Gánh nặng chi phí không chính thức đang làm “méo mó” môi trường kinh doanh tại Việt Nam và khiến doanh nghiệp không muốn lớn. Ảnh: Lê Tiên |
Các chi phí được công bố rất chi tiết và lượng hóa thành các con số cụ thể tại Báo cáo Chỉ số Năng lực Cạnh tranh cấp tỉnh 2015 mà Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố. Đáng lo ngại hơn, VCCI đã lên tiếng cảnh báo hiện trạng trên không hề giảm mà ngược lại đang có xu hướng gia tăng, khiến DN khó có thể gia tăng quy mô để lớn mạnh và phát triển.
Chi phí không chính thức ngày càng nhiều
Kết quả khảo sát DN dân doanh, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tại PCI 2015 đã chỉ ra rằng việc chi trả chi phí không chính thức là một gánh nặng lớn mà các DN phải đối mặt. Đáng lưu tâm là với quy mô DN càng lớn thì xu hướng gánh nặng này lại càng gia tăng.
Cụ thể, theo số liệu công bố, có tới 62% DN siêu nhỏ, 68% DN nhỏ đánh giá hiện tượng chi trả chi phí không chính thức là thường xuyên. Với các DN quy mô vừa và lớn, con số này lần lượt là 70% và 69%.
Ngược lại, quy mô của khoản chi phí không chính thức so với doanh thu của các DNNVV cũng tương đối lớn và xu hướng nhiều hơn ở các DN nhỏ. Cụ thể, theo báo cáo, khoảng 11% doanh nghiệp siêu nhỏ, 13% DN nhỏ và 10% DN quy mô vừa cho biết chi phí không chính thức chiếm trên 10% doanh thu của DN. Với các DN lớn, con số này là 7%. Bên cạnh đó, một tỉ lệ tương đối lớn DN nhỏ, siêu nhỏ (khoảng 65%) và DN vừa (62%) cho biết có “tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục hành chính cho DN”. Con số này ở các DN quy mô lớn là 60%.
Đặc biệt, theo VCCI, điều đáng lo ngại là chi phí không chính thức không những không giảm bớt mà ngược lại có dấu hiệu gia tăng, thể hiện ở tỉ lệ DN cho biết phải chi trả chi phí này tăng qua các năm, từ 50% năm 2013, lên tới 64,5% năm 2014 và 66% trong năm 2015. Phản ánh của các DN cho thấy hơn 11% số DN tham gia điều tra năm nay cho biết các khoản chi cho riêng mục này chiếm tới hớn 10% tổng doanh thu của họ, tăng nhẹ so với tỷ lệ dưới 10% của năm 2014. Vẫn có 65% DN cho biết ‘‘tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho DN là phổ biến’’.
Ở một khía cạnh khác, kết quả điều tra DN cũng cho thấy một thực trạng rất đáng lưu tâm là tỷ lệ các DN cho biết cần có mối quan hệ với cơ quan nhà nước để tiếp cận các thông tin, tài liệu liên quan đến các chính sách, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương là rất cao, bất kể quy mô của DN.
“Khoảng 75% các DNNVV cho biết họ phải cậy nhờ đến các mối quan hệ để tiếp cận thông tin, thậm chí với các DN quy mô lớn, tỷ lệ này lên tới 79%.
Với khả năng tiếp cận thông tin như vậy, các DN, đặc biệt là DNNVV khó có thể dự đoán duợc những thay đổi trong quy định pháp luật cũng như việc thực thi chúng trên thực tế”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho biết.
Thanh, kiểm tra quá nhiều
Cùng với nỗi khổ về chi phí, việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước cũng ngày càng trở thành gánh nặng lớn đối với nhiều DN dân doanh Việt Nam. Theo kết quả điều tra PCI 2015, có tới 74% DN từng đón tiếp các đoàn thanh, kiểm tra trong tất cả các lĩnh vực trong năm vừa qua. Theo ông Tuấn, có một hiện tượng rất đáng lo ngại là các DN có quy mô càng lớn, gánh nặng về thanh tra, kiểm tra càng cao. Chi phí thực hiện thủ tục hành chính tăng, rủi ro tăng lên khi quy mô tăng có thể là một nguyên nhân khiến các DNNVV Việt Nam “ngại lớn”.
Cụ thể, thông thường các DNNVV phải tiếp đón 1-2 cuộc thanh, kiểm tra (trung vị) trong năm. Với các DN quy mô lớn, con số này là khoảng 3 cuộc. Tính toán chung, có 18% DN siêu nhỏ, 24% DN nhỏ và 43% DN quy mô vừa đón tiếp ít nhất 3 đoàn thanh, kiểm tra DN trong năm gần nhất, trong khi con số này là 50% đối với DN quy mô lớn.
Đáng lưu ý, thanh tra, kiểm tra chưa có sự phối hợp tốt giữa các cấp, ngành. Điều này thể hiện qua tỷ lệ DN phản ánh về tình trạng trùng lặp về nội dung thanh tra, kiểm tra giữa các đoàn đến DN. Kết quả khảo sát cho thấy 25% DN siêu nhỏ, DN nhỏ và 30% DN vừa cho biết nội dung thanh, kiểm tra của các đoàn bị trùng lặp. Với các DN quy mô lớn, con số này lên tới 32%.
Ngoài ra, chi phí thời gian trong các cuộc thanh kiểm tra thuế cũng gia tăng theo quy mô của DN. Với các DN siêu nhỏ, trung bình mỗi lần thanh, kiểm tra thuế mất khoảng 3 giờ; đối với các DN nhỏ và DN quy mô vừa, con số này lần lượt là 7 và 8 giờ. Tuy nhiên, với các DN quy mô lớn, thông thường mỗi cuộc thanh, kiểm tra thuế thường làm mất khoảng 40 giờ của DN.
Về thủ tục hành chính, điều tra PCI 2015 cho thấy gánh nặng thực hiện thủ tục hành chính gia tăng theo quy mô của DN. “Bức tranh chung này cho thấy đây là một xu thế rất phản thị trường, tạo rào cản khiến DN khó có thể lớn và không muốn phát triển thông qua mở rộng quy mô. Để khắc phục tình trạng này, trọng tâm cải cách thủ tục hành chính nhằm giảm bớt khó khăn cho DNNVV thời gian tới nên tập trung những lĩnh vực có tỷ lệ DNNVV phản ánh còn nhiều phiền hà nhất, đồng thời cần giảm bớt gánh nặng về thanh, kiểm tra cho các DN, đặc biệt tránh trùng lặp, chồng chéo”, ông Đậu Anh Tuấn khuyến cáo.