Theo phương án đầu tư Dự án cao tốc TP.HCM - Long Thành của VEC, tổng chiều dài tuyến là 21,92 km, quy mô 8 - 10 làn xe, tổng mức đầu tư dự kiến 15.722 tỷ đồng. Ảnh: Song Lê |
Trong khi đó, Cảng hàng không quốc tế Long Thành chỉ còn chưa đầy 2 năm sẽ đi vào khai thác. Việc giải tỏa điểm nghẽn này đang được các bên khẩn trương tháo gỡ.
Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, chiều dài khoảng 91 km. Trong đó, đoạn TP.HCM - Trung Lương được đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước ứng trước, đã hoàn thành, đưa vào sử dụng từ năm 2010 với chiều dài 40 km, quy mô 4 làn xe, giải phóng mặt bằng 8 làn xe. Riêng đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận được đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), đã hoàn thành, đưa vào khai thác từ năm 2022 với chiều dài 51 km, quy mô 4 làn xe hạn chế, giải phóng mặt bằng 6 làn xe.
“Do chưa thể cân đối vốn ngân sách đầu tư mở rộng tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận, Bộ phối hợp với các địa phương đề xuất phương án đầu tư PPP trên toàn tuyến. Theo đó, đoạn TP.HCM - Trung Lương sẽ mở rộng từ 4 làn xe lên 8 làn xe, Trung Lương - Mỹ Thuận từ 4 làn xe hạn chế lên 6 làn xe”, đại diện Bộ GTVT cho biết.
Theo Bộ GTVT, do đầu tư gián đoạn, thiếu đồng bộ, tuyến cao tốc trở thành điểm nghẽn hạn chế năng lực chuyên chở, vận tải của TP.HCM và khu vực.
Theo báo cáo mới nhất của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Dự án cao tốc TP.HCM - Long Thành có yêu cầu cấp bách vì phải hoàn thành cùng với tiến độ của Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đã được bổ sung vào Danh mục các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT. Nếu áp dụng đấu thầu rộng rãi hoặc đấu thầu hạn chế (theo khoản 1 và khoản 2 Điều 34 Luật Đấu thầu số 22) thì phải thực hiện nhiều thủ tục lựa chọn nhà đầu tư như công bố dự án, đề xuất dự án, giao cơ quan thẩm quyền lựa chọn nhà đầu tư, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, phê duyệt lựa chọn nhà đầu tư… dẫn tới không đảm bảo thời gian đưa Dự án vào khai thác đồng bộ với sân bay Long Thành theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Như vậy, việc áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt là cần thiết.
Bộ GTVT cho rằng, đề xuất giao Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) thực hiện đầu tư mở rộng Dự án cao tốc TP.HCM - Long Thành phù hợp với Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, kết cấu hạ tầng giao thông thông qua phương thức PPP. Thực tế, VEC là chủ đầu tư Dự án Xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây từ năm 2007, khởi công dự án này vào năm 2009 và hoàn thành đưa vào khai thác từ năm 2016. Theo thống kê, từ khi đưa vào khai thác, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông trên tuyến liên tục tăng cao (trung bình khoảng 10,8%/năm), trong đó đoạn TP.HCM - Long Thành dự báo đến năm 2025 vượt 25% so với năng lực thông hành hiện hữu. Đặc biệt, cuối năm 2026, khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành được đưa vào khai thác, Dự án sẽ đóng vai trò tuyến liên kết trực tiếp, thúc đẩy lưu thông toàn khu vực, liên vận quốc tế. Theo Bộ này, VEC đủ kinh nghiệm và năng lực để có thể hoàn thành Dự án đồng bộ với thời điểm vận hành Cảng hàng không quốc tế Long Thành nếu được giao thực hiện trong trường hợp đặc biệt.
Theo phương án đầu tư Dự án của VEC, tổng chiều dài của tuyến là 21,92 km, quy mô từ 8 - 10 làn xe. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 15.722 tỷ đồng (đã bao gồm lãi vay trong thời gian xây dựng). VEC sẽ huy động 100% vốn để thực hiện Dự án, tổ chức khai thác, thu phí hoàn vốn theo quy định. Tiến độ hoàn thành vào 31/12/2026. Về phương án tài chính, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho rằng, VEC sẽ vay lại từ nguồn trái phiếu chính phủ phát hành (dự kiến 15.030 tỷ đồng), vốn VEC (lãi vay trong thời gian xây dựng dự kiến 4%/năm) là 692 tỷ đồng, thời gian hoàn vốn là 18 năm.