Chính phủ hành động vì môi trường

(BĐT) - Cân bằng giữa đầu tư, tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Chính phủ trong thời gian tới. 
Ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, ít gây ô nhiễm môi trường là xu hướng chủ đạo trong thời gian tới
Ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, ít gây ô nhiễm môi trường là xu hướng chủ đạo trong thời gian tới

Sau những câu chuyện xả thải của Formosa, vỡ đường ống Nhà máy Alumin Nhân Cơ..., Chính phủ và chính quyền các địa phương liên quan đã đưa ra những định hướng, giải pháp, chính sách thể hiện tinh thần không vì kinh tế mà bỏ qua vấn đề môi trường.

Không còn là cảnh báo

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trên cả nước có 283 khu công nghiệp với hơn 550 nghìn m3 nước thải/ngày đêm; 615 cụm công nghiệp, trong đó chỉ khoảng hơn 5% có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Hơn 5 nghìn doanh nghiệp khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng, hơn 4.500 làng nghề, lưu hành gần 43 triệu xe máy và trên 2 triệu ôtô...

Hàng năm, trên cả nước sử dụng hơn 100 nghìn tấn hóa chất bảo vệ thực vật; phát sinh hơn 23 triệu tấn rác thải sinh hoạt, hơn 7 triệu tấn chất thải rắn công nghiệp, hơn 630 nghìn tấn chất thải nguy hại. Hiện có 458 bãi chôn lấp rác thải, trong đó có 337 bãi chôn lấp không hợp vệ sinh.

Cùng với đó, tình trạng chuyển đổi đất rừng, khai thác khoáng sản, xây dựng thủy điện, khai thác tài nguyên đa dạng sinh học đã dẫn đến thu hẹp diện tích các hệ sinh thái tự nhiên, chia cắt các sinh cảnh, suy giảm đa dạng sinh học.

Mặt khác, thời gian gần đây, dòng vốn FDI có chiều hướng dịch chuyển vào các ngành tiêu tốn năng lượng và tài nguyên, nhân lực, không thân thiện với môi trường như luyện kim, sửa chữa tàu biển, dệt may, da giày, khai thác và tận thu khoáng sản không gắn với chế biến sâu, sản xuất bột giấy, sản xuất hóa chất, chế biến nông sản thực phẩm…

Tại một số doanh nghiệp, dự án, tình trạng vi phạm pháp luật, gây ô nhiễm môi trường diễn ra khá thường xuyên, trong thời gian dài. Có thể kể đến các công ty đơn vị như: Vedan, Miwon, Formosa, Lee&Men, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2..., những nơi để xảy ra sự cố môi trường lớn, tác động trên diện rộng. Các sự cố nêu trên cho thấy, nhiều doanh nghiệp, trong quá trình đầu tư, chỉ quan tâm đến lợi nhuận mà không tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, trong đó có pháp luật về bảo vệ môi trường.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, nguyên nhân dẫn tới ô nhiễm môi trường chủ yếu vẫn là từ con người, do con người. Tại một số địa phương, vẫn còn phổ biến tình trạng chú trọng lợi ích kinh tế trước mắt, chỉ tập trung vào tăng trưởng kinh tế, coi nhẹ bảo vệ môi trường. Việc phát hiện, xử lý các vụ việc ô nhiễm còn chậm, chủ yếu là qua báo chí và nhân dân.

Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, trong khi đánh giá, xem xét việc hoàn thành nhiệm vụ của các tỉnh, trọng số của GDP phải giảm xuống, bảo đảm cân bằng. Mỗi địa phương, giống như một nền kinh tế phải giảm bớt sự rủi ro, giảm bớt sự phụ thuộc quá nhiều vào một sản phẩm duy nhất và sản phẩm đó lại gây ô nhiễm. Hiện nay, nền công nghiệp của Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào những ngành công nghiệp gây ra ô nhiễm, ví dụ như công nghiệp khai khoáng. Do đó, cần phải xác định lại trọng số của từng chỉ số và việc đánh giá các trọng số đó phải được xem xét toàn diện, đầy đủ.

Luật sư Đoàn Công Thiện, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Kiên Giang đề xuất, Chính phủ, các cơ quan có thẩm quyền nên thẩm định các dự án một cách chặt chẽ hơn nữa, cân nhắc khi phê duyệt và giám sát nghiêm ngặt những dự án, nhà máy có sử dụng chất thải độc hại. Kiên quyết không cho tiến hành xây dựng hoặc không cho tồn tại những nhà máy có thể hoặc đã và đang gây ô nhiễm, gây hại như tình trạng vừa qua.

Không đánh đổi môi trường vì kinh tế

Bộ trưởng, chủ tịch UBND các cấp chịu trách nhiệm về vấn đề môi trường trong phạm vi quản lý được giao. Ở đâu xảy ra môi trường ô nhiễm nặng, chủ tịch UBND ở đó phải chịu trách nhiệm trước nhân dân, trước Chính phủ.
Kinh nghiệm các nước tiên tiến chỉ rõ, một quốc gia có sự phát triển bền vững phải chú ý đồng thời giải quyết bốn yếu tố quan trọng: bền vững kinh tế, bền vững chính trị, bền vững xã hội và bền vững môi trường. Trong nhiều nghị quyết của Đảng và Nhà nước ta đều nhấn mạnh: Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phải gắn với nhiệm vụ thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường. Theo hướng đó, Quốc hội đã thông qua nhiều luật; sau đó Chính phủ đã cụ thể hóa chủ trương quan trọng đó bằng nhiều cơ chế, chính sách thiết thực.

Tại buổi gặp mặt các cơ quan thông tấn, báo chí vào cuối tháng 7/2016, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, sẽ không có chuyện phát triển kinh tế bằng mọi giá, mà phải quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường trong phát triển kinh tế và lựa chọn các dự án đầu tư. Quốc hội sẽ có những giám sát độc lập, đảm bảo chặt chẽ việc phát triển kinh tế không gây ảnh hưởng đến môi trường. Đồng thời, Quốc hội sẽ tiếp tục ban hành các quy định pháp luật trong việc bảo vệ môi trường; thực hiện việc giám sát chấp hành chính sách bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế trong thời gian tới.

Trước đó không lâu, tại phiên họp của Chính phủ bàn về nhiệm vụ kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, cần coi trọng hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, nhất là môi trường sống cho người dân... Do đó phải tính toán, kiểm tra và kiểm soát chặt chẽ các dự án, không vì kinh tế, vì phát triển, vì đầu tư mà bỏ qua vấn đề môi trường.

Mới đây, khi chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về bảo vệ môi trường hồi cuối tháng 8/2016, Thủ tướng cho rằng, tình trạng ô nhiễm môi trường bùng phát gần đây là do tích tụ từ lâu trong quá trình phát triển, giờ bắt đầu bộc lộ. Ô nhiễm nước, ô nhiễm không khí nghiêm trọng xảy ra ở các đô thị, khu công nghiệp, làng nghề diễn ra trên diện rộng chứ không chỉ một vài điểm. Nhiều vụ khiếu kiện đông người về môi trường tạo ra những điểm nóng về trật tự xã hội. Người đứng đầu Chính phủ một lần nữa khẳng định, đã đến lúc buộc phải thay đổi tư duy phát triển, không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, gây ảnh hưởng người dân.

Đáng chú ý, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan có chức năng đề xuất cơ chế đột phá để đi liền với thu hút đầu tư, cho phép doanh nghiệp được khai thác nguồn thu trực tiếp theo nguyên tắc “gây ô nhiễm môi trường phải trả tiền”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn nhấn mạnh, bộ trưởng, chủ tịch UBND các cấp chịu trách nhiệm về vấn đề môi trường trong phạm vi quản lý được giao. Ở đâu xảy ra môi trường ô nhiễm nặng, chủ tịch UBND ở đó phải chịu trách nhiệm trước nhân dân, trước Chính phủ.