Cao tốc Cao Lãnh - An Hữu: Nguy cơ chậm tiến độ vì thủ tục khai thác cát

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau gần 9 tháng kể từ khi khởi công Dự án thành phần (DATP) 1 cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, các nhà thầu mới thực hiện được 15,3% giá trị hợp đồng xây lắp và chưa thể hoàn tất thủ tục đưa 3 mỏ cát vào khai thác. Khâu cung cấp cát đắp chưa đồng bộ với yêu cầu tiến độ chung đặt Dự án trước nguy cơ chậm tiến độ.
Dự án thành phần 1 cao tốc Cao Lãnh - An Hữu đang bị hụt tiến độ ở phần thi công đường. Ảnh: Như Nguyệt
Dự án thành phần 1 cao tốc Cao Lãnh - An Hữu đang bị hụt tiến độ ở phần thi công đường. Ảnh: Như Nguyệt

Báo cáo đánh giá mới nhất của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Tháp cho thấy, tiến độ thi công phần cầu và dầm đáp ứng theo kế hoạch, dự kiến hoàn thành trong năm 2024. Tuy nhiên, tiến độ thi công phần đường rất chậm so với kế hoạch bởi thời gian thực hiện thủ tục khai thác cát kéo dài. Tới giữa tháng 3/2024, Dự án giải ngân được 283,3 tỷ đồng trên tổng số 882 tỷ đồng vốn kế hoạch bố trí cho năm 2024, đạt 32,1%. Đáng lo ngại, thời gian gia tải nền đường từ 13 đến 19 tháng, trong khi tổng thời gian thực hiện hợp đồng xây lắp là 840 ngày kể từ ngày 19/6/2023 nên tiến độ Dự án sẽ bị ảnh hưởng. Trước khó khăn đó, Ban tiếp tục kiến nghị các sở, ngành liên quan của Tỉnh hỗ trợ để sớm đưa 3 mỏ cát vào khai thác.

DATP 1 cao tốc Cao Lãnh - An Hữu có chiều dài khoảng 16 km, tổng mức đầu tư sơ bộ là 3.640 tỷ đồng, do UBND tỉnh Đồng Tháp làm cơ quan chủ quản. Gói thầu quan trọng nhất là Gói thầu Thiết kế bản vẽ thi công và thi công xây dựng có giá trị 2.805 tỷ đồng. Đảm nhiệm gói thầu này là Liên danh Công ty CP Đầu tư xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C - Công ty TNHH MTV Cơ khí và Xây dựng Thiên An - Công ty TNHH Đầu tư xây dựng DACINCO.

Ông Lê Nguyễn Phú Trường, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Tháp cho biết, tiến độ Gói thầu đang bị chậm ở phần thi công đường. Cụ thể, nhà thầu đào đất không thích hợp được 11,4 km và đắp cát K90 được 8,3 km trên tổng số 20,3 km đường công vụ. Ở hạng mục tuyến chính, nhà thầu đào đất không thích hợp được 6,5 km và đắp cát K95 được 1 km trên tổng số 14,6 km. Theo ông Trường, tiến độ thi công phần cầu khả quan hơn vì ít phụ thuộc vào cát đắp. Hiện Liên danh nhà thầu đã huy động hơn 250 người, hơn 80 đầu thiết bị tại công trường Dự án, tổ chức thi công 16 trên tổng số 19 cầu và lao dầm được 4 nhịp.

Ông Phạm Văn Hạnh, Chỉ huy trưởng thuộc Công ty TNHH MTV Cơ khí và Xây dựng Thiên An cho biết, Thiên An đảm nhiệm thi công từ điểm giao với cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh đến mố B cầu Thầy Cát Mười Đổng. Trong khi chờ nguồn cát, Nhà thầu tập trung nhân sự, thiết bị, máy móc thi công hạng mục cầu gồm đổ bê tông cầu và dầm sàn. Theo phân chia trong Liên danh, Thiên An đảm nhiệm thi công 8 cầu. Khối lượng thi công đến nay đạt khoảng 23,9% so với hợp đồng. Dự kiến, cuối tháng 3/2024, nguồn cát sẽ bắt đầu được cung cấp từ mỏ được giao theo cơ chế đặc thù. Khi có nguồn cát, Thiên An sẽ tập trung thi công phần đường để bù lại tiến độ.

Ông Lê Nguyễn Phú Trường cho biết, để thực hiện DATP 1, các nhà thầu cần khoảng 2,25 triệu m3 cát đắp nền. Tỉnh Đồng Tháp đã giao 3 mỏ cát để cung ứng cho Dự án tại Công văn số 167/UBND-ĐTXD ngày 26/4/2023. Tuy vậy, đến nay chưa thể khai thác các mỏ cát này vì phải thực hiện thủ tục. Trong khi chờ nguồn cát từ các mỏ được giao theo cơ chế đặc thù, tháng 12/2023, Đồng Tháp đã tạm điều chuyển 121.000 m3 cát để phục vụ nhu cầu trước mắt.

“Ngày 29/2/2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hướng dẫn thực hiện khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ các dự án giao thông theo cơ chế đặc thù được Quốc hội cho phép. Trong thời gian chờ các thủ tục khai thác cát theo cơ chế đặc thù, ngày 5/3/2024, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông đề nghị Tổ điều phối cát (tỉnh Đồng Tháp) phân bổ 50 nghìn m3 cát để thi công một số đoạn đường công vụ thiết yếu, cũng như tạo mặt bằng mở mũi thi công các cầu còn lại của DATP 1”, ông Trường nói và cho biết thêm, Tổ điều phối cát đã thống nhất đề xuất UBND Tỉnh cho tạm ứng khối lượng cát nêu trên từ Dự án Nạo vét khu vực neo đậu tàu thuyền cửa khẩu quốc tế Thường Phước để phục vụ thi công tuyến cao tốc.

Theo đánh giá của lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp, DATP 1 cao tốc Cao Lãnh - An Hữu đang bị hụt tiến độ phần thi công đường. Cát đắp nền là yếu tố quyết định tiến độ Dự án, đặc biệt trong năm 2024 vì đây là giai đoạn bản lề, tạo đột phá trong thi công. Đồng Tháp đang chỉ đạo quyết liệt các sở, ngành, chủ đầu tư, nhà thầu đẩy nhanh hoàn thiện thủ tục để đưa 3 mỏ vào khai thác, bù lại tiến độ của Dự án.

Tin cùng chuyên mục