Cáo buộc bán hàng giả, Mỹ đưa Alibaba vào danh sách "đen"

Động thái này tiếp tục là một đòn giáng vào chiến lược mở rộng ra quốc tế của Alibaba sau khi nhánh tài chính Ant Financial bị chặn đứng một thương vụ tại Mỹ...
Giao diện của Taobao - Ảnh: Bloomberg.
Giao diện của Taobao - Ảnh: Bloomberg.

Theo Bloomberg, văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) ngày 12/1 đưa tập đoàn Trung Quốc Alibaba Group Holding Ltd. vào danh sách đen có tên "Các thị trường khét tiếng" với cáo buộc sàn thương mại điện tử Taobao của Aliababa vẫn đang bán lượng lớn hàng giả và hàng nhái. Động thái này được cho là có thể làm gia tăng căng thẳng Mỹ - Trung.

USTR công nhận rằng Alibaba đã có những biện pháp gỡ bỏ các mặt hàng nhái, hàng giả trên sàn trực tuyến của mình, tuy nhiên "như vậy vẫn chưa đủ để chấm dứt tình trạng trên".

Phản ứng lại với động thái trên của USTR, Chủ tịch Mike Evans của Alibaba nói rằng việc Alibaba có tên trong danh sách này là "không đại diện cho những kết quả mà công ty đã đạt được trong việc bảo vệ các nhãn hàng và quyền sở hữu trí tuệ".

"Chúng tôi không có lựa chọn nào ngoài việc kết luận rằng đây là quy trình (đưa ra danh sách trên) đầy định kiến, bị chính trị hoá và sai sót nghiêm trọng", ông Evans nói.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang ngày càng gia tăng khi kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng nhanh và các công ty của nước này không ngừng mở rộng ra nước ngoài.

Hãng tin Reuters mới đây cũng dẫn số liệu do Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố ngày 12/1 cho thấy thặng dư thương mại năm 2017 của Trung Quốc với Mỹ đạt gần 276 tỷ USD, vượt qua kỷ lục cũ 260,8 tỷ USD thiết lập vào năm 2015.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần phát tín hiệu sẽ có hành động cứng rắn, cho rằng chính sách thương mại bất bình đẳng của Trung Quốc khiến Mỹ chịu thâm hụt khổng lồ.

Gần đây nhất, giới chức Mỹ đã chặn đứng thương vụ thâu tóm công ty dịch vụ chuyển tiền quốc tế MoneyGram của Ant Financial - nhánh tài chính của tập đoàn Alibaba với lo ngại về an ninh tài chính.

Quyết định của USTR tiếp tục là một đòn giáng vào chiến lược mở rộng ra quốc tế của Alibaba, vốn phụ thuộc vào niềm tin của Mỹ và các thương hiệu quốc tế. 

Tại Trung Quốc, Alibaba đang thống trị thị trường thương mại điện tử. Taobao và các sàn thương mại điện tử khác của tập đoàn này chiếm phần lớn doanh thu bán lẻ trực tuyến. Tuy nhiên, tại Mỹ, hiện diện của Alibaba còn khá khiêm tốn.

Alibaba cho biết từ tháng 9/2016 tới tháng 8/2017, sàn Taobao đã đóng cửa hơn 230.000 gian hàng. Công ty này cũng cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng để bắt giữ hơn 1.000 chủ gian hàng và đóng cửa gần 1.000 cơ sở phân phối và sản xuất.

Tin cùng chuyên mục