Hiện 300 kỹ sư, công nhân của Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1, Công ty cổ phần Xây dựng đường sắt đang thi công 3 ca để có thể bắt đầu lao phiến dầm thép đầu tiên của cầu. Trong những ngày lao dầm sẽ phải phong tỏa luồng trên sông Đồng Nai đoạn từ cầu Hóa An đến cầu Bửu Hòa để lai dắt các nhịp dầm ra công trường cầu Ghềnh mới. Sau khi lắp xong các nhịp dầm số 1, lần lượt các nhịp dầm số 2, số 3 sẽ được lai dắt và lắp tại công trường theo thứ tự từ Bắc vào Nam.
Đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt khu vực 3 cho biết, điểm “găng” của Dự án là 2 trụ T1 và T2 đến nay đã hoàn thành đổ bê tông trụ và đang khẩn trương thi công các hạng mục tiếp theo để đảm bảo tiến độ. Từ ngày 17/6, sẽ tiến hành lắp đặt mặt cầu đường dành cho người đi bộ và thử tàu, ngày 25/6 sẽ hoàn thành việc lao lắp dầm thép và ngày 30/6 hoàn thành toàn bộ cầu Ghềnh mới.
Được biết, phương án đề xuất khôi phục cầu Ghềnh là nâng cao độ trắc dọc đỉnh ray trên cầu lên khoảng 2,2 m, đáp ứng tĩnh không sông thông thuyền cấp 3; xây dựng mới toàn bộ cầu với sơ đồ nhịp 75 + 75 +75 m, dầm dàn thép giản đơn; cải tạo nâng đường hai đầu cầu và các hạng mục công trình thuộc phạm vi cầu và đường sông hai đầu, như cầu chui Hiệp Hòa, đường ngang Bùi Hữu Tín, hệ thống thông tin, tín hiệu đường sắt…
Ngoài việc khắc phục khu vực cầu Ghềnh, để đảm bảo khai thác vận tải đường sắt, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, cần tiến hành cải tạo khẩn cấp các ga Biên Hòa, Hố Nai và Trảng Bom. Tổng kinh phí để khôi phục xây dựng cầu Ghềnh dự kiến là 298,5 tỷ đồng.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vừa cho biết, từ 0 giờ ngày 26/6/2016, Tổng công ty dự kiến tổ chức chạy tàu khách và tàu hàng bình thường qua khu đoạn cầu Ghềnh. Cụ thể, Tổng công ty sẽ tổ chức chạy 10 đôi tàu khách, trong đó có 5 đôi tàu khách Bắc -Nam (Hà Nội - Sài Gòn và ngược lại, gồm SE1/2, SE3/4, SE5/6, SE7/8, TN1/2); 1 đôi tàu Sài Gòn - Vinh - Sài Gòn (SE21/22), 1 đôi tàu Sài Gòn - Quảng Ngãi - Sài Gòn (SE25/26), 2 đôi tàu Sài Gòn - Nha Trang - Sài Gòn (SNT1/2, SNT5/6) và 1 đôi tàu Sài Gòn - Phan Thiết - Sài Gòn (SPT1/2); tổ chức chạy 5 đôi tàu hàng Giáp Bát - Sóng Thần.
Các đoàn tàu không chuyển tải xuất phát từ ga Hà Nội gồm tàu TN1, SE3, SE1 (từ ngày 24/6), SE5, SE7 (từ ngày 25/6). Tàu SNT1 và tàu SE25 xuất phát lần lượt từ Nha Trang, Quảng Ngãi từ ngày 25/6 và các đoàn tàu khách xuất phát từ ga Sài Gòn từ ngày 26/6.
Bên cạnh đó, để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp Hè 2016, ở khu vực phía Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng tổ chức chạy thêm các đôi tàu tuyến đường sắt Sài Gòn - Nha Trang: SNT3/SNT4, HNT7/HNT8; tuyến đường sắt Sài Gòn - Phan Thiết: SPT3/SPT4, SPT5/6.
Đồng thời, Tổng công ty cho phép tàu TN2 đỗ thêm ga Gia Ray, tàu TN1/TN2 đỗ thêm ga Cầu Giát, tàu SE21/22 đỗ thêm ga Dĩ An, tàu SE8 đỗ thêm ga Bồng Sơn, tàu SE7/8 đỗ thêm ga Minh Khôi, tàu N11/N12 đỗ thêm ga Vân Canh để đón, trả khách.
“Chúng tôi sẽ nối lại nhịp độ hoạt động vận tải hàng hóa bình thường của tuyến đường sắt Bắc - Nam từ đầu tháng 7/2016, ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam khẳng định.
Việc cầu Ghềnh được đưa vào khai thác sớm sẽ giảm thiểu thiệt hại vì sau khi sập cầu Ghềnh, ngành đường sắt thất thu 5 - 10 tỷ đồng/ngày.
Theo thống kê của Ga Sài Gòn, trung bình một ngày có 3 - 4 đoàn tàu, gồm khoảng 70 toa hàng được vận chuyển từ Nam ra Bắc và miền Trung, với tổng trọng lượng gần 2.000 tấn.