Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo Đà Nẵng: Thênh thang từ cơ chế đặc thù

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Được định vị là 1 trong 3 trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo (ĐMST) quốc gia, bên cạnh phát huy nội lực về hạ tầng công nghệ đồng bộ, chất lượng, nhân lực được đào tạo bài bản, hỗ trợ kinh phí khởi nghiệp và ĐMST, Đà Nẵng đang được Trung ương quan tâm hỗ trợ các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm từng bước phát triển cân bằng với 2 trung tâm tại Hà Nội và TP.HCM.

Đề xuất từ doanh nghiệp

Tại Tọa đàm “Xây dựng cơ chế, chính sách cho Đà Nẵng - Định hình thành phố đổi mới sáng tạo” do Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng tổ chức mới đây, ông Nguyễn Trọng Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Giải pháp Acronics hoạt động trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, an ninh, an toàn mạng, cho biết, các đơn hàng công nghệ cần giấy phép thử nghiệm và kiểm thử, nhưng hiện Đà Nẵng chưa có môi trường thử nghiệm, kiểm thử nên quá trình luân chuyển hàng hóa gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, doanh nghiệp (DN) đang rất cần cơ chế, chính sách liên quan đến công đoạn này để tiết kiệm chi phí, rút ngắn thời gian giao nhận hàng.

Nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST, ông Nguyễn Văn Chương, Quản lý chương trình Swiss Entrepreneurship Program Vietnam (Thụy Sĩ) tại Đà Nẵng cho rằng, trong lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech), ứng dụng blockchain, việc thu hút các chuyên gia công nghệ đến Đà Nẵng vẫn có một số hạn chế nhất định. “Nếu Đà Nẵng có cơ chế cho các chuyên gia của công nghệ Web 3 qua các ưu đãi về visa, điều kiện làm việc… thì hoàn toàn có thể thu hút và đưa Thành phố trở thành điểm đến của các chuyên gia. Tại một số nước như Trung Quốc, Singapore, Thụy Sĩ… đã có cơ chế sandbox và thu hút được nguồn nhân lực, chuyên gia, tạo nên các kỳ lân công nghệ”, ông Chương đề xuất và dẫn chứng.

Theo PGS.TS Trần Ngọc Ca, Trường Quản trị và Kinh doanh (Đại học Quốc gia Hà Nội), Đà Nẵng cần xác định ĐMST không chỉ là khởi nghiệp, mà tập trung nhiều hơn vào DN nhỏ và vừa. Để làm được điều đó, cần vận dụng tối đa nền tảng cơ chế, chính sách của quốc gia; nghiên cứu xây dựng và thí điểm các chính sách đặc thù, vượt trội cho địa phương, dựa vào thế mạnh riêng có để tạo chính sách riêng. Điều đáng mừng là trong năm 2024, Đà Nẵng đã dành kinh phí khoảng 4,2 tỷ đồng hỗ trợ DN nhỏ và vừa khởi nghiệp, ĐMST. Đây là nguồn vốn quý để các DN này tự tin triển khai các ý tưởng thành sản phẩm, dịch vụ cụ thể.

Tiếp sức bằng cơ chế đặc thù

Bên cạnh vốn, các chuyên gia cho rằng, cần có cơ chế thu hút khu vực ngoài nhà nước; hợp tác công - tư đa thành phần; nỗ lực trở thành một phần của hệ sinh thái quốc tế và phát triển Đà Nẵng thành đầu mối của khu vực Nam Trung Bộ cho chuyển đổi kép; kết hợp thúc đẩy kết nối vùng, liên vùng, quốc gia. “Hoạt động công nghệ và ĐMST tại Đà Nẵng tập trung phục vụ cho việc phát huy các thế mạnh khác của Thành phố như kinh tế biển, dịch vụ cảng, kho tiếp vận, logistics, đầu mối giao thông. Để làm được điều này, cần lựa chọn một số đối tác chiến lược hoặc tập đoàn đầu tư lớn để làm đầu tàu lôi kéo các nhà đầu tư khác, kể cả trong và ngoài nước”, ông Ca chia sẻ.

Theo bà Lê Thị Thục, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng, Nghị quyết số 136/2024/QH15 có 4 nhóm chính sách đặc thù về khoa học công nghệ, ĐMST mang tính đột phá, tháo gỡ nhiều điểm nghẽn, vướng mắc hiện nay. Đó là, nhóm chính sách hỗ trợ về thuế, nhóm chính sách hỗ trợ các dự án khởi nghiệp ĐMST, nhóm chính sách thử nghiệm có kiểm soát dưới hình thức cấp phép có thời hạn và nhóm chính sách liên quan đến khai thác tài sản kết cấu hạ tầng.

Liên quan đến việc sử dụng tài sản công lĩnh vực công nghệ thông tin, Bà Thục cho hay, Đà Nẵng bị vướng nên các DN, vườn ươm không sử dụng được tài sản kết cấu hạ tầng công. Nghị quyết số 136 đã cho phép Đà Nẵng được thí điểm. Trong năm 2024, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ hoàn thành tiêu chí, trình tự, thủ tục để các dự án của DN khởi nghiệp, tổ chức ươm tạo, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp được sử dụng không gian này không qua đấu giá và có một phần hỗ trợ của Nhà nước.

Tin cùng chuyên mục