Liên kết thương mại giữa EU và Việt Nam ngày càng sâu sắc

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Năm nay, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) kỷ niệm 5 năm thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Hiệp định này vừa là biểu tượng của những bước tiến vững chắc, vừa là lời nhắc nhở về chặng đường phát triển còn ở phía trước.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, tổng kim ngạch thương mại giữa EU và Việt Nam đã tăng 40% kể từ năm 2020. Ảnh minh họa: Internet
Theo số liệu của Bộ Công Thương, tổng kim ngạch thương mại giữa EU và Việt Nam đã tăng 40% kể từ năm 2020. Ảnh minh họa: Internet

Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết, những thách thức trong nước diễn ra song song với bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tuy nhiên, Chỉ số Niềm tin kinh doanh (BCI) của EuroCham trong quý II/2025 lại phát đi những tín hiệu khởi sắc.

Theo EuroCham, hai phần ba (66%) doanh nghiệp được khảo sát cho biết họ đang tích cực tham gia vào hoạt động thương mại EU - Việt Nam hoặc các lĩnh vực hỗ trợ chuỗi cung ứng như hậu cần, kho bãi và phân phối. Đây là minh chứng cho thấy mối liên kết thương mại ngày càng sâu sắc giữa EU và Việt Nam.

Kết quả khảo sát cũng phản ánh sự ghi nhận ngày càng rõ rệt từ phía doanh nghiệp đối với những lợi ích thiết thực mà EVFTA mang lại khi có tới 98,2% doanh nghiệp cho hay họ đã biết đến EVFTA. "Gần một nửa trong số đó báo cáo rằng, Hiệp định mang lại lợi ích từ mức trung bình đến đáng kể cho hoạt động kinh doanh của họ", ông Bruno Jaspaert, Chủ tịch EuroCham nhấn mạnh.

Dữ liệu khảo sát cũng cho biết thêm, mức độ thụ hưởng từ EVFTA có sự khác biệt tùy theo quy mô doanh nghiệp. Các doanh nghiệp lớn thường ghi nhận lợi ích nổi bật hơn, đặc biệt trong hoạt động xuất khẩu từ EU sang Việt Nam. Còn các doanh nghiệp vừa và nhỏ lại đóng vai trò tích cực hơn trong việc thúc đẩy thương mại hai chiều, đặc biệt ở chiều xuất khẩu từ Việt Nam sang EU.

Một trong những chuyển biến đáng chú ý nhất trong năm qua là tỷ lệ doanh nghiệp xác định ưu đãi thuế quan là lợi ích nổi bật của EVFTA đã tăng vọt từ 29% trong quý II/2024 lên 61% trong quý II/2025. Sự gia tăng này phản ánh hiệu quả của lộ trình cắt giảm thuế theo từng giai đoạn, cũng như mức độ tận dụng ngày càng cao các điều khoản ưu đãi của Hiệp định.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, tổng kim ngạch thương mại giữa EU và Việt Nam đã tăng 40% kể từ năm 2020. Có 21% doanh nghiệp được khảo sát cho biết có thể định lượng lợi nhuận trực tiếp từ EVFTA, mức tăng trung bình mà nhóm này ghi nhận vào lợi nhuận ròng là 8,7%. Một số doanh nghiệp báo cáo con số ấn tượng lên tới 25%.

Tuy nhiên, cũng như trong bức tranh kinh doanh tổng thể tại Việt Nam, việc khai thác trọn vẹn tiềm năng của EVFTA còn phụ thuộc vào nhiều nỗ lực phối hợp. Một trong những rào cản nổi bật hiện nay là vấn đề định giá hải quan, được 37% doanh nghiệp tham gia khảo sát xác định là trở ngại chính. Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp phản ánh rằng, sự khác biệt trong cách phân loại sản phẩm giữa cơ quan hải quan Việt Nam và EU thường xuyên dẫn đến tranh cãi về mức thuế suất và kéo theo các quy trình xử lý phức tạp, mất thời gian.

Ngoài ra, những thách thức khác như hệ thống pháp lý còn chưa rõ ràng, cũng như khoảng cách trong giao tiếp với các cơ quan chính quyền địa phương, tiếp tục cản trở việc tận dụng hiệu quả các ưu đãi trong hiệp định. Điều này phản ánh phần nào những bất cập đã được nêu trong tâm lý kinh doanh chung của cộng đồng doanh nghiệp.

Để vượt qua các rào cản này, nhiều doanh nghiệp đã kiến nghị những giải pháp cụ thể như: đơn giản hóa quy trình nhập khẩu, tăng cường ứng dụng công nghệ số và các nền tảng khai báo điện tử, cũng như cho phép cơ chế tự chứng nhận xuất xứ. Cạnh đó, 28% số doanh nghiệp mong muốn có hướng dẫn và thực thi hải quan nhất quán hơn, trong khi 22% đề xuất cần đẩy mạnh việc loại bỏ các rào cản kỹ thuật trong thương mại.

Ông Bruno Jaspaert chia sẻ, đến với dấu mốc kỷ niệm 5 năm thực thi EVFTA là một bước tiến quan trọng. Dữ liệu từ BCI cho thấy rằng một hệ sinh thái thể chế gắn kết hơn, cùng với nâng cao năng lực cả ở cấp chính quyền lẫn cộng đồng doanh nghiệp, sẽ là yếu tố then chốt để EVFTA có thể phát huy đầy đủ tiềm năng trong thời gian tới.

Ở nhiều khía cạnh, EVFTA chính là minh chứng cho những gì có thể đạt được khi cải cách đi đôi với sự gắn kết mạnh mẽ từ cộng đồng doanh nghiệp. Để phát huy trọn vẹn động lực này, Việt Nam cần tiếp tục thúc đẩy sự rõ ràng và nhất quán trong thực thi - không chỉ mở cửa tiếp cận, mà còn đảm bảo tính bền vững và tin cậy của môi trường đầu tư.

"Các doanh nghiệp châu Âu biết rõ họ cần gì: thủ tục đơn giản hóa, quy định hài hòa, quy trình cấp giấy phép lao động thuận tiện hơn, hoàn thuế và thủ tục hải quan minh bạch, cũng như tạo thuận lợi thương mại xuyên biên giới. Đây không chỉ là mong muốn chính đáng của doanh nghiệp, mà là điều kiện tiên quyết để Việt Nam thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao và bền vững", Chủ tịch EuroCham nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục