Chật vật giữ đà đi lên, chứng khoán Mỹ khép lại tuần tăng điểm

Tuần này, cả ba chỉ số chính của Phố Wall cùng đi lên và tiến gần mức kỷ lục...
Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters.
Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters.

Dù "đuối" trong phiên ngày thứ Sáu do thông tin bất lợi về cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ vẫn có phiên tăng điểm vào ngày thứ Sáu. Tuần này, cả ba chỉ số chính của Phố Wall cùng đi lên và tiến gần mức kỷ lục.

Theo trang MarketWatch, chứng khoán Mỹ dao động nhẹ giữa giảm và tăng trong suốt phiên giao dịch cuối của tuần, sau khi có tin Tổng thống Donald Trump vẫn muốn áp thuế quan bổ sung lên thêm 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Thông tin này được xem là một tín hiệu cho thấy nỗi lo về chiến tranh thương mại vẫn tiếp tục "ám" thị trường.

Tuy nhiên, Dow Jones và S&P 500 đã giữ được sắc xanh khi đóng cửa, còn Nasdaq giảm nhẹ.

Chốt phiên Dow Jones tăng 0,03%, đạt 26.154,67 điểm. S&P 500 tăng 0,03%, đạt 2.904,97 điểm. Nasdaq giảm 0,05%, còn 8.010,04 điểm.

Những số liệu cho thấy sự tăng trưởng vững vàng của kinh tế Mỹ và tin Mỹ-Trung sắp nối lại đàm phán thương mại đã đưa chứng khoán Mỹ tăng điểm trong tuần này.

Trong đó, Dow Jones tăng 0,9%, đánh dấu tuần tăng thứ tư trong vòng 5 tuần trở lại đây. S&P 500 tăng 1,2%, đánh dấu tuần tăng thứ 9 trong vòng 11 tuần. Nasdaq tăng 1,4%, đánh dấu tuần tăng thứ ba trong vòng 4 tuần.

Ở mức hiện tại, S&P 500 chỉ thấp hơn 0,4% so với mức đóng cửa kỷ lục thiết lập hồi cuối tháng 8. Trong khi Dow Jones và Nasdaq chỉ còn cách 2% so với mức kỷ lục.

Trong tuần, chỉ số VIX đo lường sự biến động của thị trường giảm gần 19%, mức giảm tuần mạnh nhất kể từ tháng 4.

Tuy không quá sợ hãi về cuộc chiến thương mại, giới đầu tư ở Phố Wall vẫn bị ám ảnh bởi nỗi lo rằng cuộc chiến này có thể leo thang cao hơn và kéo tụt tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

"Chiến tranh thương mại chắc chắn vẫn là một mối lo. Nhưng tôi không biết ảnh hưởng của nó sẽ lớn đến đâu. Đến nay, chúng tôi đã nhìn xa hơn vấn đề này, nhưng trong dài hạn, ảnh hưởng của cuộc chiến có thể không nhỏ chút nào", nhà quản lý quỹ Richard Weeks thuộc VWG Wealth Management phát biểu.

Ông Weeks giữ quan điểm lạc quan thận trọng về chứng khoán Mỹ. "Với lợi nhuận doanh nghiệp các, các kế hoạch mua lại cổ phiếu, và lãi suất còn ở mức thấp, thị trường đang được hỗ trợ. Có nhiều chuyện để lo, nhưng chưa có đủ lý do để quá bi quan", ông nói.

Trong một diễn biến khác, cơn bão Florence đã đổ bộ vào bờ biển hai bang North Carolina và South Carolina của Mỹ vào ngày thứ Sáu. Theo ước tính của CoreLogic, trận bão này có thể gây thiệt hại kinh tế từ 3-5 tỷ USD. Dù đã suy yếu thành bão cấp 1 trên thang cảnh báo gồm 5 mức, bão Florence vẫn gây ngập lụt nghiêm trọng ở vùng bị ảnh hưởng.

Các số liệu kinh tế công bố trong tuần này tiếp tục cho thấy sự vững vàng của nền kinh tế Mỹ. Trong đó, niềm tin của người tiêu dùng Mỹ đạt mức cao nhất 14 năm.

Ông Charles Evans, Thống đốc chi nhánh Chicago của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), ngày 14/9 nói rằng các quan chức của ngân hàng trung ương này cùng chung dự báo kinh tế Mỹ sẽ còn tăng trưởng vững trong vài năm tới, với tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục giảm và lạm phát sẽ nhích lên trên ngưỡng 2%.

Tin cùng chuyên mục