Tổng thống đắc cử Donald Trump (Ảnh: Reddit) |
Trong 8 năm tại vị, Tổng thống sắp Barack Obama đã nỗ lực triển khai chiến lược “xoay trục” để làm đối trọng với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở châu Á - Thái Bình Dương. Ngoài những chính sách tăng cường quan hệ an ninh với các đồng minh, thì kinh tế - mà trụ cột là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - là trụ cột của “xoay trục”.
Sau ngày 8/11, hai đồng minh an ninh lớn nhất của Mỹ là Nhật Bản, Hàn Quốc băn khoăn liệu có còn được Washington bảo vệ tới mức mà họ mong chờ hay không? Nhiều nước khác lo lắng về số phận của TPP? Chính sách của chính quyền mới với an ninh hàng hải sẽ như thế nào?
Trung Quốc
Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã ám chỉ một chính sách mạnh mẽ hơn đối với Trung Quốc, cáo buộc Bắc Kinh "ăn cắp" nền kinh tế Mỹ và đe dọa áp thuế quan lớn với nhập khẩu của Trung Quốc.
Nhưng bà Bonnie Glaser, Giám đốc Dự án điện Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) ở Washington, cho rằng về chiến lược với khu vực này, ông Trump đã để lộ ít đến mức mà mọi suy đoán về những gì có thể xảy ra là gần như vô nghĩa.
Nhiều chuyên gia Trung Quốc tin rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc “tương đối thoải mái” khi tiếp nhận tin chiến thắng của ông Trump. “Vì ông Trump là người có thể đàm phán được, do là một doanh nhân, người có thể đạt được thỏa thuận trong một số vấn đề", bà Glaser nói.
Trong khi đó, John Delury, tác giả của cuốn sách nghiên cứu về Trung Quốc, cho rằng ông Trump cũng có khả năng "bỏ rơi" TPP. "Đó là điều tốt cho Trung Quốc", ông nói. Nhưng ông bác bỏ ý kiến cho rằng chiến thắng của ông Trump có nghĩa là Mỹ để mặc mọi việc xảy ra ở châu Á. "Mỹ sẽ không rút khỏi châu Á. Vậy thì ông Trump sẽ không nhượng bộ nơi nào? Và ông sẽ thỏa hiệp ở nơi nào? Tôi thực sự không biết".
Nhật Bản - Hàn Quốc
Ông Trump từng khiến Tokyo sửng sốt với tuyên ý sẵn sàng làm thay đổi mạnh mẽ mối gắn kết an ninh mà hai nước cùng nhau xây dựng trong hơn 60 năm qua. Nhưng có lẽ đáng báo động nhất là đề nghị của ông rằng Nhật Bản và Hàn Quốc nên chấm dứt sự phụ thuộc của họ vào chiếc ô hạt nhân của Mỹ và phát triển răn đe hạt nhân của riêng mình.
Trong bài phát biểu công khai khi tranh cử, ông Trump từng ngụ ý sách lược “nước Mỹ là số 1” của ông có thể có nghĩa là rút 47.000 quân Mỹ khỏi Nhật Bản và 28.500 quân được triển khai ở Hàn Quốc.
Đáp lại tuyên bố của Trump, một số nhà phân tích đã chỉ ra rằng cả Hàn Quốc và Nhật Bản đóng góp khoản tiền rất lớn để duy trì sự hiện diện quân sự của Mỹ tại nước họ. Tokyo đóng góp 192 tỷ yên (1,84 tỷ USD) một năm, trong khi Hàn Quốc đóng góp 850 triệu USD một năm. Trong khi đó, Hàn Quốc là nơi triển khai hệ thống lá chắn tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) nhằm đối phó với mối đe dọa từ Triều Tiên.
Lãnh đạo nhóm nghị sĩ thuộc đảng cầm quyền tại Hàn Quốc, ông Chung Jin-suk, nhận định sắp tới sẽ có những thay đổi lớn trong bối cảnh an ninh khu vực.
Tuy nhiên, theo nhà phân tích chính trị Alexander Gray, giảng viên Đại học California, cam kết của Mỹ với các đồng minh châu Á - nền tảng cơ sở cho ổng định khu vực - chắc sẽ không có gì thay đổi. Bằng chứng là hãng thông tấn Yonhap cho biết ngay sau khi dành chiến thắng, ông Trump đã điện đàm với Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye để tái khẳng định cam kết an ninh của nước này với Hàn Quốc.
Philippines và Đông Nam Á
Tổng thống Barack Obama đã coi trọng quan hệ với nhiều nước ở Đông Nam Á, trong đó có Malaysia, Philippines, Indonesia và Việt Nam. Nhưng hiện nay, giống các đồng minh của Mỹ, các nước Đông Nam Á cũng chưa thể dự đoán được điều gì.
Ngay cả trước khi kết quả bầu cử ngã ngũ, đại biện lâm thời Mỹ tại Manila là Michael Klecheski đã cố gắng trấn an Philippines rằng mối quan hệ sẽ tiếp tục. Tương tự, ở Thái Lan, Đại sứ Mỹ Glyn Davies cũng đã cố gắng nói lên sức mạnh của mối quan hệ song phương.
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha cũng đồng thời cho biết Bangkok sẽ có một số điều chỉnh trong chính sách đối ngoại để phù hợp với các thay đổi của tình hình.
Ông Trump có một số đồng minh trong khu vực, hoặc ít nhất là những người hâm mộ. Nhưng có lẽ ông ít được yêu thích hơn ở các khu vực đa số người Hồi giáo sinh sống, như tại Malaysia và Indonesia. Lý do là ông từng khiến dư luận tức giận khi công bố kế hoạch cấm người Hồi giáo vào Mỹ.
Ấn Độ và Nam Á
Bà Neelam Deo, giám đốc chính sách đối ngoại của tổ chức nghiên cứu Gateway House, cho rằng chiến thắng của ông Trump có thể gây ra lo ngại kinh tế về ngắn hạn, nhưng có thể mang lại lợi ích ngoại giao về dài hạn cho Ấn Độ.
Ông Trump tuyên bố sẽ là “người bạn tốt nhất” với Ấn Độ và phát đi thông điệp bằng tiếng Hindi rằng “Lần này, chính phủ Trump” - phỏng theo khẩu hiệu tranh cử của ông Modi năm 2014. Nhưng vẫn chưa rõ những tuyên bố này có được hiểu là chính sách ngoại giao có lợi cho Ấn Độ hay không.
Trong khi đó, với các nước khác ở Nam Á, trang Diplomat phân tích: “Ông Trump không hào hứng với các mối quan hệ đồng minh nên có khả năng sẽ lựa chọn đặt Pakistan ra bên lề. Những cam kết của Mỹ đối với cuộc chiến của Afghanistan chống Taliban có thể sẽ kết thúc, Afghanistan sẽ phải tự bảo vệ chính mình”.
Nhìn nhận toàn cảnh châu Á, Nick Bisley, chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học La Trobe ở Melbourne (Australia) nói: "Có cảm giác rằng chiến thắng của ông Trump sẽ mang đến sự thay đổi lớn, rằng đã đến lúc kết thúc trật tự cũ và chúng ta không chắc chắn điều gì sắp diễn ra. Điều này đặc biệt đúng ở châu Á vì đây nơi có thể thấy ảnh hưởng của Mỹ bị thách thức rõ ràng nhất, cả về chính trị và kinh tế, bởi một Trung Quốc đang lên”.