Cần khung kiến trúc chung cho đô thị thông minh

(BĐT) - Xây dựng đô thị thông minh (ĐTTM), chính quyền điện tử (CQĐT) tiến tới chính quyền số là một trong những trọng tâm của Việt Nam khi chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0. Việc xây dựng ĐTTM, CQĐT đang được các địa phương triển khai quyết liệt, bước đầu đạt được những kết quả tích cực.
Nếu mỗi địa phương áp dụng một ứng dụng công nghệ thông tin riêng cho đô thị thông minh thì vừa lãng phí, vừa khó đồng bộ khi triển khai chính phủ điện tử. Ảnh: Giang Đông
Nếu mỗi địa phương áp dụng một ứng dụng công nghệ thông tin riêng cho đô thị thông minh thì vừa lãng phí, vừa khó đồng bộ khi triển khai chính phủ điện tử. Ảnh: Giang Đông

Tuy nhiên, từ kinh nghiệm thực tiễn, nhiều địa phương cho rằng, Chính phủ cần sớm xây dựng khung kiến trúc chung cho CQĐT để đảm bảo nguyên tắc cơ bản nhất là đồng bộ khi triển khai ĐTTM tại các địa phương.

Phát triển dựa trên đặc thù địa phương

TP.HCM là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước trong triển khai xây dựng ĐTTM khi Đề án Xây dựng TP.HCM trở thành ĐTTM giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025 được lãnh đạo Thành phố phê duyệt vào tháng 11/2017.

Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, sau gần 2 năm triển khai Đề án, Thành phố đã có Trung tâm điều hành ĐTTM với sự tích hợp khoảng 2.000 camera của các cơ quan quản lý nhà nước, 1.000 camera của các tổ chức doanh nghiệp (DN); sử dụng nền tảng ứng dụng giải pháp công nghệ để quản lý, điều hành các vấn đề: giao thông, nước, môi trường. TP.HCM cũng đã xây dựng khung kiến trúc cho CQĐT (24 quận, huyện) khi triển khai ĐTTM.

Nói về việc xây dựng ĐTTM, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân từng cho biết, TP.HCM định hướng xây dựng ĐTTM nhằm phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, nhất là về kinh tế; để người dân được cung cấp các dịch vụ trong xã hội tốt hơn; chính quyền phục vụ người dân hiệu quả hơn; người dân là một chủ thể tham gia quá trình quản lý. Việc xây dựng ĐTTM gồm 5 cấu phần: xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung; hệ thống dự báo và mô phỏng phát triển của Thành phố; trung tâm điều hành; hệ thống trung tâm an toàn thông tin mạng; CQĐT (chính quyền số).

Tại Thừa Thiên Huế, mặc dù việc triển khai ĐTTM mới diễn ra được 9 tháng, song theo lời của ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên  Huế, trong 3 năm nữa, Huế sẽ hoàn thiện mô hình ĐTTM với trụ cột là công nghệ và con người. Mục tiêu của Thừa Thiên Huế là hướng tới nền tảng của ĐTTM, trở thành thành phố của hạnh phúc.

Trung tâm Giám sát Điều hành ĐTTM tỉnh Thừa Thiên Huế đã thí điểm thành công và triển khai đồng thời 10 dịch vụ thông minh: phản ánh hiện trường; giám sát đô thị thông qua cảm biến camera; giám sát thông tin báo chí; giám sát dịch vụ hành chính công; cảnh báo mạng lưới ĐTTM; giám sát quảng cáo điện tử; giám sát môi trường; thẻ điện tử; giám sát tàu cá; giám sát đảm bảo an toàn thông tin. 

Công nghệ phải đồng bộ

Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, một trong những thách thức đầu tiên mà TP.HCM phải đối mặt là việc xây dựng trung tâm dữ liệu dùng chung nhưng đảm bảo độ mở, với sự tương tác của chính quyền, người dân và DN. Khi đó, Nhà nước có thể khai thác những dữ liệu của DN, DN khai thác dữ liệu của Nhà nước, người dân có thể đóng góp thông tin, chia sẻ. Quan trọng là phải số hóa trung tâm dữ liệu này.

Do đó, lãnh đạo TP.HCM đề xuất, cần sớm có hành lang pháp lý cho việc khai thác, quản lý và sử dụng nguồn dữ liệu. Ngoài ra, triển khai ngay khung kiến trúc cho camera để khi tích hợp vào trung tâm điều hành thì thông tin từ hệ thống camera phải có khả năng phân tích hành vi, dự báo tương lai, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để nhận diện khuôn mặt và nhiều ứng dụng phân tích khác.

Hiện TP.HCM đang làm khung kiến trúc để triển khai lắp đặt camera trên toàn Thành phố. Qua thực tiễn triển khai, Thành phố cho rằng, đối với cơ quan nhà nước thì việc đầu tư camera phải bắt buộc theo khung kiến trúc này, còn với người dân thì khuyến khích để có thể tích hợp vào hệ thống của Trung tâm điều hành. Ngoài ra, vấn đề sở hữu trí tuệ của trí tuệ nhân tạo, theo TP.HCM, cũng cần có ngay hành lang pháp lý.

Trong quá trình xây dựng, triển khai một số cấu thành của ĐTTM, ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đề xuất, việc ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan nhà nước cần xuyên suốt từ Trung ương tới địa phương. Do đó, phải sớm có danh mục, phần mềm ứng dụng để các địa phương triển khai thực hiện. “Nếu mỗi địa phương tự nghiên cứu một ứng dụng CNTT riêng thì thứ nhất là lãng phí, thứ hai là khi tích hợp và kết nối thành chính quyền, chính phủ điện tử thì khó có thể đồng bộ được” - ông Quý nhấn mạnh.

Ở góc độ khác, ông Phan Ngọc Thọ dành nhiều quan tâm đến việc ban hành các chính sách nhằm bảo mật thông tin cá nhân, dữ liệu của người dân, DN. Theo người đứng đầu UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, đây là vấn đề rất quan trọng, giúp tạo dựng lòng tin cho người dân khi tham gia cung cấp các thông tin cho cơ sở dữ liệu cốt lõi của CQĐT, ĐTTM. Ông Thọ khẳng định, việc xây dựng ĐTTM, CQĐT nếu không có sự tham gia và nhận được sự đồng thuận của người dân thì không bao giờ thành công.

Tin cùng chuyên mục