Ảnh Internet |
Lạm phát hàng năm ở Đức và Pháp, các nền kinh tế hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU), đã tăng trong tháng 12/2023. Giới phân tích dự báo, dữ liệu lạm phát khu vực đồng Euro (Eurozone) công bố ngày 5 sẽ xác nhận xu hướng này. Nếu đúng như vậy, đây sẽ là lần đầu tiên lạm phát gia tăng trở lại trên toàn khu vực kể từ tháng 4/2023.
Điều này có thể làm "nguội" đi sự phấn khích của một số nhà đầu tư cho rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sắp cắt giảm lãi suất.
Tại Đức, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ghi nhận ở mức 3,8% trong tháng 12, tăng từ mức 2,3% trong tháng 11, theo một ước tính chính thức được công bố hôm thứ 4/1. Trong khi đó, dữ liệu sơ bộ tại Pháp cho thấy, CPI đã tăng lên 4,1% trong tháng 12, từ mức 3,9% của tháng trước.
Giá năng lượng góp phần đẩy tỷ lệ lạm phát lên cao tại Đức và Pháp. Các nhà kinh tế kỳ vọng, nguyên nhân khiến lạm phát tăng một phần là do các chính phủ đã dỡ bỏ những khoản trợ cấp hào phóng được đưa ra để hỗ trợ các hộ gia đình trong cuộc khủng hoảng năng lượng năm 2022.
Kể từ cuối năm 2021, khi lạm phát toàn cầu bắt đầu gia tăng sau khi kết thúc những đợt phong tỏa do đại dịch Covid-19, các chính phủ đã rót hàng trăm tỷ USD vào các khoản trợ cấp để bảo vệ hộ gia đình và doanh nghiệp khỏi giá năng lượng tăng mạnh - phần lớn được thúc đẩy bởi cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Chính phủ Đức đã thanh toán hóa đơn gas và năng lượng cho các hộ gia đình vào tháng 12/2022, qua đó giúp giảm lạm phát. Giờ đây, khoản trợ cấp một lần đó đã không còn nữa. Mặc dù giá năng lượng sau đó đã giảm đáng kể, song mức giá trong tháng 12/2023 vẫn cao hơn so với cùng kỳ năm trước.
Văn phòng thống kê Pháp hôm 4/1 cho biết, lạm phát gia tăng trong tháng 12 là do "giá năng lượng và giá dịch vụ tăng nhanh trong một năm".
Paul Donovan, nhà kinh tế trưởng tại UBS Global Wealth Management kỳ vọng, lạm phát cơ bản - loại bỏ chi phí năng lượng và thực phẩm không ổn định - tại 20 quốc gia sử dụng đồng Euro sẽ tiếp tục chậm lại.
Trong khi đó, Andrew Kenningham, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Âu tại Capital Economics cho rằng, lạm phát cơ bản hàng năm ở Eurozone sẽ giảm xuống 3,3% trong tháng 12 từ mức 3,6% trong tháng 11 và sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.
Chủ tịch ECB: "Đây chưa phải là lúc bắt đầu tuyên bố chiến thắng lạm phát"
Theo CNN, lạm phát tăng nhanh ở các nền kinh tế lớn tại EU có thể làm giảm sự phấn khích của các nhà đầu tư cho rằng các ngân hàng trung ương trong khu vực sẵn sàng cắt giảm lãi suất ngay từ mùa xuân. Sự phấn khích đó đã thúc đẩy thị trường chứng khoán phục hồi, với Chỉ số Stoxx 600 toàn châu Âu ghi nhận mức tăng 11% từ cuối tháng 10/2023.
Bên cạnh đó, căng thẳng leo thang ở khu vực sản xuất dầu mỏ Trung Đông cũng làm dấy lên mối lo ngại về quỹ đạo của giá năng lượng. Giá dầu Brent đã tăng hơn 3%, đóng cửa ở mức 78 USD/thùng vào hôm 4/1.
Biên bản cuộc họp chính sách tháng 12 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy, các quan chức tỏ ra thận trọng khi tuyên bố chiến thắng lạm phát và chấm dứt chiến dịch tăng lãi suất kéo dài gần hai năm của họ.
Mặc dù lãi suất chủ chốt của Fed "có thể gần mức đỉnh", nhưng các quan chức cho rằng, "việc chính sách duy trì ở mức hạn chế trong một thời gian cho đến khi lạm phát rõ ràng giảm xuống một cách bền vững là phù hợp".
Tháng trước, Isabel Schnabel - thành viên Ban điều hành ECB cho biết, lạm phát có thể "tạm thời tăng trở lại" một phần do trợ cấp năng lượng của các chính phủ sắp kết thúc.
Carsten Brzeski, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế vĩ mô toàn cầu tại ING, nhận xét: "Lạm phát tăng trở lại đã củng cố lập trường của ECB trong việc không vội vàng đưa ra bất kỳ quyết định cắt giảm lãi suất nào". Mặc dù vậy, ông Carsten Brzeski vẫn kỳ vọng ngân hàng trung ương này sẽ thực hiện đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên vào tháng 6/2024.