Chủ động xây dựng thể chế chính sách để tạo lập sân chơi quốc tế mới ngay trên lãnh thổ Việt Nam. Ảnh: Lâm Thanh Sơn |
Không nên lấy đá lấp dòng chảy rồi lại đi tháo gỡ
Đối thoại với đông đảo doanh nghiệp tại Hội thảo Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2018 và đến năm 2020 diễn ra hôm qua (15/5/2018), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho rằng, những thành tựu phát triển kinh tế đạt được năm 2017 có đóng góp từ những nỗ lực, hành động cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Trong những năm gần đây, công cuộc cải cách thể chế đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư, kinh doanh đã và đang được xây dựng trên tinh thần đổi mới mạnh mẽ.
Đặc biệt, với việc xây dựng Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, dự kiến được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5 sắp diễn ra, lần đầu tiên Việt Nam đã chủ động xây dựng thể chế chính sách để tạo lập sân chơi quốc tế mới ngay trên lãnh thổ Việt Nam. “Đây là một cách tiếp cận xây dựng thể chế mới”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng, trong thời gian tới có nhiều nhân tố để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng đổi mới thể chế là động lực mang tính nền móng, căn bản. Tuy nhiên, người đứng đầu ngành KH&ĐT thẳng thắn chỉ ra, cải cách thể chế không phải chỉ là tháo gỡ những rào cản do chính chúng ta đặt ra trước đó. Như cách ví von của Bộ trưởng, đáng lẽ ngay từ đầu phải khơi thông dòng chảy, nhưng do chưa theo kịp về nhận thức, tư duy hay vì lý do nào đó, chúng ta lấy đá lấp dòng chảy lại, rồi sau đó thấy cản trở mới gỡ nó ra và coi đó là cải cách.
“Những gì cải cách, cắt bỏ rồi thì không nên tạo ra rào cản mới, tháo ra lấp lại rồi lại tháo ra sẽ mất rất nhiều cơ hội phát triển”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Tâm đắc với cách ví von này, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, hiện nay mới là xóa bỏ rào cản, chưa tính đến các thể chế thúc đẩy tăng trưởng, phát triển. Thực tế, cải cách thể chế đã có kết quả, nhưng chưa đáp ứng được kỳ vọng của chính Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp. “Tháng 8 năm ngoái, Chính phủ chỉ đạo xóa bỏ 50% điều kiện kinh doanh, đến nay mới hiện thực hóa được bằng 1 nghị định của Bộ Công Thương, còn lại vẫn nằm ở phương án, đề xuất của các bộ, ngành”, ông Hiếu đưa ra một trong những mục tiêu chưa đạt kỳ vọng.
Ngoài ra, theo ông Hiếu, sự phản ứng, thích ứng về chính sách của chúng ta rất yếu. “Từ khi Uber vào Việt Nam và rút khỏi Việt Nam, đến nay chúng ta mới đang bàn quản lý thế nào”, ông Hiếu ví dụ và dẫn ra cách xây dựng chính sách của Australia khi nước này đang bàn đến việc sửa luật về giao thông đường bộ để chuẩn bị cho taxi không người lái vào năm 2020 và taxi bay vào năm 2022.
Khát vọng cải cách phải ở từng cán bộ thực thi
Trên nhiều diễn đàn, các chuyên gia nhấn mạnh, cải cách thể chế cần xuất phát từ câu hỏi cộng đồng doanh nghiệp muốn gì và mục tiêu của cải cách phải là thúc đẩy tăng trưởng. Một thể chế tốt, hỗ trợ cho tăng trưởng và thịnh vượng kinh tế cần có một hệ thống pháp luật đáng tin cậy, ghi nhận và bảo hộ các quyền tự do sở hữu, tự do khế ước, tự do cạnh tranh, một cơ chế đáng tin cậy giúp giải quyết các tranh chấp cũng như một chính quyền minh bạch, tin cậy, mọi hành vi can thiệp của chính quyền vào nền kinh tế có tính tiên liệu và có khả năng lường trước được.
Nhưng để cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh một cách thực chất, thì vấn đề thực thi vẫn là yếu tố then chốt. Ông Phan Đức Hiếu chia sẻ: “Khi chúng tôi trao đổi ở cấp chuyên viên về câu chuyện bãi bỏ điều kiện kinh doanh, đa số cho rằng tôi đang làm rất tốt rồi, bãi bỏ thì lấy gì để quản lý. Trong khi đó, với Singapore - quốc gia đứng đầu về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, câu trả lời thường là chúng tôi chưa làm tốt, phải làm tốt hơn”. Từ câu chuyện này, ông Hiếu cho rằng, để cải cách thực chất thì khát vọng cải cách không chỉ nằm trong tư duy của nhà lãnh đạo, mà phải nằm trong tư duy của từng cán bộ thực thi.
Ông Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển cũng chỉ ra thực tế, trong 1 năm qua, cải cách thể chế có tiến triển nhưng còn chậm, vẫn còn tình trạng trên nóng dưới lạnh, trên vội dưới khoan. “Cần có chuyển động cả hệ thống, trên nóng dưới cũng nóng, thậm chí phải nóng hơn, vội hơn”, ông Thắng nói.
Nguyên Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Cao Viết Sinh thì nhấn mạnh việc phải thay đổi tư duy từ kiểm soát, cho phép sang tư duy phục vụ, nhất là ở chính quyền cơ sở.
Trong trung hạn, theo ông Bùi Tất Thắng, phải tiếp tục cải cách thể chế để hình thành một nhà nước kiến tạo phát triển đúng nghĩa. Con đường phía trước sẽ khó khăn hơn vì “đến thời điểm này những việc dễ đã làm hết rồi, từ giờ trở đi còn lại những việc khó”, ông Thắng khẳng định.