Chính phủ điện tử - Cuộc cải tổ không thể tránh khỏi

(BĐT) - Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra những thay đổi mạnh mẽ tại nhiều lĩnh vực, các chính phủ cũng không đứng ngoài làn sóng nâng cấp, cải thiện lĩnh vực công thông qua áp dụng tiến bộ công nghệ. 
Chính phủ điện tử - Cuộc cải tổ không thể tránh khỏi

Trong đó, nổi bật nhất là việc ứng dụng Blockchain vào các cơ sở dữ liệu và điện tử hóa các quy trình, thủ tục quản lý nhà nước.

Xu hướng ứng dụng Blockchain tại lĩnh vực công

Blockchain (chuỗi khối) là một cơ sở dữ liệu phân cấp lưu trữ thông tin trong các khối thông tin được liên kết với nhau bằng mã hóa và mở rộng theo thời gian. Mỗi khối thông tin đều chứa thông tin về thời gian khởi tạo và được liên kết tới khối trước đó, kèm một mã thời gian và dữ liệu giao dịch.

Vì mọi hồ sơ (hay mọi bản ghi) đều được mã hóa và gán dấu thời gian (time-stamp), cùng với đó là người dùng chỉ có thể truy cập và sửa khối mà họ “sở hữu” thông qua khóa riêng tư, nên nó rất an toàn. Thông tin trong Blockchain không thể bị thay đổi và chỉ được bổ sung khi có sự đồng thuận của tất cả các nút trong hệ thống. Nó là một hệ thống không dễ dàng sụp đổ, vì ngay cả khi một phần mạng lưới tê liệt thì các nút khác vẫn sẽ tiếp tục hoạt động để bảo vệ thông tin.

Mỗi khối được liên kết với một khối trước và sau đó, và bất cứ khi nào thay đổi được thực hiện, toàn bộ chuỗi sẽ được cập nhật lại. Blockchain giúp bảo mật và hợp lý hóa các giao dịch một cách hiệu quả mà không yêu cầu các bên trung gian quản lý quá trình. Vì vậy Blockchain phù hợp để ghi lại những sự kiện, hồ sơ y tế, xử lý giao dịch, công chứng, danh tính và chứng minh nguồn gốc. Việc này có tiềm năng giúp xóa bỏ các hậu quả lớn khi dữ liệu bị thay đổi trong bối cảnh thương mại toàn cầu.

Sự xuất hiện của Blockchain cũng như các cột mốc khi máy tính cá nhân hoặc Internet ra đời, hệ thống này sẽ thay đổi cách mà chúng ta hiểu biết và nhìn nhận xã hội. Với những lợi ích về tính an toàn, hiệu quả và tốc độ, Blockchain đã nhanh chóng được chính quyền nhiều quốc gia áp dụng vào bộ máy quản trị, lĩnh vực công và xu hướng này đang mở rộng trên toàn cầu. 

Dubai

Lãnh đạo Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất có rất nhiều ước mơ lớn cho quốc gia này trong tương lai, từ taxi biết bay, phương tiện tự lái cho tới cảnh sát robot phiên bản thực. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi chính quyền Dubai, thủ đô Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất hiện có một cơ quan riêng biệt phụ trách việc ứng dụng và thực thi các tiến bộ khoa học công nghệ vào việc quản lý lĩnh vực công và các dự án của Thành phố.

Chính quyền Dubai đặt kỳ vọng sẽ trở thành bộ máy nhà nước đầu tiên áp dụng toàn bộ công nghệ Blockchain vào các hoạt động cho tới năm 2020. Cụ thể, dùng Blockchain làm công cụ đòn bẩy tạo nên hiệu quả cao hơn trong việc cung cấp giấy phép, thanh toán hóa đơn và chấp thuận visa.

Hiện tại, Dubai là điểm đến đầy hấp dẫn của hàng triệu du khách mỗi năm. Quá trình quản lý hồ sơ, sổ sách nhập cảnh ước tính tiêu tốn hàng trăm triệu giờ làm việc, với khoảng 100 triệu tập hồ sơ mỗi năm. Với công nghệ Blockchain, Dubai dự tính sẽ khiến công việc này trở nên hiệu quả, nhanh chóng, tiết kiệm hơn nhiều. Thực tế, theo tính toán của Dự án SmartDubai, việc nhập cảnh không giấy tờ với sự trợ giúp của công nghệ Blockchain đã giúp Dubai tiết kiệm được 1,5 tỷ USD/năm. 

Estonia

Estonia, quốc gia nhỏ tại vùng biển Baltic, nằm giữa Nga và Latvia, là một trong những nước đầu tiên trên thế giới ứng dụng công nghệ Blockchain tại lĩnh vực công. Kể từ năm 2008, Chính phủ Estonia đã có nhiều hoạt động nhằm đưa vào sử dụng và mở rộng hơn nữa các ứng dụng Blockchain trong việc quản lý, điều hành hoạt động của quốc gia. Từ năm 2012, các ứng dụng Blockchain chính thức được sử dụng trong nhiều hoạt động của Chính phủ.

Theo đó, lĩnh vực đầu tiên áp dụng là việc thu thập cơ sở dữ liệu của chính quyền, bao gồm các lĩnh vực an ninh, đăng ký, chăm sóc sức khỏe và tòa án. Chính phủ Estonia cũng tạo lập ID-Kaarts, một hệ thống quản lý danh tính dựa vào công nghệ Blockchain, giúp giảm thiểu tính quan liêu trong hệ thống công chức, cải thiện chất lượng dịch vụ công, đồng thời tiết kiệm thời gian, công sức cho người dân.

Đây là quốc gia đầu tiên có chương trình đăng ký điện tử, giúp công dân có thể tự đăng ký và công chứng giấy tờ kết hôn, hợp đồng, khai sinh… với sự trợ giúp của Blockchain. 

Mỹ

Ở cấp bang, mới đây, bang Illinois ra mắt phiên bản thử nghiệm của hệ thống đăng ký khai sinh và căn cước công dân dựa trên công nghệ Blockchain. Mục đích của dự án này là nhằm cá nhân hóa và nâng cao mức độ bảo mật thông tin cá nhân trong hệ thống. Đây là kết quả của sự hợp tác giữa Evernym (công ty công nghệ có trụ sở tại Utah) và chính quyền bang Illinois.

Ở cấp độ quốc gia, hiện tại, chính quyền liên bang Mỹ đang thể hiện mối quan tâm lớn nhất đối với lĩnh vực an ninh quốc gia. Theo đó, Lầu Năm góc đang có nhiều động thái cho thấy quá trình ứng dụng Blockchain vào công tác an ninh, trong đó có việc dùng công nghệ này để gửi và nhận thông tin điện tử nhằm tránh mối đe dọa bị tấn công hoặc ngăn chặn. 

Chính phủ 4.0

Chính phủ Estonia cũng tạo lập ID-Kaarts, một hệ thống quản lý danh tính dựa vào công nghệ Blockchain, giúp giảm thiểu tính quan liêu trong hệ thống công chức, cải thiện chất lượng dịch vụ công, đồng thời tiết kiệm thời gian, công sức cho người dân.
Hiện tại, chính phủ của các quốc gia châu Âu đang trong quá trình thử nghiệm việc quản trị, điều hành với nhiều giải pháp công nghệ mới mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại. Trong đó, một số quốc gia đã có những bước tiến nổi trội trong việc xây dựng chính phủ 4.0. 

Áo

Accenture PLC, công ty tư vấn công nghệ hàng đầu thế giới đánh giá, Áo là quốc gia có dịch vụ chính quyền điện tử tốt nhất tại EU. Nhận định này được đưa ra dựa trên việc ngày càng có nhiều công dân Áo được hưởng lợi khi tiết kiệm thời gian, chi phí trong việc đăng ký giấy khai sinh và các loại giấy tờ an ninh khác thông qua cổng đăng ký điện tử. Hiện tại, nếu đăng ký các thủ tục hành chính online, người dân sẽ được giảm 40% các loại thuế, phí. Đặc biệt, phản hồi từ phía người dùng là rất tích cực với mức độ hài lòng cao, nhất là khi hệ thống này đã được tích hợp trên điện thoại. 

Thụy Điển

Tại châu Âu, Thụy Điển là một trong những quốc gia tiên phong trong việc điện tử hóa hệ thống quản lý. Tại quốc gia này, công việc giấy tờ dường như đã thuộc về quá khứ, khi người dân có thể dùng thẻ căn cước (ID) tại bệnh viện, trường học, hệ thống cơ quan nhà nước và tiến hành mọi thủ tục online. Hơn 75% người dân Thụy Điển hiện đã sử dụng các dịch vụ điện tử, thay vì bằng giấy tờ theo cách truyền thống. 

Anh

Vương quốc Anh đã đưa chính phủ điện tử lên một nấc thang mới so với nhiều quốc gia thuộc EU, khi tại đây, “chính phủ di động” đã trở thành từ thông dụng. Trong năm ngoái, dịch vụ chính phủ điện tử của Anh đã chứng kiến những cải tiến lớn, khi các cơ quan hành chính công khai tiến trình làm thủ tục trên các mạng xã hội thông dụng, bao gồm Facebook, Instagram…; có hơn 50 dịch vụ được thiết kế để tạo nên một cộng đồng cư dân giám sát hoạt động công quyền, chia sẻ ý tưởng và có cơ hội cùng hợp tác thúc đẩy hiệu quả việc quản lý.

Kể từ năm 2015 đến nay, ngân sách dành cho dịch vụ chính phủ điện tử đã tăng lên gần gấp đôi, đạt 100 triệu bảng Anh. Điều này cho thấy, chính phủ quốc gia này đang dành sự ưu tiên cho việc chuyển đổi sang dịch vụ điện tử, đề cao tính minh bạch và hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước.

Tin cùng chuyên mục