Chiến tranh thương mại phủ bóng hội nghị G20

Căng thẳng thương mại toàn cầu có thể leo thang khi bộ trưởng tài chính các nước G20 họp tại Argentina hôm nay và ngày mai.
Ông Trump muốn bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước. Ảnh:AFP
Ông Trump muốn bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước. Ảnh:AFP

Việc chính quyền Tổng thống Mỹ - Donald Trump tăng cường bảo hộ thương mại sẽ phủ bóng lên các cuộc thảo luận tuần này giữa các nền kinh tế mới nổi và phát triển lớn nhất thế giới. Đầu tháng này, ông Trump đã áp thuế 25% lên thép nhập khẩu và 10% lên nhôm nhập khẩu. Ông cũng đang cân nhắc thêm các biện pháp nhằm vào nhiều mặt hàng Trung Quốc, cũng như hạn chế việc Trung Quốc đầu tư vào Mỹ.

“Đây là thời điểm rất quan trọng với G20 và cả thế giới”, Edward Alden - lãnh đạo cấp cao tại Council on Foreign Relations cho biết, “Mỹ đang ép buộc thay đổi về quan hệ thương mại với thế giới và mỗi quốc gia trong G20 phải quyết định sẽ phản ứng với nó như thế nào”.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ - Steven Mnuchin sẽ là đại diện của chính quyền ông Trump tại hội nghị lần này. Đến nay, ông vẫn bảo vệ kế hoạch thuế nhập khẩu của Mỹ và xem nhẹ những lời đe dọa trả đũa từ các nước khác.

“Mục tiêu của chúng tôi không phải là chiến tranh thương mại, nhưng chúng tôi sẽ bảo vệ lợi ích của Mỹ”, Mnuchin cho biết đầu tháng này. Ông khẳng định thuế này sẽ tạo ra “sự cân bằng đúng đắn”. Ông được kỳ vọng gặp gỡ một số đối tác bên lề cuộc họp 2 ngày của G20, gồm Hàn Quốc, Pháp, Saudi Arabia, Canada, Australia và Anh.

Các đối tác thương mại quan trọng của Mỹ, như Liên minh châu Âu, đã đe dọa trả đũa nếu Mỹ tiếp tục áp dụng thuế nhập khẩu nhôm và thép. EU đã công bố danh sách hàng trăm mặt hàng của Mỹ có thể là mục tiêu, như xì gà, bột ngô, son.

Mỹ vẫn để ngỏ cánh cửa cho các nước khác đàm phán dỡ bỏ thuế này. Đến nay, chỉ Canada và Mexico được miễn trừ. Thuế này dự kiến có hiệu lực từ 23/3.

Các chuyên gia chính sách ngoại giao và ngoại thương coi đây là đòn bẩy của Mỹ nhằm tăng sức ép lên các đồng minh để giải quyết vấn đề với Trung Quốc. “Nếu chỉ là việc liên quan đến nhôm và thép, họ còn nhiều cơ chế khác”, Edwin Truman, chuyên gia tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson nhận xét.

Một số quan chức G20, trong đó có Bộ trưởng Tài chính Anh và Đức, cho biết G20 sẽ nhấn mạnh “vai trò quan trọng của hệ thống giao thương toàn cầu dựa trên các quy tắc”. Reuters cũng cho biết theo bản thảo thông cáo chung rò rỉ của G20, “Chúng tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của các hiệp định đa phương, song phương và khu vực. Chúng cần cần phải cởi mở, minh bạch, bao trùm và theo quy tắc của WTO”.

Tin cùng chuyên mục