“Rộng cửa” đón vốn đầu tư công nghệ cao

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Làm thế nào để nhân lên lợi thế đang có để thích ứng và bắt kịp tốc độ phát triển ngành bán dẫn là bài toán lớn được đặt ra. Để tiếp tục thu hút nguồn lực từ khu vực tư nhân, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu có bổ sung quy định về thủ tục đầu tư đặc biệt nhằm tạo đột phá cho DN đầu tư vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Việc bổ sung quy định về thủ tục đầu tư đặc biệt là bước đột phá trong giải quyết thủ tục hành chính nhằm thu hút các dự án trọng điểm thuộc lĩnh vực công nghệ cao. Ảnh: Lê Tiên
Việc bổ sung quy định về thủ tục đầu tư đặc biệt là bước đột phá trong giải quyết thủ tục hành chính nhằm thu hút các dự án trọng điểm thuộc lĩnh vực công nghệ cao. Ảnh: Lê Tiên

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, các ngành công nghiệp công nghệ cao, trong đó có công nghiệp bán dẫn đang ngày càng có vai trò quan trọng và đang trở thành trụ cột kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới. Các quốc gia đang cải cách, cạnh tranh rất gay gắt để nhanh chóng trở thành một mắt xích trong chuỗi giá trị công nghiệp bán dẫn.

“Ở Trung Quốc, họ xây dựng nhà máy ô tô trị giá hàng tỷ USD chỉ khoảng 11 tháng kể từ khi xây dựng tới khi khánh thành đưa vào hoạt động; đầu tư một trung tâm thương mại chỉ trong 68 ngày…”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thông tin.

Tại Việt Nam, một nghiên cứu liên quan chỉ ra rằng, để đầu tư xây dựng nhà máy như vậy thì DN cần nhiều thời gian để thực hiện các thủ tục liên quan. Cụ thể, nhà đầu tư phải thực hiện một cách liên tục và tuần tự các thủ tục về đất đai, bảo vệ môi trường, xây dựng, chuyển giao công nghệ, phòng cháy chữa cháy, mất khoảng 250 - 350 ngày, chưa kể độ trễ của các thủ tục (nhà đầu tư phải lập và hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền thì thời gian thực hiện có thể dài hơn). Trong khi đó, Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN4.0) có tốc độ phát triển rất nhanh, đòi hỏi chúng ta phải có giải pháp nắm bắt thật nhanh để tận dụng tốt cơ hội “ngàn năm có một” đang mở ra với đất nước.

Để không bỏ lỡ cơ hội, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm nhân lực bán dẫn toàn cầu và trung tâm về công nghiệp bán dẫn và điện tử toàn cầu, trong đó, Chính phủ xác định nguồn nhân lực là đột phá của đột phá. Theo đó, Thủ tướng cũng đã ban hành Chương trình đào tạo nhân lực cho công nghiệp bán dẫn, trước mắt đến năm 2030 Việt Nam phải có 50.000 kỹ sư, 1.300 giảng viên được đào tạo chuyên sâu về bán dẫn, xây dựng các phòng thí nghiệm cấp quốc gia và cấp cơ sở phục vụ đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn. Đến nay, nước ta đã thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực này như Cadence, Synosyps, Qorvo, Siemens, Marvell, ARM… Làm thế nào để nhân lên lợi thế đang có để thích ứng và bắt kịp tốc độ phát triển ngành bán dẫn là bài toán lớn được đặt ra.

Quy định về thủ tục đầu tư đặc biệt với dự án thuộc lĩnh vực đổi mới sáng tạo, công nghệ cao được thiết kế theo hướng chuyển đổi mạnh tư duy từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Ảnh: Tuấn Anh

Quy định về thủ tục đầu tư đặc biệt với dự án thuộc lĩnh vực đổi mới sáng tạo, công nghệ cao được thiết kế theo hướng chuyển đổi mạnh tư duy từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Ảnh: Tuấn Anh

Tại Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu, Cơ quan soạn thảo đề xuất bổ sung quy định về thủ tục đầu tư đặc biệt với một số dự án thuộc lĩnh vực đổi mới sáng tạo; công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ cao, vi mạch điện tử tích hợp, chip... khi đầu tư tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu chức năng trong khu kinh tế, giúp Việt Nam có thể tận dụng tốt cơ hội mở ra với ngành công nghiệp công nghệ cao.

“Những DN đầu tư vào công nghệ cao (theo Quyết định số 38/2020/QĐ-TTg) khi đầu tư vào khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao thì không phải làm các thủ tục hành chính như thông thường, thay vào đó DN chỉ cần đăng ký đầu tư, trong 15 ngày cơ quan quản lý phải cấp đăng ký đầu tư”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin và cho biết, chính sách thu hút đầu tư được thiết kế theo hướng chuyển đổi mạnh tư duy từ tiền kiểm sang hậu kiểm. DN khi đầu tư không phải làm các thủ tục về xây dựng, môi trường, phòng cháy chữa cháy… Thay vào đó, DN chỉ cần cam kết chấp hành các quy định (quy chuẩn, tiêu chuẩn) của Việt Nam là đáp ứng.

“Nói dễ hiểu hơn, nước ngoài thường quản lý đầu tư theo hình phễu (DN đầu tư cứ làm, sau đó hậu kiểm nếu không đáp ứng đáp ứng thì tuýt còi, xử lý), còn Việt Nam quản lý theo hình nón với việc siết rất chặt khâu đầu vào nhưng các khâu hậu kiểm còn yếu nên chưa hấp dẫn được DN đầu tư”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phân tích.

Đánh giá cao việc bổ sung quy định này tại Dự thảo Luật, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) nhìn nhận, quy định về đầu tư đặc biệt là một bước đột phá, cải cách lớn trong giải quyết thủ tục hành chính nhằm thu hút các dự án trọng điểm thuộc lĩnh vực công nghệ cao.

Theo đại biểu Nguyễn Duy Minh (Đà Nẵng), việc thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong một số lĩnh vực như xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), đầu tư nghiên cứu và hỗ trợ chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới và năng lượng sạch được xác định là chiến lược hết sức quan trọng để phát triển đất nước trong thời gian tới. Những nội dung này đã được quy định trong các nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù tại một số địa phương như TP.HCM, Khánh Hòa và Đà Nẵng. “Tôi đánh giá rất cao việc bổ sung quy định nhằm rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục đối với các dự án. Quyết sách này sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh trong việc thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, các lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư, nhất là với các nhà đầu tư chiến lược”, ông Minh nói.

Về phía cộng đồng doanh nghiệp, nhiều ý kiến đánh giá những thay đổi chính sách là bước cải cách đột phá và có ý nghĩa lớn trong thu hút đầu tư giai đoạn tới - vốn được dự báo là sẽ cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Ở một số quốc gia, ngoài việc hoàn thiện chính sách ưu đãi đầu tư thì việc áp dụng thủ tục hành chính đặc biệt (ở các mức độ khác nhau) cũng được coi là chìa khóa để thu hút các nhà đầu tư chiến lược.

Được biết, trong năm 2024, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư để hỗ trợ trực tiếp cho các DN trong lĩnh vực công nghệ cao về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đầu tư tạo tài sản cố định, sản xuất sản phẩm công nghệ cao…, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghiệp công nghệ cao toàn cầu.

Tin cùng chuyên mục