Chiến dịch hồi hương 8 triệu lính Đồng minh sau Thế chiến II

Phe Đồng minh đã huy động 370 tàu trong chiến dịch kéo dài 18 tháng để đưa 8 triệu binh sĩ trên khắp thế giới về quê hương sau khi Thế chiến II kết thúc.
Binh sĩ hồi hương trên tàu USS Saratoga. Ảnh:War History.
Binh sĩ hồi hương trên tàu USS Saratoga. Ảnh:War History.

Sau khi Thế chiến II kết thúc, nhiệm vụ lớn nhất của quân Đồng minh là hồi hương hàng triệu binh lính dàn trải trên toàn cầu. Chiến dịch mang mật danh "Thảm ma thuật" là nỗ lực hồi hương những binh sĩ này, đòi hỏi việc lên kế hoạch không thua kém gì các trận đánh trong suốt cuộc chiến, theo War History.

Từ năm 1943, Cơ quan Vận tải chiến tranh Mỹ (WSA) đã được giao nhiệm vụ lập kế hoạch cho chiến dịch "Thảm ma thuật". Ngoài mục tiêu hồi hương khoảng 8 triệu binh sĩ phe Đồng minh nhanh nhất có thể, chiến dịch cũng nhằm mục đích đưa khoảng nửa triệu tù binh Đức và Italy trở lại châu Âu.

Tháng 12/1945, chiến dịch "Thảm ma thuật" bắt đầu với việc hồi hương quân nhân đóng tại Đông Nam Á và những vùng lãnh thổ trên Thái Bình Dương. 4 thiết giáp hạm cùng hai tàu sân bay khởi hành từ vịnh Tokyo để đón lính Mỹ thuộc Quân đoàn 10 trên đảo Okinawa.

Có tất cả 370 tàu tham gia chiến dịch, bao gồm tàu sân bay, thiết giáp hạm và khu trục hạm. Các tàu chở khách sang trọng như Queen Elizabeth và Queen Mary cũng được huy động cho nhiệm vụ chuyên chở binh lính. Chúng được biên chế từ đầu Thế chiến II, được sơn màu xám ngụy trang thay cho màu sắc sặc sỡ nguyên gốc.

Tàu khu trục và tàu sân bay được cải tiến để phù hợp với nhiệm vụ chuyển quân số lượng lớn. Đôi khi các binh sĩ bị nhồi nhét, ngủ trên những chiếc giường 5 tầng để tăng tối đa số người được trở về nhà. Đến tháng 9/1945, khoảng 2 triệu quân nhân Mỹ được cho giải ngũ, với hy vọng kịp về nhà đón Giáng sinh. Nhiệm vụ này không hề dễ dàng, liên tục bị cản trở bởi các trận bão lớn khiến tàu không thể ra khơi.

Trong 14 tháng diễn ra chiến dịch, trung bình mỗi tháng có 435.000 binh sĩ được đưa về nhà. Tàu sân bay USS Saratoga lập kỷ lục vận chuyển tổng cộng 29.204 binh sĩ, trong khi tàu sân bay HMS Glory thực hiện hành trình xa nhất, dài 9.656 km từ Manila, Philippines đến Vancouver, Canada.

Khi trở lại Mỹ, những người lính này tiếp tục gặp khó khăn trong hành trình trên đất liền. Hàng trăm nghìn binh sĩ phải ở tạm trong các trung tâm hồi hương dọc Bờ Tây trong lúc chờ quan chức xử lý giấy tờ phục viên.

Tình trạng kẹt xe xảy ra trên khắp nước Mỹ, trong khi tàu hỏa thường bị trễ từ 6-12 tiếng, đó là chưa kể việc không đủ tàu để đưa mọi quân nhân về nhà. Trong giai đoạn này, hành khách trên các chuyến tàu hỏa ở Mỹ phần lớn là binh sĩ giải ngũ.

Khu vực ngủ của các binh sĩ hồi hương trên tàu đổ bộ USS Wasp. Ảnh:Wikipedia.

Những binh sĩ không kịp trở về nhà được người dân sống gần trung tâm hồi hương giúp đỡ, mời ăn bữa cơm Giáng sinh. Những người khác đón Giáng sinh tại các trung tâm hồi hương hoặc ngay trên boong tàu tại cảng.

Hành trình về nhà của họ cũng nhận được sự hỗ trợ tối đa của người dân, khi hành khách thường nhường chỗ trên tàu cho các cựu binh. Do số binh sĩ vượt quá sức chở của tàu, tài xế xe tải và taxi địa phương đã tình nguyện đưa đón họ, dù điều này khiến chính các lái xe không kịp đón Giáng sinh bên gia đình.

Giai đoạn hồi hương binh sĩ ở châu Âu hoàn thành vào tháng 1/1946, nhưng chiến dịch hồi hương cuối cùng ở Thái Bình Dương chỉ kết thúc vào tháng 9/1946. Đây là chiến dịch quy mô lớn, được lên kế hoạch rất chu đáo và nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của người dân trong quá trình thực hiện, sử gia Elly Farely nhận định.

Tin cùng chuyên mục