Nam sẽ thành công hơn nếu có một quyết tâm lớn hơn khi cơ quan điều hành bắt buộc các tổ chức tín dụng phải đáp ứng tiêu chuẩn Basel II”, ông Thành nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục