Tổng thống Barack Obama và cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton (Ảnh: AFP) |
Dấu ấn của “xoay trục”
Tháng 10/2011, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Ngoại trưởng Mỹ khi đó là bà Hillary Clinton lần lượt tuyên bố chiến lược “xoay trục" sang châu Á-Thái Bình Dương “là để đảm bảo và duy trì vai trò lãnh đạo thế giới của nước Mỹ”. Những mục tiêu của kế hoạch được giới chức Mỹ mô tả là can dự về kinh tế và quan tâm thường xuyên tới các thể chế khu vực và bảo vệ các nguyên tắc và luật pháp quốc tế.
Trọng tâm của “xoay trục” là kinh tế và ngoại giao, nhưng khía cạnh quân sự được chú trọng với những động thái gây chú ý: phát triển năng lực để đối phó với sự quyết đoán ngày một tăng của Trung Quốc ở Hoa Đông và Biển Đông; và siết chặt hợp tác quân sự với các đồng minh chủ chốt trong khu vực.
Mỹ đã ký kết thỏa thuận hợp tác quốc phòng với Philippines và Australia. Mỹ cũng thúc đẩy đối thoại giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, vì lo ngại mối bất hòa giữa Tokyo và Seoul có thể làm suy yếu vị thế của Mỹ ở châu Á. Nhật Bản và Hàn Quốc đã không còn tỏ ý hoài nghi về những cam kết đảm bảo an ninh của Mỹ.
Ở Đông Nam Á, Mỹ cân nhắc các cơ hội ở 4 nước, trong đó có Indonesia, Thái Lan, Myanmar. Lãnh đạo hàng đầu của Mỹ cũng đã tập trung vào các diễn đàn đa phương và các tổ chức có tầm quan trọng ngày càng tăng tại châu Á: Diễn đàn Khu vực ASEAN, Hội nghị thượng đỉnh Đông Á…
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) từng có lúc tiến triển suôn sẻ và được xem là thành công lớn của Chính quyền Obama.
Quân sự: Thách thức từ Philippines và Thái Lan
Tái xây dựng quan hệ với cựu thù Philippines, gồm cả hỗ trợ nước này tăng cường khả năng quân sự, là một phần quan trọng trong chiến lược “xoay trục” của Mỹ.
Philippines đã trở thành nơi then chốt cho sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực. Mỹ được sử dụng cơ sở của Philippines, kể cả Vịnh Subic, vốn là căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở Đông Nam Á trước khi bị đóng cửa năm 1992. Hiệp định Tăng cường Hợp tác Quốc phòng Mỹ-Phi cho phép Washington gia tăng đáng kể sự hiện diện trong khu vực Đông Nam Á và Biển Đông.
Trong khi đó, Thái Lan và Mỹ có mối quan hệ thân thiết, được vun đúc từ thời Chiến trạnh Lạnh. Thái Lan là quốc gia trụ cột chiến lược của Mỹ trong khu vực, đóng vai trò là cửa ngõ để Mỹ tiếp cận châu Á và thường được coi là đồng minh chủ chốt ngoài NATO của Mỹ.
Thái Lan thường được ưu đãi khi nhận trợ giúp quân sự, bao gồm những khoản tín dụng rất hời để mua vũ khí. Cuộc tập trận "Hổ mang Vàng" thường niên do Mỹ tài trợ tổ chức tại Thái Lan là cuộc tập trận quan trọng nhất ở châu Á.
Nhưng dường như thái độ của hai đồng minh này đang đổi khác.
Việc ông Obama bị tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte lăng mạ và tuyên bố “ly khai” khiến quan hệ Manila-Washington như bị dội cả xô nước đá. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng Thái Lan mới chính là thất bại lớn nhất trong chiến lược “xoay trục”.
Tiếng nói của Mỹ không có sức ảnh hưởng trong 2 vụ đảo chính quân sự diễn ra trong một thời gian ngắn ở Bangkok. Trong khi đó, Trung Quốc đang ra sức lôi kéo Thái Lan một cách khôn khéo, thông qua chiến lược ngoại giao kinh tế kết hợp với văn hóa. Xu hướng này đang được thúc đẩy nhờ quá trình hội nhập kinh tế của ASEAN.
Việc Nhà vua Thái Lan Bhumibol Adulyadej qua đời hôm 13/10 dường như lại tăng thêm cấp độ thách thức cho quan hệ Mỹ - Thái, vì Nhà vua từng đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố vững chắc quan hệ song phương sau Thế chiến II.
Kinh tế: TPP bị treo dài hạn
Ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu Á hiện nay xuất phát chủ yếu từ kinh tế. Trong khi đó, Mỹ lại có vai trò khá mờ nhạt trong thúc đẩy kinh tế ở trục châu Á, với một vài hiệp định thương mại tự do ký kết với những nước thân cận như Australia, Singapore và Hàn Quốc.
Đó là lý do Mỹ thúc đẩy Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - một trong những thỏa thuận thương mại quan trọng nhất và lớn nhất cho đến nay.
TPP là thỏa thuận thương mại giữa 12 nước thuộc vành đai Thái Bình Dương, được ký kết tháng 2/2016 tại New Zealand sau rất nhiều vòng đàm phán. TPP vẫn đang chờ được Quốc hội các nước phê chuẩn và sau đó mới được thực thi. TPP được xem là thành tố quan trọng trong chính sách xoay trục sang châu Á của Mỹ.
Sau “hành trình” đầy trắc trở, hồi đầu năm nay, có vẻ như TPP sắp đi hết được chặng cuối. Nhưng trong bối cảnh Mỹ chuẩn bị có tổng thống mới không ủng hộ TPP, hiệp định này được dự báo sẽ còn rất lâu mới được thực hiện.
Nếu TPP thất bại, uy tín của Mỹ được dự báo chắc chắc sẽ bị ảnh hưởng nặng nề và “xoay trục” của Mỹ chắc chắn cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Khả năng đổi trục?
Lãnh đạo Mỹ có lẽ đã rất quyết tâm khi đưa ra chiến lược “xoay trục” sang châu Á, nhưng có lẽ cũng không tiên liệu hết những tác động của sự thay đổi tình hình kinh tế-chính trị trong nước, cùng với sự sa lầy của Mỹ tại Trung Đông, và những yếu tố phát sinh ở châu Á. Thế nên, chiến lược "xoay trục" bị đánh giá là chưa để lại nhiều dấu ấn.
Ví dụ rõ ràng ở Đông Nam Á, nơi các nước đồng minh và đối tác mong muốn Mỹ có thái độ kiên quyết hơn với vấn đề Biển Đông, thì Mỹ lại hành động như một nhà kiến tạo hòa bình. Và nữa, điều mà ông Obama gọi là “tiềm năng khổng lồ” cho nước Mỹ tại châu Á hầu như vẫn chưa thấy bóng dáng, trong khi Trung Đông vẫn chiếm phần lớn tâm trí của Washington.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến phân tích cho rằng Washington dự kiến sẽ không thay đổi chính sách đối với châu Á, do không thể phớt lờ tầm quan trọng mang tính chiến lược của khu vực này.
Trước các biến động gần đây trong khu vực thách thức ảnh hưởng của Mỹ, các quan chức Mỹ liên tục lên tiếng khẳng định sẽ không có chuyện rút lại chiến lược này, cho dù là ai trở thành người chủ Nhà Trắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng này.