“Cần cải thiện năng lực hấp thụ vốn ODA”

(BĐT) - Thực trạng và hiệu quả sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và những giải pháp để khắc phục sự thiếu hụt nguồn vốn vay giá rẻ đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước là những chia sẻ của ông Dương Đức Ưng, nguyên Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhân dịp đầu Xuân 2015.
Tính thuyết phục của những đánh giá về hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA còn hạn chế. Ảnh: Tất Tiên
Tính thuyết phục của những đánh giá về hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA còn hạn chế. Ảnh: Tất Tiên

Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về hiệu quả sử dụng các nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi tại Việt Nam thời gian qua?

Những đánh giá chính thức của các cơ quan có trách nhiệm nước ta đều khẳng định việc sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi về nguyên tắc là có hiệu quả. Các nhà tài trợ cũng khẳng định Việt Nam là một trong những quốc gia trong khu vực và trên thế giới sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA. Theo thông tin của các nhà tài trợ thuộc nhóm 6 ngân hàng phát triển, trên 80% dự án của họ ở Việt Nam trong giai đoạn 2014 - 2015 là “rất thành công” và phần còn lại là “thành công”, không có dự án nào “không thành công”. Trong khi đó, tỷ lệ dự án “không thành công” ở Indonesia là hơn 2%, Philippines là hơn 13%.

Tuy nhiên, có thể nhận thấy đánh giá thành công của dự án mới chủ yếu dựa trên đầu ra như: xây dựng được một trường học, một con đường…, mà chưa có đánh giá tác động của những công trình đó đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, môi trường liên quan tới cả người thụ hưởng cũng như người bị tác động. Hơn nữa, việc đánh giá còn thiếu ý kiến độc lập, khách quan của cộng đồng, của nhà khoa học, của giới truyền thông… Vì vậy, tính thuyết phục của những đánh giá về hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA còn hạn chế.

“Cần cải thiện năng lực hấp thụ vốn ODA” ảnh 1
Ông Dương Đức Ưng

Theo ông, tại sao tỷ lệ giải ngân của các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi dự kiến theo tiến độ thực hiện dự án trong năm 2015 còn rất thấp? Hệ lụy của việc giải ngân chậm tác động như thế nào lên nền kinh tế?

Hiện chưa có thông tin chính thức về giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi trong năm 2015, song theo đánh giá sơ bộ, giải ngân nguồn vốn này trong năm nay có thể thấp hơn năm 2014. Giải ngân vốn ODA thấp so với tiến độ thực hiện dự án theo hiệp định ký kết với nhà tài trợ nước ngoài là căn bệnh trầm kha của Việt Nam.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc giải ngân chậm và thường là được các cơ quan quản lý nhà nước và đơn vị thụ hưởng nhắc tới như quy trình thủ tục phức tạp, thiếu hài hòa giữa quy định trong nước và nhà tài trợ, thiếu vốn đối ứng, năng lực quản lý dự án còn yếu và thiếu chuyên nghiệp… Điều này là đúng sự thật, nhưng nó mới chỉ phản ánh “bề nổi của tảng băng chìm”. Theo tôi, phần chìm chính là “đồng tiền chưa đi liền với khúc ruột”. Tức là vốn ODA chưa vào tay người chủ sở hữu đích thực, vì vậy, vai trò làm chủ nguồn vốn này từ khâu đề xuất dự án đến thiết kế nội dung, tổ chức quản lý và thực hiện, khai thác và sử dụng bền vững, cho tới trách nhiệm trả nợ vốn vay… đều chưa phát huy được. 

Ông có đề xuất gì để nâng cao chất lượng giải ngân các dự án sử dụng vốn ODA tại Việt Nam trong thời gian tới, thưa ông?

Theo tôi, để nâng cao chất lượng giải ngân các dự án ODA thì trước tiên, cần phải xác định rõ chủ dự án ODA. Đây không đơn giản là người được giao sở hữu vốn ODA, mà phải là người chủ đích thực, tức là đề xuất, tổ chức quản lý, thực hiện dự án và khai thác kết quả để phục vụ lợi ích chính đáng của họ và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với Nhà nước (trả nợ vốn vay nước ngoài). Một người chủ dự án như vậy chắc sẽ không thể để dự án của mình kém hiệu quả.

Tôi nghĩ, với vị thế là một nước có thu nhập trung bình, việc huy động vốn ODA chắc chắn sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Mặt khác, nguồn cung ODA cũng không còn dồi dào như trước đây. Thách thức trong việc huy động vốn ODA chủ yếu là năng lực cạnh tranh. Nếu năng lực hấp thụ vốn ODA của ta không được cải thiện, thì chắc sẽ khó thuyết phục các nhà tài trợ tiếp tục cho vay.

Để có thể huy động được các nguồn vốn trong và ngoài nước phục vụ nhu cầu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng để phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, trước hết, cần khắc phục tư duy về ODA kiểu thời bao cấp với cụm từ “viện trợ”, cần coi ODA bình đẳng như tất cả các nguồn vốn đầu tư công khác. Hãy làm tất cả những gì mà một nhà đầu tư “thông thái” phải làm, đó là tính toán, cân nhắc thiệt hơn, hiệu quả, rủi ro, trách nhiệm trả nợ… trước khi quyết định có sử dụng vốn ODA hay lựa chọn một nguồn vốn đầu tư khác phù hợp và hiệu quả hơn.

Chân thành cảm ơn ông!