Trong khó khăn, các doanh nghiệp cần có sự thay đổi linh hoạt trong chiến lược sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Đinh Quang Tuấn |
Trong chuyên đề đặc biệt này, Báo Đấu thầu trân trọng chia sẻ với quý độc giả các gợi ý của chuyên gia, những cách làm, lối tư duy và chiến lược hành động để vượt qua khó khăn của DN trong nước.
Phải từ bỏ các thói quen và cách thức vận hành cũ
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA)
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường bất động sản rơi vào tình trạng trầm lắng từ đầu năm đến nay. Nguồn cung, giao dịch giảm mạnh kéo theo các hoạt động mở bán dự án gần như tạm dừng, nhiều sàn giao dịch đã phải đóng cửa. Tuy khó khăn chồng chất, nhưng những DN qua được thử thách này chắc chắn sẽ mạnh mẽ và bản lĩnh hơn rất nhiều.
Đây chính là lúc các DN bất động sản phải tái cơ cấu, tinh gọn bộ máy, chuyển hướng phát triển bền vững. Tức là phải thay đổi tư duy, từ bỏ các thói quen, cách thức vận hành cũ. Trong đợt khủng hoảng do Covid-19 vừa rồi, nhu cầu về nhà ở có giá vừa túi tiền vẫn cao, nên các chủ đầu tư cần chú trọng phân khúc này để cân bằng nguồn cung và cầu. Hiện nay, nhiều DN đã vạch sẵn lộ trình để trở lại cuộc chơi ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Và lần này, các DN sẽ đưa ra nhiều kịch bản khác nhau để ứng phó với các cung bậc của thị trường, bất kể là tốt hay xấu.
Hành động thay vì ngồi chờ
Bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giầy - Túi xách Việt Nam (LEFASO)
Ngành da giày - túi xách là một trong những ngành hàng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19, bởi có tới 90% doanh nghiệp phụ thuộc vào xuất khẩu. Đơn hàng xuất khẩu bị đóng băng, việc làm bị thu hẹp, nên nhiều DN đang phải bù lỗ, cố gắng cầm cự để duy trì việc làm và giữ chân người lao động.
Các DN thay vì ngồi chờ đơn hàng xuất khẩu có thể tìm kiếm, thúc đẩy thị trường tiêu thụ nội địa, mở rộng kênh bán hàng trực tuyến (online), lên mẫu và xây dựng kế hoạch chuẩn bị vật tư nguyên liệu để có thể kịp thời cung ứng khi có đơn hàng. Song song đó, tiếp tục tìm kiếm thị trường nước ngoài, nhất là những thị trường nhỏ lẻ không chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đồng thời tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài, liên doanh, liên kết để bù đắp phần sụt giảm doanh thu. Trong khó khăn, các DN trong ngành hàng càng cần có sự kết nối mạnh mẽ hơn.
Để hỗ trợ cho các DN gặp khó khăn, Nhà nước đã có một số gói chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên, để các DN có thể tiếp cận được, Nhà nước cần cải thiện các điều kiện theo hướng đơn giản, thuận lợi hơn. Mặt khác, nên kéo dài thời gian giãn, hoãn nợ, thuế, bảo hiểm xã hội đến hết năm 2021. Giả sử đến đầu năm 2021, dịch bệnh được kiểm soát, DN có đơn hàng xuất khẩu thì cũng cần từ 3 - 6 tháng để chuẩn bị. Đó là với khách hàng truyền thống. Còn đối với khách hàng mới, DN cần phải có thời gian lâu hơn để phục hồi sản xuất, chuẩn bị đơn hàng.
Dịch bệnh diễn biến phức tạp và khó lường khiến DN gặp nhiều khó khăn và bị động về thị trường, Nhà nước cũng nên có chính sách khuyến khích tiêu dùng trong nước, thu hút đầu tư nước ngoài và thúc đẩy các thương vụ tìm kiếm thị trường nước ngoài thay thế khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Duy trì bộ máy cốt lõi và tạo niềm tin cho khách hàng
Ông Lê Gia Quốc - Phó Giám đốc Công ty CP Xây dựng và Sinh thái thủy lợi
Trong bối cảnh diễn biến khó lường của dịch Covid-19, DN cần xây dựng một chiến lược kinh doanh linh hoạt, tập trung đầu tư vào những lĩnh vực vốn là thế mạnh cốt lõi, tạo niềm tin với khách hàng để cùng nhau vượt qua khó khăn. Điều quan trọng là trong khó khăn, DN phải duy trì được hoạt động của bộ máy, nhân sự và máy móc chủ chốt để đảm bảo sự liên tục trong cung cấp các dịch vụ cho khách hàng, chờ thời cơ dịch bệnh được đẩy lùi để vực dậy và mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Trong bối cảnh khó khăn này, DN không nên đầu tư tràn lan, nới rộng phạm vi đầu tư ra nhiều ngành, nghề, lĩnh vực và địa bàn hoạt động sản xuất kinh doanh vì nhiều rủi ro. Nếu không đầu tư vào những lĩnh vực có thế mạnh, DN sẽ khó trụ vững và vượt qua khó khăn. Bên cạnh đó, DN nên tìm cách tiếp cận và tận dụng các nguồn vốn hỗ trợ, kích cầu của Nhà nước để củng cố thêm sức mạnh, tạo đà vượt qua khó khăn, chờ thời cơ phát triển.
Doanh nghiệp và Nhà nước cần kết nối và chia sẻ để vượt khó
Ông Nguyễn Trung Châu - Giám đốc Công ty TNHH Phú Châu
Là nhà thầu cung cấp cửa gỗ cho các dự án chung cư, hoạt động kinh doanh của chúng tôi cũng gắn liền với sự thịnh - suy của thị trường bất động sản. Trong bối cảnh ảnh hưởng sâu rộng của Covid-19, thị trường bất động sản gặp không ít khó khăn đã tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của các nhà thầu phụ cung cấp nội thất như chúng tôi. Đặc biệt, vấn đề thanh toán và tạm ứng chậm gây ảnh hưởng đến thanh khoản của Công ty, tăng áp lực tài chính khi Công ty phải thực hiện thanh toán các khoản nợ cho ngân hàng.
DN luôn phải tính đến những trường hợp xấu như nhu cầu thị trường giảm, khách hàng chậm thanh toán, cách ly xã hội khiến công trình bị dừng triển khai..., từ đó có những biện pháp giảm thiểu thiệt hại, giúp duy trì hoạt động và việc làm của công nhân.
Nỗ lực vượt khó không chỉ từ bản thân DN mà cũng cần sự hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước trong việc cho vay sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh thủ tục giải ngân đối với những DN đang gặp khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi về môi trường sản xuất kinh doanh, giảm thuế... Ngoài ra, sự kết nối, chia sẻ giữa các nhà tạo lập chính sách và cộng đồng DN là điều cần thiết để vượt qua khó khăn, thách thức.
Lập quỹ tích lũy dự phòng để duy trì hoạt động của bộ máy doanh nghiệp
Ông Trần Ngọc Việt - Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Xây dựng và Thương mại Đức Phú
Trong bối cảnh khó khăn này, DN chúng tôi đã chủ động rà soát lại khối lượng công việc, chiến lược và mục tiêu kinh doanh để điều chỉnh và bố trí nhân sự cho phù hợp, tiết kiệm tối đa chi phí quản lý, duy trì bộ máy hoạt động tinh gọn và hiệu quả.
Chúng tôi xác định tập trung chăm sóc tốt nhất những khách hàng hiện có, nâng cao chất lượng dịch vụ để làm hài lòng các đối tác, khách hàng, cùng nhau chia sẻ và vượt qua khó khăn.
Trong bối cảnh dịch bệnh có thể kéo dài và ảnh hưởng khó lường, việc có một quỹ dự phòng để đảm bảo ổn định tài chính là điều hết sức cần thiết đối với sự sống còn của mỗi DN. Vì vậy, các DN cần sớm lập quỹ dự phòng trong khả năng của mình từ nhiều nguồn khác nhau để đảm bảo duy trì hoạt động của bộ máy nhân sự trong giai đoạn khó khăn sắp tới, chờ đợi thời cơ để quay trở lại quỹ đạo phát triển sản xuất - kinh doanh khi dịch Covid-19 được kiểm soát.
Tập trung vào sản phẩm cốt lõi để tìm vận hội mới
Ông Nguyễn Văn Điềm - Tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Phát triển đô thị mới Thủ Thiêm
Thời gian qua, để duy trì hoạt động, Công ty đã mạnh mẽ tái cơ cấu. Trong đó, sản phẩm kinh doanh đã được cơ cấu lại toàn bộ, dựa trên phương châm “ít nhưng mà chất”, tức chỉ tập trung vào sản phẩm cốt lõi ở phân khúc trung bình khá. Riêng với nguồn nhân lực, chúng tôi đã cơ cấu, tinh gọn bộ máy hoạt động, không phát triển “phình to” về hệ thống. Chủ trương của Công ty là tận dụng mối liên kết với các DN có cùng quy mô và kinh doanh cùng thị trường, sản phẩm.
Công ty cũng tập trung vào công tác huấn luyện, đào tạo chuyên sâu đội ngũ cán bộ nhân viên. Sự chuẩn bị kỹ lưỡng này chính là nền tảng vững chắc để Công ty đẩy mạnh sản xuất kinh doanh khi thị trường hồi phục. Từ năm 2018, Công ty đã chuyển hướng sang mô hình đầu tư phát triển dự án bất động sản thông qua các hình thức mua bán và sáp nhập (M&A); liên doanh, liên kết đầu tư vào các dự án mà Công ty có thế mạnh về đầu ra, từ cơ cấu sản phẩm đến phân khúc, phân vùng khách hàng mục tiêu, tối ưu hoá dòng tiền của cả khách hàng đầu tư và an cư. Chúng tôi sẽ phát triển hệ thống kinh doanh bền vững để tạo đà chuyển đổi mô hình từ DN kinh doanh thuần tuý sang DN đầu tư phát triển dự án bất động sản.
Sử dụng công nghệ thi công tối ưu để nâng cao năng suất lao động
Ông Trần Nhật Thành - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Tập đoàn Xây dựng Delta
Thời gian qua, hơn 40 dự án của Tập đoàn Xây dựng Delta đều bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Những dự án mà Delta đang thực hiện tại Đà Nẵng đã phải tạm ngừng, sản lượng giảm sút khoảng 50 tỷ đồng/tháng. Các dự án còn lại mặc dù vẫn hoạt động bình thường nhưng tình trạng thanh toán bị ảnh hưởng đáng kể. Tới thời điểm hiện tại, Delta đạt được 40% mục tiêu sản lượng năm 2020, chỉ bằng 80% so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, nhiều chi phí vẫn phát sinh, ảnh hưởng tới lợi nhuận của DN.
Trong bối cảnh đó, Delta vẫn duy trì mức thu nhập ổn định cho cán bộ nhân viên và có một số thay đổi trong chiến lược kinh doanh để duy trì hoạt động sản xuất. Cụ thể, Delta đã chủ động mở rộng thị trường, tìm đối tác mới, ưu tiên những dự án có tính thanh khoản cao, tập trung vào công tác thu hồi công nợ… Tại công trường, Delta chỉ đạo thực hiện các giải pháp duy trì hoạt động sản xuất mà vẫn bảo đảm tuân thủ các quy định an toàn trong phòng chống dịch. Công trường sử dụng công nghệ thi công tối ưu năng suất để có thể bố trí số lượng cán bộ, công nhân phù hợp, nâng cao năng suất lao động.
Triển vọng của ngành xây dựng trong nửa cuối năm 2020 và năm 2021 sẽ phụ thuộc nhiều vào việc kiểm soát dịch Covid-19 cũng như khả năng phục hồi kinh tế. Trong mỗi giai đoạn, Delta sẽ có những thay đổi phù hợp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh để duy trì và phát triển DN.
Cắt giảm chi phí nhưng không quên đầu tư cho tương lai
Ông Phạm Minh Tuấn - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Liên doanh Galatex Việt Nam
Để ứng phó với khủng hoảng trong và sau Covid-19, một trong các giải pháp mà Công ty lựa chọn để đảm bảo sinh tồn và kinh doanh liên tục là cắt giảm chi phí đối với những hạng mục ít quan trọng. Bên cạnh đó, Công ty cũng tích cực quảng bá thương hiệu, hình ảnh sản phẩm, dịch vụ trên mạng xã hội.
Trong bối cảnh nền kinh tế đang dần thích nghi với trạng thái “bình thường mới”, sơn Galatex theo đuổi chiến lược cắt giảm chi phí mà không gây ảnh hưởng tới DN, đồng thời chuyển hướng đầu tư vào các nhân tố giúp tăng trưởng. Công ty cũng rất tích cực khai thác thị trường, tìm kiếm đối tác, khách hàng sâu hơn, rộng hơn. Đồng thời xây dựng các chương trình khuyến mãi hấp dẫn để thúc đẩy đầu ra cho sản phẩm, tích cực cải thiện chất lượng, hình thức, mẫu mã sản phẩm và chất lượng dịch vụ.
Đây cũng là thời điểm Công ty tìm kiếm nguồn nguyên vật liệu tương đương để thay thế khi khan hiếm hoặc gặp khó khăn trong vấn đề nhập khẩu.