Chỉ số Cảm nhận tham nhũng của Việt Nam vẫn “ổn định”

(BĐT) - Tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN), đa số các bộ, ngành, địa phương đều báo cáo “không có tham nhũng” hoặc “không phát hiện vụ tham nhũng nào”. 
Theo Tổ chức Minh bạch quốc tế, 4 năm qua Việt Nam chưa đạt được tiến bộ nào trong phòng chống tham nhũng. Ảnh: NC st
Theo Tổ chức Minh bạch quốc tế, 4 năm qua Việt Nam chưa đạt được tiến bộ nào trong phòng chống tham nhũng. Ảnh: NC st

Tuy nhiên, kết quả Chỉ số cảm nhận tham nhũng năm 2015 (CPI 2015) vừa được Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) công bố lại cho thấy kết quả ngược lại là từ năm 2012 đến nay, Việt Nam không có cải thiện nào về điểm số CPI. 

Kết quả thanh, kiểm tra: “Không có tham nhũng!”

Báo cáo 10 năm thực hiện Luật PCTN của Bộ Công Thương cho biết, tính từ ngày 1/6/2006 - 31/8/2015, ngành công thương chỉ phát hiện được 1 vụ vi phạm và thu hồi 25 triệu đồng giá trị quà tặng nộp về. Kết quả “khó tin” này được rút ra từ hơn 1.000 cuộc thanh kiểm tra mỗi năm. Báo cáo của ngành công thương nhấn mạnh: “Hoạt động thanh, kiểm tra chưa phát hiện cơ quan, tổ chức, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức vi phạm Luật PCTN”.

Còn đối với ngành tài nguyên và môi trường (TN&MT), ông Lê Quốc Trung, Chánh Thanh tra của Bộ TN&MT khẳng định, trong 10 năm qua, Bộ đã nghiêm túc tổ chức chỉ đạo, triển khai các biện pháp phòng ngừa tham nhũng theo các quy định. Các đơn vị trực thuộc Bộ chưa để xảy ra hành vi tham nhũng.

Nhiều bộ, ngành, địa phương khác cũng có chung nội dung báo cáo là “không có tham nhũng” hoặc “không phát hiện vụ tham nhũng nào”. Đánh giá về kết quả này, nhiều ý kiến trong dư luận và báo chí cho rằng, báo cáo của các bộ, ngành còn khá sơ sài, chưa sát với tình hình thực tế và không thuyết phục.

Lý giải về việc “không có tham nhũng” của các bộ, ngành, địa phương, ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục Chống tham nhũng thuộc Thanh tra Chính phủ cho hay: “Thực ra họ nói cũng có căn cứ của họ. Chỉ khi nào tòa án đưa ra phán quyết cán bộ nào đó phạm tội tham nhũng, thì khi đó mới được coi là tham nhũng. Có rất nhiều vụ việc ban đầu bị điều tra về tội tham nhũng, nhưng sau đó tòa án xét xử lại đổi sang tội danh khác nên không thể đưa vào danh sách tham nhũng này được. Thống kê này dựa trên phán quyết của tòa án”. Tuy nhiên, “trước mắt chúng tôi sẽ xem xét các báo cáo đó và đối chiếu, so sánh với các báo cáo hàng năm trước đây xem số liệu có chính xác hay không?” – ông Phạm Trọng Đạt khẳng định.

Doanh nghiệp: “Tham nhũng vẫn ở mức nghiêm trọng!”

Dựa trên cảm nhận của các doanh nhân và chuyên gia trong nước về tham nhũng trong khu vực công, hàng năm, TI đều có nghiên cứu, khảo sát về CPI trên phạm vi toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Theo kết quả CPI năm 2015 vừa được TI công bố, Việt Nam chỉ đạt 31/100 điểm, đứng thứ 112/168 trên bảng xếp hạng toàn cầu. Đây là năm thứ 4 liên tiếp Việt Nam không có sự cải thiện nào về điểm số CPI và tiếp tục rơi vào nhóm các nước có mức độ tham nhũng trong khu vực công được cho là nghiêm trọng. Còn so với các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam đứng thứ 17/27.

TT đánh giá, các hạn chế trong công tác PCTN ở Việt Nam vẫn chưa được giải quyết triệt để và hiệu quả. Do đó, để tạo ra những chuyển biến tích cực trong cảm nhận về tham nhũng ở Việt Nam, TT đã đưa ra khuyến nghị cụ thể.

Trước tiên, Việt Nam cần phải thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp như sửa Luật PCTN, trong đó tập trung vào một số vấn đề về kê khai và công khai tài sản; thu hồi tài sản tham nhũng; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan nhà nước; bảo vệ người tố cáo; huy động sự tham gia của xã hội.

Thứ hai, Việt Nam cần bảo đảm các cơ quan thực thi pháp luật và cơ quan tư pháp có đủ năng lực, nguồn lực và độc lập trong hoạt động. Việt Nam nên xem xét việc thành lập hoặc chỉ định một cơ quan với đủ thẩm quyền, năng lực, nguồn lực và sự độc lập để có thể đảm nhiệm toàn bộ quá trình thanh tra, điều tra và truy tố Acác vụ án tham nhũng nghiêm trọng.

Thứ ba là phải có những hỗ trợ thực sự, khuyến khích sự tham gia tích cực của xã hội, ban hành những chính sách ưu đãi thiết thực và cụ thể cho khu vực tư nhân, các tổ chức xã hội dân sự, báo chí - truyền thông khi tham gia vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng.

Tin cùng chuyên mục