Cần sớm tổng kết, đánh giá hiệu quả cơ chế đặc thù

(BĐT) - Cơ chế đặc thù là chủ trương lớn được kỳ vọng sẽ tạo động lực bứt phá cho các địa phương trên nhiều lĩnh vực, trong đó có việc triển khai nhanh, hiệu quả các dự án đầu tư. Trong giai đoạn thí điểm tại 10 tỉnh, thành hiện nay, nhiều ý kiến đề xuất cần sớm tổng kết, đánh giá việc thực hiện các nghị quyết về cơ chế đặc thù để đưa ra giải pháp phù hợp trong thời gian tới.
Một số chính sách từ thí điểm đã trở thành yêu cầu chung trong phát triển như chính sách tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư chung. Ảnh: Lê Tiên
Một số chính sách từ thí điểm đã trở thành yêu cầu chung trong phát triển như chính sách tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư chung. Ảnh: Lê Tiên

Nên đưa ra các khung chính sách và trao quyền cho địa phương vận dụng

Ông Hoàng Văn Cường, Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội

Các cơ chế, chính sách đặc thù được ban hành thời gian qua hướng vào 2 nhóm cơ chế. Nhóm 1 về phân cấp, trao quyền cho các địa phương quyết định các vấn đề trong phạm vi của địa phương mình, có sức mạnh tạo ra những thể chế mới phù hợp với yêu cầu về khai thác các tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương, thường tạo ra nguồn lực tài chính, con người, hiệu quả sử dụng, tổ chức bộ máy.

Nhóm 2 tạo môi trường kinh doanh, đầu tư và những thể chế hiệu quả nhất để thu hút nguồn lực từ bên ngoài cũng như thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh nội tại, mang lại hiệu quả cao hơn, nguồn lực lớn hơn, địa phương được hưởng thụ nhiều hơn.

Về việc áp dụng các chính sách đặc thù trong thời gian qua, có địa phương thu được nhiều kết quả tích cực, có địa phương chỉ phát huy được một số chính sách. Hiện chưa có tổng kết cụ thể về chính sách nào phát huy được hiệu quả nhiều hơn, bởi còn phụ thuộc vào đặc thù, điều kiện, yêu cầu của từng địa phương. Tuy nhiên, có chính sách từ thí điểm đã trở thành yêu cầu chung trong phát triển như chính sách tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư chung đang được đưa vào nội dung sửa đổi Luật Đầu tư công, trở thành một chính sách phổ biến. Có chính sách được áp dụng ở nhiều địa phương như: việc tổ chức bộ máy chính quyền đô thị và chế độ tiền lương của hệ thống bộ máy chính quyền đô thị trao cho các địa phương được quyền quyết định; chính sách về thuế, phí… Bên cạnh đó, cũng có những chính sách phụ thuộc vào năng lực, khả năng tự cân đối ngân sách của từng địa phương như: chính sách cho phép được huy động vốn dư nợ, vốn vay vượt quá mức bình quân chung số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp. Có thể có những chính sách được phổ quát, trao quyền nhiều hơn, có chính sách được trao quyền ít hơn.

Theo tôi, không nên tiếp tục thực hiện theo cơ chế, chính sách đặc thù được từng tỉnh, từng địa phương đề xuất, mà nên đưa ra các khung chính sách chung với yêu cầu, tiêu chuẩn mang tính khái quát. Trên cơ sở các khung này, địa phương tự xác định chính sách, cơ chế cụ thể và ban hành cơ chế thực hiện, áp dụng đối với địa phương mình. Điều này cũng phù hợp với tinh thần được Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ đạo: Luật nên ban hành mang tính nguyên tắc, khung định hướng và sau đó trao quyền cho các địa phương vận dụng, cụ thể hóa trong giới hạn của địa phương đó.

Tận dụng lợi thế “nắn dòng chảy” thương mại vào Việt Nam

Ông Nguyễn Duy Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty InterLOG

Theo Nghị quyết số 136/2024/QH15 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng, Đà Nẵng là địa phương đầu tiên trong cả nước được thí điểm thành lập khu thương mại tự do. Đây là động lực lớn để phát triển kinh tế TP. Đà Nẵng nói riêng, kinh tế vùng nói chung. Đây cũng chính là công cụ “nắn” dòng chảy thương mại thế giới qua khu thương mại tự do Đà Nẵng, thúc đẩy đầu tư vào Thành phố nói riêng và cả nước nói chung.

Nghiên cứu của chúng tôi gần đây chỉ rõ, Việt Nam có nhiều tiềm năng để thu hút “dòng chảy” thương mại thế giới, bởi vị trí chiến lược nằm ở trung tâm khu vực châu Á - Thái Bình Dương; kết nối thương mại với nhiều khu vực kinh tế lớn trên thế giới; đã ký kết và đang đàm phán tổng cộng 19 hiệp định thương mại tự do (FTA)...

Với lực hút từ khu thương mại tự do, tôi tin rằng, Đà Nẵng sẽ có lợi thế cạnh tranh, cơ hội lớn thu hút đầu tư vào các ngành kinh tế, qua đó phát triển bứt phá. Để nắm bắt cơ hội, một số doanh nghiệp thuộc Hiệp hội đã bàn về việc tổ chức vận tải đường biển kết nối trực tiếp hàng hóa Việt Nam với thế giới.

Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng đề xuất Đà Nẵng nghiên cứu, xem xét hình thành trung tâm dự trữ bông, tạo mắt xích sợi - vải trong chuỗi cung ứng toàn cầu nhằm cân bằng luồng hàng hóa nhập khẩu và xuất khẩu, kích hoạt đầu tư ngành may mặc; phát triển tổ hợp công nghệ ô tô, hàng không/vũ trụ; ngành nội thất… Việc lựa chọn ngành phát triển phụ thuộc vào hiện trạng kinh tế của địa phương và khu vực, khả năng phát triển trong tương lai căn cứ vào nhu cầu và khoảng trống của thị trường, đồng bộ chính sách thương mại…

Cần nhân rộng chính sách đặc thù để giải quyết vướng mắc chung của các địa phương

Ông Nguyễn Thành Nam, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ

Thực tế ở các địa phương chưa được hưởng cơ chế đặc thù và các chương trình, dự án không nằm trong nhóm được hưởng cơ chế đặc thù đều có tồn tại những vướng mắc trong nhiều lĩnh vực như quản lý về quy hoạch, quản lý rừng, quản lý đất đai, tài chính, ngân sách, đầu tư, khoáng sản… Hệ lụy của những vướng mắc này là làm cho các dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, nguồn lực khu vực tư nhân chưa được khơi thông hiệu quả. Nó cũng cho thấy “chiếc áo cơ chế” cho nhiều địa phương đang chật chội, việc tháo gỡ là đòi hỏi bức thiết chung.

Từ những lý do nêu trên, tôi đề nghị sớm tổng kết, đánh giá việc thực hiện các nghị quyết về cơ chế đặc thù tại các địa phương đã được thực hiện thí điểm. Sau đó, chỉ nên giữ lại cơ chế đặc thù thực sự là đặc thù, tương thích với đặc điểm riêng biệt của địa phương, chủ yếu ở các đô thị đặc biệt. Còn đối với các cơ chế, chính sách thí điểm đang là vướng mắc chung của các địa phương thì phải sớm được nhân rộng và áp dụng chung thông qua việc sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Thiếu cơ chế đặc thù sẽ “tắc” các dự án động lực cho địa phương vùng cao

Ông Ngọ Trường Nam, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả

Ở những địa bàn khó khăn, đặc biệt là các địa phương vùng cao, tốc độ đô thị hóa thấp, lưu lượng phương tiện giao thông ít thì việc hoàn vốn đầu tư cho nhà đầu tư theo cơ chế thông thường là điều không tưởng. Muốn khơi thông tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương thì phải đầu tư vào hạ tầng giao thông mang tính dẫn lối, nhưng nếu thiếu cơ chế đặc thù mang tính trợ lực thì dự án sẽ không khả thi, đối tác ngân hàng không cho vay vốn, nhà đầu tư dù có nỗ lực cũng vô vọng, các dự án động lực thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương sẽ mãi “tắc”.

Câu chuyện triển khai cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh (giai đoạn 1 dài 93,35 km với tổng mức đầu tư hơn 14.000 tỷ đồng) là minh chứng cho chính sách đặc thù “cứu sống” dự án. Tuyến cao tốc này đã được quy hoạch từ nhiều năm trước, không ít nhà đầu tư trong và ngoài nước đã đến Cao Bằng tìm hiểu dự án này nhưng đều rời đi. Dự án chính thức được tái khởi động, tháo gỡ bế tắc để hiện thực hóa khi ngày 28/11/2023, Quốc hội thông qua cơ chế đặc thù cho Dự án, nâng tỷ lệ vốn ngân sách nhà nước tham gia tối đa 70%, tương ứng 9.800 tỷ đồng. Nguồn vốn nhà đầu tư huy động là 4.354 tỷ đồng cũng được khơi thông khi các nhà đầu tư thu xếp đủ vốn chủ sở hữu, Ngân hàng VPBank cấp nguồn tín dụng gần 2.500 tỷ đồng. Tại dự án này, bằng kinh nghiệm thi công những dự án phức tạp trước đó, Đèo Cả đã đề xuất điều chỉnh hướng tuyến, rút ngắn 23 km chiều dài, giảm tổng mức đầu tư xuống hơn 50% so với phương án ban đầu, đồng thời đưa ra phương án phân kỳ đầu tư với 14.000 tỷ đồng cho giai đoạn 1, sáng tạo mô hình PPP++ để tăng nguồn vốn huy động, tối ưu quản trị. Dự án chính thức được khởi công vào tháng 1/2024, đang được tăng tốc thi công và quyết tâm thông tuyến vào đầu năm 2026.

Cần có cơ chế đặc thù cho các nhà đầu tư mạnh dạn đầu tư công nghệ, thiết bị tối ưu hóa sản xuất

Ông Nguyễn Viết Hải, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Sơn Hải

Từ thực tiễn tham gia các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam trong nhiều năm qua, Tập đoàn Sơn Hải đã đảm nhận cả hai vai trò là nhà đầu tư lẫn nhà thầu. Chúng tôi rất quan tâm đến việc áp dụng các sáng kiến, đổi mới công nghệ, đưa thiết bị hiện đại vào thi công để tăng năng suất, hiệu quả và coi đó là thước đo của cạnh tranh.

Hiện nay, chất lượng và tiến độ của các dự án hạ tầng giao thông là cốt lõi để phát huy hiệu quả đầu tư, tránh lãng phí. Nhà đầu tư uy tín phải gắn liền với công tác hiện đại hóa hoạt động xây dựng, áp dụng các tiến bộ mới nhất trong quá trình thi công. Đơn cử, tại Dự án cao tốc Mộc Bài - TP.HCM, nội dung này được yêu cầu xuyên suốt bộ tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư. Dự án chất lượng, đưa vào sử dụng sớm hoặc đúng kế hoạch sẽ giúp nhà đầu tư định vị năng lực, uy tín của mình. Trong quá trình triển khai các hợp đồng PPP, cần có các cơ chế đặc thù áp dụng cho các nhà đầu tư mạnh dạn đầu tư công nghệ, thiết bị tối ưu hóa sản xuất, kỹ thuật vượt trội so với đơn giá, định mức mà Nhà nước ban hành. Cơ chế thông thoáng như vậy mới đủ hấp dẫn các nhà đầu tư dấn thân, cống hiến để cùng các địa phương cải thiện hạ tầng giao thông, tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế, giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Áp dụng chính sách đặc thù càng cần siết tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư

Ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII)

CII là nhà đầu tư tham gia sớm vào các dự án PPP trên địa bàn TP.HCM cũng như đúc rút được nhiều kinh nghiệm trong quá trình triển khai, vận hành các dự án này. Từ nhiều dự án PPP ngưng trệ thời gian qua cho thấy, mấu chốt của vấn đề nằm ở năng lực của nhà đầu tư. Nhiều nhà đầu tư là công ty đại chúng, cung cấp báo cáo tài chính đã được kiểm toán nhưng vẫn chưa bảo đảm độ tin cậy. Nhờ Nghị quyết số 98/2023/QH15, TP.HCM có cơ hội kêu gọi nhà đầu tư tư nhân cùng Thành phố phát triển loạt dự án hạ tầng theo cơ chế đặc thù, tạo đột phá về chính sách thu hút nhà đầu tư. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, càng đặc thù càng cần khắt khe, chặt chẽ trong các tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư, có như vậy mới bảo đảm an toàn, hiệu quả cho dự án. TP.HCM muốn tổ chức đấu thầu thành công và bảo đảm các nhà đầu tư có thể triển khai được dự án theo đúng tiến độ cam kết thì ngay từ bước đầu tiên phải sàng lọc kỹ càng để lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm. Nếu đưa ra tiêu chí quá dễ dãi thì hậu quả sẽ là những nhà đầu tư không bảo đảm năng lực, kinh nghiệm, nhất là khả năng huy động vốn để thực hiện dự án.

Phân cấp linh hoạt hơn cho chính quyền cấp tỉnh

Ông Vũ Văn Cường, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Giang

Hiện nay, Bắc Giang chưa có đề xuất với Quốc hội, Chính phủ về việc thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù dành riêng cho Tỉnh. Mặc dù vậy, trên cơ sở tuân thủ khung khổ quy định pháp luật chung, Tỉnh đã ban hành những quy định cụ thể để áp dụng riêng nhằm phát huy tối đa thế mạnh và mục tiêu phát triển của địa phương.

Tại Nghị quyết số 371-NQ/TU ban hành ngày 11/10/2024, Tỉnh ủy xác định dịch vụ là ngành kinh tế tương lai, đặt mục tiêu phát triển dịch vụ ngày càng đa dạng, có bước đột phá, dần trở thành khu vực kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu GRDP, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh. Do đó, từ nay đến năm 2030, Tỉnh sẽ tập trung phát triển ngành dịch vụ có trọng tâm, trọng điểm đi đôi với hiệu quả, bền vững.

Mục tiêu được Tỉnh ủy đặt ra là phải phát triển ngành dịch vụ đồng bộ, hiện đại, có sức cạnh tranh và chất lượng cao, trong đó trọng tâm là dịch vụ thương mại tại đô thị và xung quanh các khu công nghiệp, dịch vụ vận tải, logistics, dịch vụ tài chính ngân hàng, du lịch (trọng tâm là du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí), dịch vụ kinh tế ban đêm, dịch vụ thể thao, văn hóa, y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục và dạy nghề chất lượng cao. Phấn đấu từng bước đưa Bắc Giang trở thành cửa ngõ, trung tâm trung chuyển hàng hóa, vận tải, kho bãi, logistics, thương mại, tài chính, vui chơi giải trí, trung tâm y tế, giáo dục và dạy nghề chất lượng cao của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.

Để đạt được mục tiêu này nhằm phát huy tối đa thế mạnh của địa phương, theo tôi, cần có cơ chế phân cấp linh hoạt hơn cho chính quyền cấp tỉnh. Đơn cử, Bắc Giang từng muốn xây dựng cơ chế hỗ trợ, ưu đãi cho dự án phát triển khách sạn cao cấp, nhưng soi chiếu vào quy định pháp luật hiện hành không có quy định nên không làm được…

Tin cùng chuyên mục