Số lượng doanh nghiệp không quan trọng bằng chất lượng và hiệu quả của doanh nghiệp. Ảnh: Nhã Chi |
Không áp đặt chuyển đổi hộ kinh doanh
Theo báo cáo của UBND TP.HCM, lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (tính cả 3.062 hộ kinh doanh cá thể được chuyển đổi thành doanh nghiệp) ước cả năm 2017 chỉ đạt 41.217 doanh nghiệp. Trong khi mục tiêu mà Thành phố đặt ra trước đó là 50.000 doanh nghiệp thành lập mới trong năm nay.
Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho hay, con số có được 500.000 doanh nghiệp vào năm 2020 chỉ là mục tiêu hướng tới, không phải là chỉ tiêu từ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ 10. Bởi vậy, kỳ vọng lập mới 50.000 doanh nghiệp mỗi năm chỉ nhằm cải thiện sức cạnh tranh và nâng cao quy mô kinh tế cho TP.HCM. “Tôi đồng tình với ý kiến cho rằng việc chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp còn tùy thuộc nhu cầu của bản thân hộ kinh doanh đó, không nên áp đặt bởi việc chuyển đổi này không tạo ra một nguồn lực kinh tế nào khác, mà chỉ thay đổi hình thức đăng ký kinh doanh”, ông Phong thừa nhận.
Còn theo ông Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế TP.HCM, tất nhiên về phương diện quản lý nhà nước, TP.HCM luôn mong muốn có lượng hộ kinh doanh cá thể “nâng cấp” lên doanh nghiệp càng nhiều càng tốt. Nhưng phải xét đến bản chất là nhóm hộ cá thể này có còn dư địa, tiềm năng hay gia tốc phát triển hay không? TP.HCM nên tập trung vào các hộ kinh doanh cá thể có dư địa phát triển tốt nhất. Đồng thời phải đặc biệt chú ý đến các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo vì đây là nhóm có tiềm năng lớn.
Hiện tại, áp lực trực tiếp trong vận động hộ kinh doanh cá thể tiến lên doanh nghiệp hầu như đặt hết vào cơ quan thuế, nơi chỉ có 600 công chức tại 24 chi cục thuế quận, huyện. Do đó, ông Trần Ngọc Tâm, Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM đề xuất: “Chỉ nên tập trung vận động những hộ kinh doanh có quy mô doanh thu lớn, những hộ có nhu cầu sử dụng hóa đơn để giao dịch với các khách hàng đối tác tổ chức, vì nhóm này khi lên doanh nghiệp mới có thể mở rộng thêm thị trường, phát triển mạnh hơn nữa”.
Chất lượng hơn số lượng
TS. Trần Du Lịch, Thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đặt câu hỏi, bây giờ mỗi người có thể thành lập vài doanh nghiệp thì số lượng sẽ tăng rất nhanh, thế nhưng doanh nghiệp đó hoạt động như thế nào? "Do đó, chúng ta đừng bao giờ chạy theo số lượng kiểu kế hoạch. Quan trọng là phải tạo môi trường để doanh nghiệp tự lớn mạnh, giống như miếng đất tốt để cây tự phát triển", ông Lịch nêu quan điểm.
Điển hình, tại Nhật Bản có khoảng 4,5 triệu doanh nghiệp nhưng đến 99,7% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, những doanh nghiệp siêu nhỏ (dưới 10 lao động) thường là làm công nghệ cao. Đây là những doanh nghiệp cần thiết để phát triển.
Ở góc độ doanh nghiệp, theo ông Nguyễn Thu Phong, Chủ tịch HĐQT Công ty Nhà Vui, về mặt số học và về mặt kỹ thuật thì vẫn có thể làm được, nhưng vấn đề đặt ra ở đây là chất lượng của các doanh nghiệp. Phải định vị rõ 500.000 doanh nghiệp đó là những doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả.
Ông Nguyễn Thu Phong cũng cho rằng, niềm tin chính là yếu tố quan trọng để doanh nghiệp mở rộng đầu tư kinh doanh. Theo đó, doanh nghiệp nhìn thấy thị trường có sức hấp dẫn, đô thị này có sự tăng trưởng và người dân dám tiêu dùng thì sẽ yên tâm trong việc đầu tư mới, thành lập công ty. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phải nhìn thấy Thành phố có sức cạnh tranh, xem Thành phố như một "cánh cổng kinh tế" để kết nối với ASEAN, với quốc tế thì họ mới thiết lập các cơ sở kinh doanh tại đây. Ngoài ra, phong trào khởi nghiệp nếu được "chăm sóc" bằng những cơ chế, chính sách phù hợp thì sẽ tạo niềm tin cho thế hệ trẻ mạnh dạn đầu tư, kinh doanh.