Để tận dụng cơ hội thu hút đầu tư, Việt Nam cần tiếp tục giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động trong lĩnh vực công nghệ cao, AI. Ảnh: Lê Tiên |
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), năm 2024, nước ta tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp, nhà ĐTNN trong bối cảnh dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu suy giảm. Tổng vốn FDI đăng ký đạt gần 38,23 tỷ USD, thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới. Vốn FDI thực hiện ước khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm 2023, đạt mức cao nhất từ năm 2020 đến nay, cho thấy các nhà ĐTNN thực hiện đúng cam kết tại thị trường Việt Nam, đồng thời phản ánh năng lực hấp thu và giải ngân vốn đầu tư của nền kinh tế. Việt Nam đã xác lập được vị thế quan trọng trên bản đồ chuỗi công nghiệp bán dẫn thế giới, thu hút được nhiều tập đoàn công nghệ lớn, đặc biệt là điểm nhấn ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ và Tập đoàn NVIDIA. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới, tăng 1 bậc so với năm 2023.
Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho biết, số vốn ĐTNN giải ngân chiếm 16,5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tăng 0,5 điểm phần trăm so với mức đóng góp vào vốn đầu tư xã hội năm 2023. Bên cạnh đó, tổng vốn đăng ký năm 2024 tuy giảm nhẹ so với năm 2023, song điều chỉnh vốn đầu tư là điểm sáng của năm khi tăng cả về số lượt dự án điều chỉnh vốn (11,2%) cũng như tổng vốn tăng thêm (50,4%) so với năm 2023. Đầu tư mới cũng tăng nhẹ (1,8%) về số lượng dự án. Qua đó khẳng định, các nhà ĐTNN tiếp tục đặt niềm tin vào môi trường đầu tư của Việt Nam, không ngừng tăng cường dự án đầu tư mới và mở rộng dự án đầu tư hiện hữu.
Trong năm 2024, Chính phủ đã triển khai nhiều cơ chế chính sách nổi bật trong thu hút ĐTNN, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao như: Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 (Quyết định số 1018/QĐ-TTg ngày 21/9/2024), Nghị định số 182/NĐ-CP ngày 31/12/2024 về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư. Kết quả là nhiều dự án lớn ở các lĩnh vực bán dẫn, năng lượng (sản xuất pin, tế bào quang điện, thanh silic), sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm có giá trị gia tăng cao được đầu tư mới và mở rộng vốn trong năm 2024; tiếp tục củng cố niềm tin cho nhà đầu tư và nâng cao sức cạnh tranh của môi trường đầu tư Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao.
Điều chỉnh vốn đầu tư là điểm sáng của năm 2024 khi tăng cả về số lượt dự án điều chỉnh vốn (11,2%) cũng như tổng vốn tăng thêm (50,4%) so với năm 2023. Ảnh: Tiên Giang |
Bộ KH&ĐT cho biết, khu vực ĐTNN đóng góp tích cực vào thành tựu tăng trưởng, phát triển kinh tế của Việt Nam năm 2024, cụ thể đã đóng góp ngân sách nhà nước khoảng 20,49 tỷ USD, chiếm 24,7% tổng thu ngân sách nhà nước. Đặc biệt, khu vực ĐTNN xuất siêu gần 50,3 tỷ USD, kể cả dầu thô và xuất siêu hơn 48,6 tỷ USD không kể dầu thô, bù đắp phần nhập siêu hơn 25,5 tỷ USD của khu vực doanh nghiệp trong nước, là bệ đỡ giúp cả nước xuất siêu khoảng 24,9 tỷ USD năm 2024.
Tại một diễn đàn kinh tế gần đây, nhiều chuyên gia quốc tế đánh giá cao về kết quả thu hút ĐTNN của Việt Nam và chia sẻ những dự báo lạc quan. Ông Shantanu Chakraborty - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam nhận định, dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam rất mạnh, vốn FDI giải ngân đạt kỷ lục là một thành tích đáng khen ngợi và là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Năm 2025, ông Shantanu Chakraborty dự báo, Việt Nam vẫn là một ngôi sao sáng trong khu vực Đông Nam Á về tăng trưởng kinh tế và vì thế, có nhiều cơ hội để tiếp tục là điểm đến ưa thích của dòng vốn FDI. Đây là cơ hội quan trọng cho Việt Nam trong thu hút ĐTNN, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao, kinh tế số. Để tận dụng cơ hội, Việt Nam cần tiếp tục giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động trong lĩnh vực công nghệ cao, AI.
Ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam đánh giá, năm 2024 là năm thứ 3 liên tiếp chứng kiến sự tăng trưởng về FDI tại Việt Nam, đặc biệt về vốn thực hiện. Việt Nam là “thỏi nam châm thu hút FDI”. Với các chính sách mới của Hoa Kỳ, khu vực Đông Nam Á có thể được hưởng lợi về đầu tư và Việt Nam nổi lên như một điểm sáng, một trung tâm sản xuất lớn. Bởi lẽ, Việt Nam đã làm tốt việc quản lý các biến số vĩ mô, trong đó có lạm phát, tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng cao. Trong thập kỷ tới, Việt Nam có thể trở thành một trung tâm dẫn dắt về chất bán dẫn.
“Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút mạnh mẽ hơn nữa đầu tư trực tiếp nước ngoài. Nhiều khách hàng tôi tiếp xúc đều bày tỏ nhu cầu đầu tư hoặc mở rộng đầu tư tại đây vì liên quan đến nguồn nhân lực, chi phí, vị trí địa lý, nhiều cam kết, hiệp định thương mại tự do…”, ông Tim Evans chia sẻ.
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, tác động tích cực từ việc cải cách thể chế sẽ củng cố thêm sức hấp dẫn, cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút ĐTNN thời gian tới. Có thể kể đến quy định về thủ tục đầu tư đặc biệt tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đấu thầu có hiệu lực từ ngày 15/1/2025; Nghị định số 182/NĐ-CP ngày 31/12/2024 về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư; Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 (Quyết định số 1018/QĐ-TTg ngày 21/9/2024); định hướng xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam với nhiều chính sách cạnh tranh…