“Cha đẻ” AI: Đừng sợ trí tuệ nhân tạo

Thời gian qua, đã có một số cảnh báo đáng sợ về AI, thậm chí cho rằng AI nguy hiểm hơn cả bom hạt nhân...
Một robot sử dụng cho bộ phim Kẻ hủy diệt 4 được trưng bày tại Bảo tàng Khoa học ở London, Anh - Ảnh: Getty/CNBC.
Một robot sử dụng cho bộ phim Kẻ hủy diệt 4 được trưng bày tại Bảo tàng Khoa học ở London, Anh - Ảnh: Getty/CNBC.

Trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ đến lúc trở nên thông minh hơn con người, nhưng không có lý do gì để sợ công nghệ này - một chuyên gia đi tiên phong trong lĩnh vực AI đưa ra khuyến nghị trong một cuộc trao đổi với hãng tin CNBC.

"Tôi đã làm việc về AI trong nhiều thập kỷ, từ những thập niên 1980 đến nay, và tôi vẫn tin công nghệ này sẽ đến lúc trở nên thông minh hơn chính tôi, để tôi có thể nghỉ hưu", ông Jurgen Schmidhuber - người hiện là đồng sáng lập kiêm Giám đốc khoa học của công ty khởi nghiệp (startup) AI có tên NNAISENSE - phát biểu.

Ông Schmidhuber được coi là người xứng đáng được robot (người máy) gọi là "cha đẻ".

Thời gian qua, đã có một số cảnh báo đáng sợ về AI, đặc biệt là từ ông Elon Musk, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành (CEO) hãng xe điện Tesla. Ông Musk thậm chí đã cảnh báo rằng AI còn nguy hiểm hơn cả đầu đạn hạt nhân.

"Tôi đã nói chuyện với ông ấy (Musk) suốt nhiều giờ và cố gắng trấn an nỗi sợ của ông ấy về vấn đề này, chỉ ra rằng một khi AI trở nên thông minh hơn con người, thì chúng sẽ mất sự quan tâm đến con người", ông Schmidhuber nói.

Theo vị chuyên gia, nếu lo ngại về AI, thì con người nên lo ngại về việc có những thực thể "giống với bản thân bạn" và có cùng mục tiêu như con người. Sự hợp tác có thể diễn ra, hoặc cũng có thể là một "dạng cực đại của cạnh tranh" - đồng nghĩa với chiến tranh, ông Schmidhuber nói.

Vào năm 1997, ông Schmidhuber tham gia vào việc xuất bản một nghiên cứu có tên Long Short Term Memory (tạm dịch: "Trí nhớ dài ngắn hạn"). Đây là một công nghệ về sau đặt nền móng cho chức năng trí nhớ của AI ngày nay.

AI trong tương lai chủ yếu sẽ quan tâm đến các AI khác, ông Schmidhuber dự báo. "Chúng ta đã có các AI trong phòng thí nghiệm tự đặt ra mục tiêu cho chúng, chứ không chỉ bắt chước những gì con người bảo chúng", ông nói.

Theo ông Schmidhuber, khoảng 95% trong tất cả các nghiên cứu AI hiện nay là về cải thiện cuộc sống của con người, như làm cho con người sống lâu hơn, khỏe mạnh hơn và hạnh phúc hơn. Dù thừa nhận rằng 5% còn lại là nghiên cứu AI trong quân sự, ông Schmidhuber nói không có lý do gì để lo ngại.

"Về căn bản, bạn không cần phải lo ngại về điều này, vì lợi nhuận đến từ việc bán cho bạn một AI mang lại cho bạn những điều tốt đẹp", ông nói.

Tin cùng chuyên mục