Cân bằng y tế và kinh tế, sinh mạng và sinh kế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dù mục tiêu an toàn, sinh mạng người dân là trên hết, thế nhưng trong tình hình mới, khi mà doanh nghiệp và người dân đang suy giảm các nguồn lực, thì sinh kế, phục hồi kinh tế cũng quan trọng không kém. Theo nhiều chuyên gia, cần sớm có một lộ trình rõ ràng để mở cửa, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp với độ bao phủ vắc xin và trên hết là triển khai, vào cuộc thống nhất, đồng bộ.
Cần có kế hoạch mở cửa, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp với tiến độ, độ phủ vắc xin Covid-19. Ảnh: Lê Tiên
Cần có kế hoạch mở cửa, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp với tiến độ, độ phủ vắc xin Covid-19. Ảnh: Lê Tiên

Bà Cao Thị Ngọc Lan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, Hiệp hội vừa phát động Chương trình kích cầu du lịch nội địa, xác định từ nay đến giữa năm 2022 đặt vấn đề phục hồi ngành du lịch, song song với đó sẵn sàng chuẩn bị các điều kiện đón khách du lịch quốc tế. Kế hoạch này phụ thuộc nhiều vào diễn biến đại dịch và cần có sự ưu tiên tiêm vắc xin cho nhân lực trong lĩnh vực du lịch. Với tiêu chí an toàn đặt lên hàng đầu, Hiệp hội đã xây dựng bộ khung an toàn cho khách du lịch, từng lĩnh vực, dịch vụ phục vụ cho du khách từ cơ sở lưu trú, ăn uống, đi lại… Tuy nhiên, với một chương trình đồng bộ, cần sự đồng thuận, thống nhất cao của địa phương trong triển khai các chương trình của ngành du lịch. Với mong muốn địa phương xem xét có điểm nào xanh thì kết nối vào chương trình, không làm vội vàng, nhưng theo bà Lan, nhiều địa phương đang là vùng xanh vẫn chưa quan tâm, không có chính sách cụ thể gì với mở cửa lại du lịch nội địa, chưa nói đến du lịch quốc tế.

Câu chuyện mà đại diện Hiệp hội Du lịch Việt Nam nêu ra cũng là vấn đề được nhiều hiệp hội ngành, nghề khác phản ánh. Theo đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Chính phủ đã xác định mục tiêu kép an toàn phòng chống dịch và duy trì, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, nhiều địa phương vùng xanh vẫn coi chống dịch thành công là trên hết, đôi khi quên vế thứ hai là duy trì sản xuất, kinh doanh.

Nhiều ý kiến khuyến nghị, để mở cửa, khôi phục kinh tế thành công, cần có sự đồng bộ và nhất quán trong quá trình triển khai, từ Trung ương, bộ, ngành, địa phương. Đồng thời sớm có lộ trình rõ ràng để doanh nghiệp lên kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Tiến độ tiêm vắc xin đang được đẩy nhanh, nhưng đồng thời với đó, cần có kế hoạch mở cửa, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp với tiến độ, độ phủ vắc xin Covid-19.

Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) lấy ví dụ, hoạt động giao thông công cộng, trung tâm thương mại, hoạt động du lịch, nghỉ dưỡng, nhà hàng, quán ăn nên được nhanh chóng mở lại cho những người đã tiêm đủ vắc xin, vì vắc xin sẽ giảm tác dụng sau 6 tháng, nên cần tận dụng thời gian để mở cửa các hoạt động kinh tế. Đồng thời, tháo gỡ các khó khăn về đi lại giữa các địa phương là rất cần thiết để doanh nghiệp có đủ nguồn nhân lực.

Theo AmCham, với nỗ lực rất lớn của Chính phủ trong việc tìm kiếm nguồn vắc xin, 3 - 4 tháng nữa Việt Nam có thể phủ khá đầy đủ vắc xin. Khi đó nên mở cửa kinh tế hoàn toàn, gỡ bỏ tất cả các hạn chế để cả nước trở thành một vùng thống nhất, như tại Hoa Kỳ và châu Âu hiện nay. Theo AmCham, khi đã phủ đủ vắc xin, các biện pháp giãn cách cần dựa vào năng lực của hệ thống y tế, như theo tiêu chí của WHO là tỷ lệ lấp đầy giường điều trị tích cực, dưới 75% là bình thường, từ 75 - 90% là cảnh báo, và trên 90% là phải nâng mức độ dịch, chứ không nên dựa vào tỷ lệ nhiễm như hiện nay.

Với quan điểm sinh kế và sinh mạng là hai mặt của một vấn đề, bổ sung, củng cố cho nhau, không tách rời nhau, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) khuyến nghị, cần ban hành quy định ở tầm nghị định hay quyết định Thủ tướng về các tiêu chí an toàn dịch bệnh, áp dụng đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh, các hoạt động đời sống xã hội và quản lý nhà nước. Nguyên tắc xuyên suốt ở đây là không đặt thêm quy định xin - cho, không tạo thêm thủ tục hành chính; các tiêu chuẩn về an toàn phòng dịch cụ thể, dễ tuân thủ và áp dụng thống nhất; tổ chức, cá nhân tự tuân thủ, được giám sát bởi công nghệ thông tin và các công cụ thích hợp. Chi phí tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn phòng dịch được chia sẻ giữa Nhà nước, tổ chức và cá nhân trên nguyên tắc sử dụng hiệu quả cao nhất các nguồn lực.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)