Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây bị ngập nước: Lỗi tại... ông Trời?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cơn mưa tối 28/7 vừa qua đã biến một đoạn tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây mới đưa vào vận hành được 3 tháng thành sông. Sự cố “chưa có tiền lệ” này theo Chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế dự án là do mưa vượt tính toán, dòng chảy sông không đáp ứng tiêu thoát.
Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đoạn qua xã Sông Phan, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận có nơi bị ngập gần 1 m. Ảnh: Phạm Tư
Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đoạn qua xã Sông Phan, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận có nơi bị ngập gần 1 m. Ảnh: Phạm Tư

Tuy nhiên, một số chuyên gia ngành cầu đường cho rằng, cần thiết có những đánh giá nghiêm túc, đầy đủ, chính xác khâu thiết kế dự án, để nếu có bất cập, thiếu sót thì cần rút kinh nghiệm, nhất là khi hàng loạt dự án cao tốc đang được triển khai thi công.

Lý trình Km 25+419 cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây như một chiếc võng khổng lồ mà đáy võng chính là điểm xảy ra ngập nước. Lý trình này thuộc Gói thầu XL-02 với tổng chiều dài 31,2 km do Liên danh Phương Thành - Cienco4 thi công, tư vấn giám sát là TEDI - Vjec; tư vấn thiết kế dự án là Công ty CP Tư vấn xây dựng 533 (trụ sở tại Đà Nẵng); chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án (QLDA) Thăng Long thuộc Bộ Giao thông vận tải.

Theo Chủ đầu tư, nguyên nhân ngập nước là do mưa to, lượng nước dồn về khối lượng lớn, hạ lưu sông Phan không thoát kịp dù vị trí này có cống thoát kích thước 2,5m x 2,5m. Về phần mình, nhà thầu tư vấn thiết kế đã rà soát lại bảng tính và cho rằng thiết kế vẫn bảo đảm, ngập nước là do dòng chảy sông Phan ngoằn ngoèo, làm ảnh hưởng một phần tới khả năng thoát nước tại vị trí cống thoát.

Trước thực tế hiện trường và từ những nguyên nhân Chủ đầu tư, tư vấn thiết kế đưa ra, một số chuyên gia về cầu đường cho rằng, không loại trừ nguyên nhân ngập nước là do thiết kế về cốt nền đường và kích thước cống thoát nước. “Tại vị trí ngập lụt, nếu nâng cao độ đường đỏ lên, bố trí cống khẩu độ 12m x 15m thì khả năng bị ngập nước là rất thấp”, một chuyên gia nhận định.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một chuyên gia về cầu đường thẳng thắn: “Vấn đề lớn hiện nay hầu hết người trong ngành đều nhìn thấy là các đơn vị khảo sát, thiết kế không dùng nghề nghiệp, chuyên môn để bảo vệ thiết kế của mình khi trình lên chủ đầu tư hoặc đơn vị thẩm định, mà chỉnh sửa theo yêu cầu của chủ đầu tư và đơn vị thẩm định với lý do bị khống chế về ngân sách đầu tư. Hệ quả là sản phẩm khi thi công ngoài hiện trường gặp rất nhiều sai sót về khảo sát, thiết kế quy mô và kết cấu công trình”. “Về việc tư vấn thiết kế đặt cống hộp kích thước 2,5 m x 2,5m, loại này chỉ áp dụng cho cống chảy không áp. Với lượng nước khổng lồ như vừa qua thì không thoát kịp là điều đương nhiên”, một chuyên gia khác đặt vấn đề.

Chia sẻ thêm về giải pháp và tình trạng ngập nước trên cao tốc, một chuyên gia tại Đại học Bách khoa Đà Nẵng cho biết, trên một đoạn tuyến dài, từ đầu đến cuối tuyến chênh lệch cao độ có thể lên đến hàng trăm mét. Khi chưa xây dựng đường, mưa xuống nước sẽ chảy tràn đều ra ở các vị trí thấp trũng. Khi tuyến đường được hoàn thành, nước sẽ tìm đến những vị trí trũng nhất để thoát. Vì vậy, khi tính toán thủy văn, lưu lượng mưa, phải tính cả khu vực rộng lớn, thậm chí lượng mưa tại các địa phương lân cận chứ không chỉ Bình Thuận để đưa ra tư vấn về hạng mục cống thoát nước tương ứng.

Để hạn chế những lỗi kỹ thuật tại các dự án cao tốc, GS. TS. Hoàng Phương Hoa cho rằng, cần tính toán và áp dụng tiêu chuẩn, vốn đầu tư xây dựng cao tốc phù hợp với điều kiện và địa hình của Việt Nam. “Cao tốc tại Việt Nam đang dựa vào tiêu chuẩn của một số nước tiên tiến, trong đó nhiều nhất là theo tiêu chuẩn AASHTO của Mỹ (các chuẩn mực thiết kế - hệ thống xa lộ liên bang). Áp dụng theo tiêu chuẩn “nhà giàu” nhưng “nhà nghèo”, lại tiết kiệm, thiết kế ở mức cao tốc chưa đủ chuẩn của thế giới dẫn đến những sự cố kỹ thuật như ngập nước vừa qua”, GS. TS. Hoàng Phương Hoa phân tích.

Nhiều chuyên gia chung quan điểm cho rằng, đầu tư bài bản thì chất lượng công trình sẽ bảo đảm. Công trình 10 đồng thì đầu tư 10 đồng, không nên đầu tư 8 đồng, nếu không một thời gian ngắn sau sẽ mất thêm 4 đồng nữa để sửa chữa. Khi đó, công trình sửa chữa xong thì mức đầu tư lúc này đã nâng lên thành 12 đồng chứ không phải 10 đồng như dự toán.

Tin cùng chuyên mục