Châu Á - Thái Bình Dương cần nỗ lực hơn nữa để đạt được mục tiêu về khí hậu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo nghiên cứu Chỉ số Kinh tế Net Zero năm 2023 của PwC, tỷ lệ giảm phát thải các-bon năm 2022 của châu Á - Thái Bình Dương (2,8%) cao hơn so với các khu vực khác, nhưng vẫn chưa đạt được tốc độ yêu cầu hàng năm 17,2%.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã giảm cường độ phát thải các-bon xuống 2,8% vào năm 2022 - hơn gấp đôi tỷ lệ 1,2% của năm 2021 - và chỉ có 5 quốc gia đạt được mục tiêu đóng góp quốc gia tự quyết (NDC) vào năm 2022.

Nghiên cứu Chỉ số Kinh tế Net Zero năm 2023 của PwC cho thấy, các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương chịu trách nhiệm cho 48% lượng khí thải toàn cầu trong năm 2022. Mặc dù tốc độ giảm phát thải các-bon của khu vực này vào năm 2022 ở mức 2,8% - cao hơn so với tỷ lệ toàn cầu là 2,5%, nhưng khu vực này vẫn cần tăng tốc độ giảm phát thải nhanh hơn gấp 6 lần để đạt tỷ lệ 17,2% nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C so với mức ở thời kỳ tiền công nghiệp.

Tỷ lệ phát thải CO2 của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương so với toàn cầu và và tốc độ giảm phát thải các-bon vào năm 2022 của khu vực này so với các nhóm các nền kinh tế được chọn

Tỷ lệ phát thải CO2 của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương so với toàn cầu và và tốc độ giảm phát thải các-bon vào năm 2022 của khu vực này so với các nhóm các nền kinh tế được chọn

Là khu vực kinh tế trọng điểm của thế giới, châu Á - Thái Bình Dương cũng có rủi ro cao nhất về tác động vật lý từ biến đổi khí hậu, đòi hỏi các quốc gia trong khu vực này phải tách rời phát thải khí nhà kính ra khỏi tăng trưởng kinh tế. Các nền kinh tế ở châu Á - Thái Bình Dương được khuyến khích hiện thực hóa các mục tiêu của toàn cầu và từng quốc gia bằng cách không chỉ dừng lại ở quá trình chuyển đổi về thị trường và chính sách mà cần triển khai thêm các hành động giảm thiểu phát thải nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến nông nghiệp, môi trường xây dựng và công nghiệp.

Tuy nhiên, sự chuyển đổi này không hề dễ dàng. Có một số lý do trong việc tiếp tục sử dụng các nguồn năng lượng phát thải nhiều các-bon ở châu Á - Thái Bình Dương. Thứ nhất, cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đã làm thay đổi các ưu tiên chính trị - xã hội, gây áp lực lên công chúng và các chính phủ trong việc quay trở lại sử dụng các dạng năng lượng rẻ hơn, phát thải nhiều hơn như than. Bên cạnh đó, sự tăng trưởng đáng kể của các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương làm tăng sự phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng, đặc biệt là dầu khí, để duy trì tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó, đầu tư vào năng lượng tái tạo đang bị thiếu hụt, cản trở quá trình chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch hơn. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), ngoại trừ Trung Quốc, các nước châu Á khác sẽ phải tăng mức đầu tư hàng năm lên gấp 6 đến 8 lần so với mức năm 2022 trong giai đoạn 2031 - 2035.

Tỷ lệ giảm phát thải các-bon và NDC (tCO2/GDP) ở các nền kinh tế thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2022

Tỷ lệ giảm phát thải các-bon và NDC (tCO2/GDP) ở các nền kinh tế thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2022

Mặc dù không có nền kinh tế nào ở châu Á - Thái Bình Dương đạt gần đến tỷ lệ khử các-bon yêu cầu là 17,2% hàng năm để có thể đạt được mục tiêu 1,5°C, nhưng 5 nền kinh tế (New Zealand, Pakistan, Hàn Quốc, Singapore và Việt Nam) đã vượt mốc giảm phát thải các-bon theo mục tiêu NDC. Điểm chung giữa các nền kinh tế này là họ đều nằm trong nhóm những quốc gia nhập khẩu ròng năng lượng và hầu hết đều có mức giảm về hệ số phát thải các-bon từ nhiên liệu hóa thạch. Pakistan là ngoại lệ khi giảm phát thải 15% do tác động trực tiếp từ cuộc khủng hoảng giá dầu mỏ toàn cầu năm 2022. Theo sau đó là các nền kinh tế như Singapore (10,8%), New Zealand (8,5%), Việt Nam (6,5%) và Hàn Quốc (4,4%).

Bên cạnh những dấu hiệu tích cực tạm thời này, tốc độ giảm phát thải các-bon của các nền kinh tế khác đã chậm lại vào năm 2022 so với năm 2021 và một số nền kinh tế đã có cường độ phát thải các-bon tăng lên. Hầu hết các nền kinh tế đều phải đối mặt với khoảng cách lớn giữa tham vọng giảm phát thải các-bon theo mục tiêu NDC và kết quả thực tế vào năm 2022.

Theo PwC, các nỗ lực giảm phát thải các-bon đang tiến dần về phía trước, nhưng tốc độ cần phải nhanh chóng để bắt kịp với mức độ cấp bách của cuộc khủng hoảng khí hậu. Sau Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021, các quốc gia được khuyến khích tăng cường và nộp lại các mục tiêu đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) vào năm 2022. Nhưng chỉ có 6 nền kinh tế ở châu Á - Thái Bình Dương thực hiện việc này và chỉ có 3 trong số đó cập nhật các mục tiêu với mức tham vọng hơn.

"Chỉ số Kinh tế Net Zero năm nay vẫn thể hiện khoảng cách đáng kể giữa kỳ vọng và kết quả giảm phát thải các-bon, cho thấy việc các doanh nghiệp phải chuyển đổi để vươn lên trong cuộc đua toàn cầu là vô cùng cần thiết", PwC đánh giá.

Tin cùng chuyên mục