Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận: Nhiều hệ lụy nếu đấu thầu lại

(BĐT) - Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có tổng mức đầu tư 9.668 tỷ đồng đang có nguy cơ đổ vỡ do Liên danh 6 nhà đầu tư không huy động được nguồn tín dụng phục vụ công tác thi công. 
Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có tổng mức đầu tư 9.668 tỷ đồng, với tổng chiều dài là 51 km. Ảnh: Quang Tuấn
Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có tổng mức đầu tư 9.668 tỷ đồng, với tổng chiều dài là 51 km. Ảnh: Quang Tuấn

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông, nếu buộc phải hủy bỏ hợp đồng BOT này giữa chừng, tổ chức đấu thầu lại để chọn nhà đầu tư thì sẽ có rất nhiều hệ lụy xảy ra.

Nguy cơ hủy bỏ hợp đồng BOT giữa chừng

Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có tổng chiều dài là 51 km. Nhà đầu tư thực hiện Dự án là Liên danh Công ty CP Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc (góp 30% vốn) - Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh (30%) - Công ty CP Đầu tư Xây dựng BMT (10%) - Công ty TNHH Tập đoàn Thắng Lợi (10%) - Công ty CP Hoàng An (10%) - Công ty CP Đầu tư Cầu đường CII (10%). Theo hợp đồng đã ký với Bộ GTVT, nhà đầu tư phải thu xếp 1.542 tỷ đồng từ vốn chủ sở hữu và khoảng 8.126 tỷ đồng từ khoản vay thương mại. Dự án được khởi động từ tháng 2/2015 nhưng đến nay, nhà đầu tư chỉ mới nộp đủ vốn chủ sở hữu 1.542 tỷ đồng, chưa ký được hợp đồng vay 8.126 tỷ đồng từ ngân hàng.

Tại buổi họp báo quý I/2018, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, vướng mắc chủ yếu của Dự án là do Thông tư 55/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành quy định một số nội dung về quản lý tài chính đối với các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) quy định lãi suất vay trong hợp đồng BOT không vượt quá 1,3 lần lãi suất trái phiếu chính phủ cùng kỳ, khiến chênh lệch lớn so với lãi suất các nhà đầu tư phải trả cho các ngân hàng thương mại. Năm 2017, Bộ Tài chính đã có Thông tư 75/2017/TT-BTC sửa đổi Thông tư 55/2016/TT-BTC, nâng trần lãi suất cho vay lên 1,5 lần lãi suất trái phiếu chính phủ có kỳ hạn tương tự. Tuy nhiên, quy định này chỉ áp dụng cho những dự án chưa ký hợp đồng, những dự án BOT đã ký hợp đồng như cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vẫn áp dụng mức trần lãi suất không vượt quá 1,3 lần lãi suất trái phiếu chính phủ cùng kỳ.

Theo ý kiến của đại diện Vụ PPP thuộc Bộ GTVT, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã khởi động hơn 3 năm nhưng vẫn chưa ký được hợp đồng vay vốn. Đối chiếu với quy định của hợp đồng và tính khả thi thực hiện hợp đồng dự án của nhà đầu tư, quan điểm của Vụ PPP là đã đủ điều kiện và chấm dứt hợp đồng dự án với nhà đầu tư.

Tại cuộc họp với các bên liên quan đến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cũng yêu cầu Vụ PPP khẩn trương làm văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý đối với cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Trong đó đề xuất 2 phương án xử lý. Thứ nhất là đồng ý với đề xuất của liên danh 6 nhà đầu tư cho phép gia hạn thời gian ký hợp đồng tín dụng đến ngày 31/5/2018. Đến thời điểm đó, nhà đầu tư không thu xếp được vốn, Bộ GTVT sẽ cắt hợp đồng. Thứ hai là thực hiện cắt hợp đồng ngay với Liên danh nhà đầu tư để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư mới cho Dự án. 

Cảnh báo sẽ xảy ra nhiều hệ lụy

Việc tổ chức đấu thầu lại, kéo dài thời gian thực hiện Dự án sẽ dẫn đến việc trượt giá, đội vốn đầu tư, chậm đưa công trình vào khai thác, gây ra nhiều bất lợi với địa phương và xã hội…
Theo ông Nguyễn Ngọc Đông, việc phải hủy bỏ hợp đồng BOT giữa chừng, thực hiện đấu thầu lại Dự án là câu chuyện “cực chẳng đã” bởi nó sẽ để lại rất nhiều hệ lụy. Hệ lụy đầu tiên là tuyến cao tốc này sẽ phải chậm tiến độ đề ra. Lúc khởi công đầu năm 2015, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được kỳ vọng hoàn thành trước năm 2020 để rút ngắn thời gian lưu thông từ TP.HCM đến các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, giảm tải cho Quốc lộ 1, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây Nam Bộ. Nếu chấm dứt hợp đồng với Liên danh 6 nhà đầu tư nêu trên, ngay sau đó Bộ GTVT sẽ phải hoàn chỉnh dự án, làm lại hồ sơ mời thầu và tổ chức đấu thầu lại để lựa chọn nhà đầu tư. Theo dự tính của Bộ GTVT, thời gian hoàn chỉnh hồ sơ mời thầu mất khoảng 3 tháng, sau đó đấu thầu quốc tế 2 bước mất khoảng 1 năm để lựa chọn xong nhà đầu tư, việc thực hiện đầu tư sẽ kết thúc vào quý I/2022. Việc tổ chức đấu thầu lại, kéo dài thời gian thực hiện Dự án sẽ dẫn đến việc trượt giá, đội vốn đầu tư, chậm đưa công trình vào khai thác, gây ra nhiều bất lợi với địa phương và xã hội… Và nếu phải chấm dứt hợp đồng giữa chừng với Liên danh nhà đầu tư, Bộ GTVT sẽ căn cứ vào các điều khoản, điều kiện nêu trong hợp đồng để xử lý các vấn đề liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của các bên.

Phương án cho phép Liên danh nhà đầu tư gia hạn thời gian ký hợp đồng tín dụng đến ngày 31/5/2018 có ưu điểm là nếu vay được vốn, tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có thể triển khai thi công ngay, tránh được những tranh chấp hợp đồng phát sinh, vẫn đảm bảo Dự án hoàn thành vào năm 2020. Tuy nhiên, nếu Liên danh nhà đầu tư không vay được vốn, dẫn đến việc sẽ buộc phải chấm dứt hợp đồng dự án, tổ chức đấu thầu lại, thời gian hoàn thành của Dự án sẽ kéo dài tới quý II/2022.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đấu thầu, trước đó, Liên danh 6 nhà đầu tư đã từng ký cam kết với Bộ GTVT khẳng định ký được hợp đồng tín dụng với 2 ngân hàng là VietinBank và BIDV đối với phần vốn vay 8.126 tỷ đồng chậm nhất là ngày 10/10/2017. Trong đó, VietinBank đã chấp thuận xem xét cho vay tối đa 6.000 tỷ đồng và BIDV đã chấp thuận xem xét cho vay tối đa 2.500 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục