Chất lượng đội ngũ đấu giá viên: Siết đầu vào để nâng tầm chuyên nghiệp

(BĐT) - Theo Dự thảo Luật Đấu giá tài sản, các nội dung về nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp của đấu giá viên có vai trò vô cùng quan trọng.
Sự công tâm, minh bạch và hiệu quả của hoạt động đấu giá phụ thuộc nhiều vào đội ngũ đấu giá viên. Ảnh: Đ. Thanh
Sự công tâm, minh bạch và hiệu quả của hoạt động đấu giá phụ thuộc nhiều vào đội ngũ đấu giá viên. Ảnh: Đ. Thanh

Điều này nhận được sự đồng thuận từ các đấu giá viên kỳ cựu khi đa số cho rằng, cần thiết phải thành lập Hiệp hội Đấu giá viên, đồng thời ban hành các quy tắc đạo đức nghề nghiệp và coi đây là tiêu chí hàng đầu.

Sàng lọc kỹ chất lượng đầu vào

Để nâng cao chất lượng đội ngũ đấu giá viên, tăng cường tính chuyên nghiệp của đội ngũ đấu giá viên đáp ứng yêu cầu phát triển dịch vụ bán đấu giá tài sản chuyên nghiệp, Dự thảo Luật Đấu giá tài sản quy định theo hướng để trở thành đấu giá viên thì người tốt nghiệp cử nhân luật, kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng và có thời gian công tác trong lĩnh vực được đào tạo từ 5 năm trở lên phải qua đào tạo nghề đấu giá là 6 tháng; tập sự hành nghề đấu giá trong thời gian 6 tháng và đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề đấu giá.

Nghị định số 17/2010/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản đã phần nào hạn chế tình trạng ai cũng có thể trở thành đấu giá viên như trước đây. Với quy định muốn trở thành đấu giá viên phải là người đã tốt nghiệp đại học ngành luật hoặc ngành kinh tế và đã qua khóa đào tạo nghề đấu giá theo quy định. Điều kiện ngặt nghèo cũng là cách nâng cao chất lượng “đầu vào” của đấu giá viên. Tuy nhiên, mặt hạn chế của Nghị định 17 là thời gian đào tạo nghề đấu giá chỉ là 3 tháng.

Khảo sát của phóng viên Báo Đấu thầu cho thấy, tất cả các trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản cũng như các công ty đấu giá tài sản chuyên nghiệp đều đồng tình với Dự thảo Luật Đấu giá tài sản. Theo đó, nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp của đội ngũ đấu giá viên theo hướng nâng cao tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề; tăng cường trách nhiệm pháp lý và trách nhiệm nghề nghiệp của đấu giá viên trong hoạt động hành nghề, đặc biệt là tuân thủ pháp luật và quy tắc đạo đức nghề nghiệp của đấu giá viên, hướng tới mục tiêu xây dựng đội ngũ đấu giá viên chuyên nghiệp, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường.

Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, quy định này là phù hợp với thông lệ quốc tế. Pháp luật của đa số các nước quy định, người hành nghề đấu giá viên phải qua thời gian tập sự hành nghề, có nơi còn phải qua kỳ thi tuyển của Hiệp hội Đấu giá viên (Mỹ, Pháp...).

Một lãnh đạo của Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản TP.HCM bày tỏ, sự thay đổi về thời gian đào tạo nghề đấu giá lên 6 tháng là điều cần thiết. "Đấu giá viên cần được nhìn nhận là người có vai trò rất quan trọng trong điều hành các phiên đấu giá tài sản. Do đó, chất lượng đấu giá viên phải được nâng lên, thời gian đào tạo phải đủ để thực sự nắm được chuyên môn“, lãnh đạo này nhận định. 

Tiến tới thành lập Hiệp hội Đấu giá viên

Dự thảo Luật Đấu giá tài sản đang được Bộ Tư pháp lấy ý kiến có quy định đấu giá viên hành nghề tại doanh nghiệp đấu giá tài sản bằng việc thành lập hoặc tham gia thành lập hoặc làm việc theo hợp đồng lao động cho doanh nghiệp đấu giá tài sản hoặc hành nghề tại trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản. Một đấu giá viên chỉ được thành lập, tham gia thành lập một doanh nghiệp đấu giá.

Dự thảo Luật cũng quy định việc thành lập, tham gia thành lập doanh nghiệp đấu giá tài sản, ký và thực hiện hợp đồng lao động đối với đấu giá viên hành nghề tại doanh nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về lao động và quy định của Luật này; việc quản lý, tuyển dụng, sử dụng đấu giá viên hành nghề tại trung tâm  dịch vụ bán đấu giá tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về viên chức. Đây là hành lang thuận lợi để tiến tới định hình đội ngũ đấu giá viên Việt Nam hoàn thiện về mặt tổ chức nghề nghiệp.

“Chúng tôi mong muốn sớm thành lập được Hiệp hội Đấu giá viên để hoạt động đấu giá sẽ ngày càng chuyên nghiệp hơn”, ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản Long An chia sẻ.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, nhiều đấu giá viên có thâm niên lâu năm và trực tiếp điều hành hàng trăm phiên đấu giá thành công chia sẻ, có nhiều trường hợp, đấu giá viên phải có kiến thức và kinh nghiệm như một chấp hành viên, một chuyên viên tín dụng ngân hàng, am hiểu sâu sắc, cặn kẽ các quy định liên ngành, chuyên ngành thường va nhất như vật chứng (trong tố tụng và hình sự), hải quan, thuế, thị trường, bất động sản... Đấu giá viên sẽ cần tới sự vững vàng về nghiệp vụ rất cao trong bất kỳ loại tài sản nào được mang ra đấu giá. Nhưng yếu tố hàng đầu của một đấu giá viên chính là đạo đức nghề nghiệp.

''Sự công tâm, minh bạch và hiệu quả của hoạt động đấu giá phụ thuộc nhiều vào đội ngũ đấu giá viên. Do đó, ngoài hoàn thiện về chuyên môn, thành lập được Hiệp hội Đấu giá viên Việt Nam, cần ban hành quy tắc đạo đức nghề nghiệp cho nghề đấu giá viên. Để mỗi đấu giá viên đều hiểu rằng, sự điều hành của mình trong mỗi phiên đấu giá tài sản, đặc biệt là tài sản nhà nước, sẽ góp phần thẩm định tốt giá trị tài sản, góp phần chống thất thoát, lãng phí tiềm lực quốc gia'', một đấu giá viên khẳng định.

Tin cùng chuyên mục