Chính phủ công bố hàng loạt chỉ tiêu lớn cho 2016

Chính phủ yêu cầu sử dụng nguồn tăng thu năm 2015 để ưu tiên trả nợ của các cấp ngân sách...
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp trực tuyến cuối năm của Chính phủ với các địa phương, sáng 28/12.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp trực tuyến cuối năm của Chính phủ với các địa phương, sáng 28/12.

“Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2015, chú trọng cải thiện chất lượng tăng trưởng, bảo đảm phát triển bền vững. Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền... với GDP tăng trưởng 6,7%”.

Đó là mục tiêu được đưa ra trong dự thảo nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016, được Chính phủ đưa ra tại phiên họp trực tuyến với các địa phương sáng 28/12.

Bên cạnh những mục tiêu tổng quan trên, Chính phủ cũng đề ra một số chỉ tiêu cụ thể, bao gồm: tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu dưới 5%; tốc độ tăng giá tiêu dùng dưới 5%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 31% GDP; tỷ suất tiêu hao năng lượng trên một đơn vị GDP giảm 1,5%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1,3-1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo là 53%.

Như vậy, nếu so với các chỉ tiêu và kết quả đạt được của năm nay, có thể thấy rằng, những mục tiêu tổng quát và cụ thể của Chính phủ đề ra cho năm 2015 là cao hơn năm 2015.

Ngoài ra, Chính phủ cũng mong muốn số giường bệnh trên một vạn dân là 24,5; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế là 76%; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường là 85%; tỷ lệ che phủ rừng là 41%.

Để hoàn thành cao nhất các mục tiêu trên, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị, cá nhân liên quan nỗ lực tổ chức thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trên tất cả các lĩnh vực; tiếp tục triển khai quyết liệt, có hiệu quả các đột phá chiến lược, các chương trình, đề án, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách…

Cùng với đó, Chính phủ yêu cầu một số bộ ngành có giải pháp cụ thể, trong đó yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phải điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, ổn định kinh tế vĩ mô và góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý.

Sử dụng đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ và các công cụ, biện pháp khác để hỗ trợ ổn định thị trường ngoại tệ, điều hành tỷ giá hợp lý, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính - tiền tệ trong và ngoài nước. Điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, thị trường tiền tệ. Tăng trưởng dư nợ tín dụng phù hợp, gắn với nâng cao chất lượng tín dụng.

Tiếp tục có các biện pháp phù hợp nhằm huy động các nguồn lực vàng, ngoại tệ phục vụ phát triển nền kinh tế; tăng cường kiểm soát việc sử dụng ngoại tệ và vàng trong lãnh thổ; tiếp tục cải thiện quy mô dự trữ ngoại hối nhà nước phù hợp với điều kiện thực tế; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.

Theo dõi sát diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế để chủ động có các giải pháp phù hợp nhằm hạn chế tối đa tác động tiêu cực của hội nhập kinh tế quốc tế đến thị trường tiền tệ, ngoại hối trong nước.

Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài chính thực hiện chính sách tài khoá chặt chẽ, phối hợp với chính sách tiền tệ để hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Sử dụng nguồn tăng thu năm 2015 để ưu tiên trả nợ của các cấp ngân sách, bổ sung nguồn chi đầu tư phát triển và thực hiện một số khoản chi theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính phải theo dõi các diễn biến và chủ động tính toán các phương án bảo đảm nguồn thu và cân đối ngân sách năm 2016 trong trường hợp giá dầu có biến động lớn so với giá dự toán.

Đáng chú ý, phải  kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia bảo đảm trong giới hạn theo Nghị quyết của Quốc hội. Quản lý chặt Quỹ tích lũy trả nợ; tăng cường kiểm tra, giám sát việc vay, sử dụng vốn vay và trả nợ, nhất là các khoản vay mới, vay có bảo lãnh của Chính phủ; tập trung cấp bảo lãnh và quản lý bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay để đầu tư các dự án, công trình trọng điểm; đồng thời nghiên cứu chuyển dần sang kênh bảo lãnh của các ngân hàng thương mại; tiếp tục cơ cấu lại các khoản vay theo hướng tăng tỷ trọng vay trung, dài hạn; ban hành và triển khai thực hiện cơ chế cho vay lại chính quyền địa phương.

Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ bán phần vốn nhà nước trong các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ theo cơ chế thị trường, để bổ sung vốn cho đầu tư phát triển.