Dự án Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận: Vẫn chưa ký hợp đồng tín dụng

(BĐT) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình triển khai đầu tư Dự án Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ theo hình thức PPP. Trong đó, Dự án Trung Lương - Mỹ Thuận có chiều dài 51,1km, áp dụng loại hợp đồng BOT. 
Dự án Trung Lương - Mỹ Thuận nằm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, có tổng mức đầu tư 9.668,5 tỷ đồng. Ảnh: Đinh Quang Tuấn
Dự án Trung Lương - Mỹ Thuận nằm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, có tổng mức đầu tư 9.668,5 tỷ đồng. Ảnh: Đinh Quang Tuấn

Mặc dù đã được Thủ tướng chấp thuận về triển khai đầu tư từ năm 2014, đến thời điểm báo cáo (ngày 19/9/2017), hợp đồng tín dụng giữa Nhà đầu tư và ngân hàng nhằm triển khai Dự án vẫn chưa được ký kết.

Vướng mắc về vốn

Theo báo cáo, Dự án Trung Lương - Mỹ Thuận nằm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, có tổng mức đầu tư 9.668,5 tỷ đồng, với chiều dài tuyến cao tốc là 51,1 km, tuyến nối dài khoảng 4,5 km. Nhà đầu tư thực hiện Dự án là liên danh Công ty CP Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc (góp 30% vốn) - Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh (30%) - Công ty CP Đầu tư Xây dựng BMT (10%) - Công ty TNHH Tập đoàn Thắng Lợi (10%) - Công ty CP Hoàng An (10%) - Công ty CP Đầu tư Cầu đường CII (10%).

Với tổng mức đầu tư nêu trên, theo quy định, nhà đầu tư phải thu xếp 1.542 tỷ đồng từ vốn chủ sở hữu và khoảng 8.125,7 tỷ đồng từ khoản vay thương mại.

Theo báo cáo của Nhà đầu tư, hai ngân hàng cơ bản đồng thuận xem xét cho vay là Ngân hàng VietinBank (chấp thuận xem xét cho vay tối đa 6.000 tỷ đồng) và Ngân hàng BIDV (chấp thuận xem xét cho vay tối đa 2.500 tỷ đồng). Nhà đầu tư ký cam kết với Bộ GTVT khẳng định ký được hợp đồng tín dụng với các ngân hàng nêu trên cho phần vốn vay chậm nhất là ngày 10/10/2017.

Về lãi suất vay vốn, thực hiện theo Thông tư số 55/2016/TT-BTC ngày 23/3/2016 của Bộ Tài chính, lãi suất vay được Nhà nước thanh toán trong phương án tài chính rất thấp so với thực tế (chỉ là 7,82%/năm trong khi lãi vay thực tế của các ngân hàng hiện nay là khoảng 10,5%). Về việc này, Bộ GTVT đã có Văn bản số 4317/BGTVT-ĐTCT ngày 21/4/2017 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về vướng mắc tương tự tại Dự án Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ. Đến nay, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 75/2017/TT-BTC ngày 21/7/2017 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều trong Thông tư số 55/2016/TT-BTC theo hướng điều chỉnh mức lãi suất cho bám sát với mức lãi vay mà nhà đầu tư phải trả khi vay ngân hàng. Bộ Tài chính đã có Văn bản số 10021/BTC-ĐT ngày 28/7/2017 báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép 2 dự án hạ tầng giao thông (là cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn) mặc dù đã ký hợp đồng dự án nhưng chưa ký hợp đồng tín dụng, được phép cập nhật và áp dụng nguyên tắc xác định mức lãi suất vay theo quy định của Thông tư số 75/2017/TT-BTC.

Được tháo gỡ về lãi suất, nhưng việc ký hợp đồng tín dụng giữa Nhà đầu tư Dự án Trung Lương - Mỹ Thuận và các ngân hàng vẫn là câu chuyện bỏ ngỏ. 

Tiến độ khó đạt như dự kiến

Phương án tài chính Dự án Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận khoảng 8 năm 3 tháng, với mức giá khởi điểm 1.200 đồng/xe tiêu chuẩn.km; hỗ trợ của Nhà nước bằng việc thu giá dịch vụ đoạn cao tốc TP.HCM - Trung Lương trong 8 năm 2 tháng, với mức giá khởi điểm là 1.700 đồng/PCU.km; dự kiến 3 năm điều chỉnh tăng giá vé một lần, 6 năm đầu tăng 9%/3 năm và các năm tiếp theo tăng 6%/3 năm.
Thực hiện chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ, Bộ GTVT đã chỉ đạo tư vấn nghiên cứu tính toán rút ngắn tối đa tiến độ dự án nêu trên. Tuy nhiên, theo Báo cáo của Bộ GTVT, do công trình đi qua vùng đất yếu, phải xử lý cố kết nền đất trước khi thi công mặt đường nên để hoàn thành công trình trong năm 2019 thì phải áp dụng giải pháp xử lý nền đất yếu bằng cọc xi măng kết hợp với giải pháp công trình. Tính toán của tư vấn cho thấy, để hoàn thành công trình trong năm 2019, chi phí xử lý nền đất yếu cần khoảng 2.292 tỷ đồng, trong khi đó nếu áp dụng giải pháp thông thường là bấc thấm để xử lý nền đất yếu thì thời gian hoàn thành công trình chậm hơn khoảng 6 tháng nhưng có ưu điểm là ít sử dụng cát (vật liệu này hiện đang rất khan hiếm) và chi phí xử lý nền đất yếu chỉ là khoảng 667 tỷ đồng.

Với phương án đầu tư phê duyệt tại Quyết định số 1700/QĐ-BGTVT ngày 15/6/2017, trong trường hợp Nhà đầu tư ký được hợp đồng vay vốn như cam kết nêu trên, dự kiến sẽ hoàn thành đưa công trình vào khai thác vào quý II/2020.

Hiện công tác giải phóng mặt bằng đã được tỉnh Tiền Giang giao cho Nhà đầu tư 21,5/51,1 km (đạt 42%) chiều dài tuyến. Nhà đầu tư đã sử dụng khoảng 1.178 tỷ đồng từ nguồn vốn chủ sở hữu để chi trả cho công tác này và đang thi công trên những đoạn đã có mặt bằng.

Nếu báo cáo của Bộ GTVT được chấp nhận thì Nhà nước sẽ phải lựa chọn hoặc là tăng mức đầu tư lên 1.525 tỷ đồng hoặc là lùi tiến độ lại 6 tháng.