Chỉ số TFP tiếp tục là điểm sáng, góp phần giữ mức tăng trưởng dương

0:00 / 0:00
0:00

Trong khi đại dịch COVID-19 dự báo tiếp tục tác động tiêu cực đến kinh tế, nhiều đại biểu đánh giá năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) sẽ tiếp tục là điểm sáng trong đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.

Đại biểu Vũ Hồng Thanh. (Nguồn: TTXVN)

Đại biểu Vũ Hồng Thanh. (Nguồn: TTXVN)

Sáng 11/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021, với tỷ lệ tán thành cao. Nghị quyết đề ra 12 chỉ tiêu chủ yếu; trong đó xác định tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6%; tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng từ 45-47%...

Trong khi đại dịch COVID-19 dự báo tiếp tục tác động tiêu cực trên nhiều mặt đến kinh tế thế giới và trong nước, nhiều đại biểu đánh giá TFP sẽ tiếp tục là điểm sáng trong đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.

Bên lề Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, phóng viên TTXVN đã trao đổi với các đại biểu xung quanh nội dung này.

Đại biểu Vũ Hồng Thanh (Đoàn Quảng Ninh): Chỉ số TFP đang ở mức tốt, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra

Đóng góp năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) của Việt Nam trong giai đoạn 5 năm qua đạt 45%, vượt yêu cầu Nghị quyết của Quốc hội đề ra là mức 30-35%. Đây là vấn đề hết sức quan trọng, vì tăng trưởng kinh tế cao là tốt nhưng chất lượng tăng trưởng; trong đó TFP có đóng góp rất quan trọng.

Kết quả này cho thấy chất lượng tăng trưởng của chúng ta tốt hơn, năng suất lao động được cải thiện, chỉ số ICOR (hệ số sử dụng vốn) cũng được cải thiện. Tuy nhiên, mong muốn của chúng ta vẫn còn cao hơn nữa.

Mặc dù năng suất lao động tăng 5,8% đã vượt mục tiêu của Quốc hội đề ra nhưng so với các nước trong khu vực, đặc biệt trong nông nghiệp của Việt Nam vẫn còn thấp. Điều này khiến khả năng cạnh tranh hàng hóa dịch vụ của Việt Nam cũng sẽ bị hạn chế so với các nước.

ICOR hiện đã xuống mức 6,1 thay vì 6,3 như trước đây là đã có cải thiện nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu. Điều này cho thấy, chất lượng và hiệu quả đầu tư vẫn còn hạn chế. Trong khi đó, chỉ số của các nước đang ở mức 4. Nếu so sánh thì chúng ta sẽ tốn kém hơn 1 đồng rưỡi so với họ để đạt được 1 đồng GDP.

Hiện các công trình, dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án đầu tư công đã được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt và đã có cải thiện tích cực với kết quả giải ngân đạt 60% trong 9 tháng, tăng 33% so với cùng kỳ. Nếu giải ngân vốn đầu tư công mà tốt hơn thì tăng trưởng kinh tế 9 tháng và cả năm sẽ tốt hơn nữa.

Trong số này, có một số công trình trọng điểm, ngoài việc đóng góp cho tăng trưởng kinh tế còn tạo đà cho tăng trưởng của giai đoạn tiếp theo. Đơn cử như những công trình trọng điểm quốc gia (Cao tốc Bắc Nam, Cảng hàng không quốc tế Long Thành). Những công trình này cần đẩy nhanh tiến độ hơn thì chỉ số ICOR, năng suất lao động, chỉ số TFP được cải thiện và chất lượng tăng trưởng cũng sẽ tăng lên.

Chỉ số TFP tổng hợp nhiều yếu tố, thể hiện chất lượng, chiều sâu của tăng trưởng. Theo đánh giá của tôi, chỉ số này đang ở mức tốt và tích cực.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Đoàn Thanh Hóa): Năng suất lao động ở mức thấp sẽ tác động đến chỉ số TFP

TFP đóng góp vào tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 ước đạt 45,21%, vượt xa so với mục tiêu 30 - 35% được đề ra trong Nghị quyết của Quốc hội.

Năm 2020, khi dịch COVID-19 làm ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu, TFP trở thành điểm sáng, là yếu tố góp phần giữ được mức tăng dương.

Nếu như trước đây, TFP của Việt Nam tăng chủ yếu nhờ nguồn vốn đầu tư nước ngoài và lao động có trình độ thấp, thì nay là do cắt giảm chi phí về lao động, tập trung vào đổi mới khoa học công nghệ và thay đổi cơ cấu đầu tư. Đây là vấn đề rất quan trọng, giúp tăng trưởng có tính chất ổn định và bền vững trong thời gian qua.

Tuy nhiên, tốc độ tăng TFP của Việt Nam vẫn còn hạn chế so với các nước trong khu vực do lệ thuộc vào 2 yếu tố. Thứ nhất là do tổng nguồn vốn đầu tư. Thứ hai là do chất lượng nguồn nhân lực, làm năng suất lao động không cao.

Trong khi đó, các nước tăng TFP dựa trên cơ sở thay đổi công nghệ và chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động nên kết quả ở mức cao hơn so với Việt Nam. Đây là điểm chúng ta phải cải thiện trong thời gian tới.

Năm 2021, theo kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, tốc độ tăng năng suất lao động dự kiến 4,8%, thấp hơn so với các năm (thực hiện năm 2019 là 6,28%; ước thực hiện năm 2020 là 4,89%). Việc đặt năng suất lao động ở mức thấp sẽ tác động đến chỉ số TFP, nhưng phản ánh đúng thực chất năng suất lao động ở Việt Nam hiện nay.

Trước mắt, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong năm 2020, có thể kéo dài sang năm 2021, Chính phủ đề xuất Quốc hội giữ ở mức đó là hợp lý chứ không đặt kỳ vọng quá cao mà khả năng đạt được thấp.

Việc quan trọng cần làm hiện nay là tái cơ cấu các ngành sản xuất để giữ lại lực lượng lao động hiện có; hạn chế tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm của người lao động, từ đó kéo năng suất lao động tăng và đẩy tốc độ tăng TFP.

Cùng đó, đổi mới và tăng cường yếu tố khoa học-công nghệ cũng sẽ giúp nâng cao chất lượng tăng trưởng về chiều sâu, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế./.

Tin cùng chuyên mục