Chính phủ hứa rà soát giảm 10-20% phí tại một số trạm BOT

Báo cáo với Quốc hội, Chính phủ khẳng định, dự kiến sẽ tạm dừng không tăng phí năm 2016 theo lộ trình đối với một số trạm thu phí; các trạm thu phí khác yêu cầu rà soát đối với các phương tiện khác nhau, có thể điều chỉnh giảm mức phí từ 10 - 20%.
Trong năm nay, theo chỉ đạo của Chính phủ sẽ không tăng thu phí BOT và giảm phí tại một số trạm
Trong năm nay, theo chỉ đạo của Chính phủ sẽ không tăng thu phí BOT và giảm phí tại một số trạm

Báo cáo Quốc hội về các giải pháp chủ yếu cần tập trung chỉ đạo thực hiện trong những tháng cuối năm 2016, Chính phủ khẳng định, sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

Trong đó, Chính phủ sẽ tổng kết đánh giá 5 năm thực hiện việc thu phí BOT; rà soát tính đúng, tính đủ giá thành, chi phí đầu tư của các dự án BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao) trên toàn quốc.

"Trước mắt chưa tăng phí BOT và giãn thời gian thu phí tối đa đối với các trạm thu phí BOT. Rà soát, điều chỉnh mức phí đường bộ, phí BOT; đề xuất mức điều chỉnh hợp lý để giúp doanh nghiệp giảm chi phí, đặc biệt là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016", báo cáo của Chính phủ khẳng định.

Trong 6 tháng đầu năm, để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giúp doanh nghiệp giảm chi phí, đặc biệt là doanh nghiệp kinh doanh vận tải, Chính phủ cho biết, đã có những chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải rà soát, điều chỉnh mức phí đường bộ, phí BOT… theo hướng công khai, minh bạch, tính đúng, tính đủ về giá phí cho các dự án BOT, xây dựng các phương án giảm phí và lộ trình thực hiện.

Dự kiến sẽ tạm dừng không tăng phí năm 2016 theo lộ trình đối với một số trạm thu phí; các trạm thu phí khác yêu cầu rà soát đối với các phương tiện khác nhau, có thể điều chỉnh giảm mức phí từ 10 - 20%.

Trong kỳ họp lần này, Quốc hội cũng đang lên Chương trình giám sát năm 2017 và các dự án xây dựng hạ tầng giao thông theo hình thức PPP, đặc biệt là các dự án BOT đang được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị đưa vào chương trình này. Đây là lần đầu tiên, các dự án BOT được đặt lên bàn đề nghị Quốc hội giám sát.

Theo nhận định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các dự án BOT giai đoạn 1996 - 2016 được đưa vào khai thác gần đây đã gây ra nhiều bất cập, gây búc xức trong dư luận như tình trạng thu phí cao, đặt trạm không đúng quy định, việc vay vốn đầu tư dự án gây ảnh hưởng đến vấn đề tín dụng trong hệ thống ngân hàng…

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh, tuy đây là các dự án xã hội hóa nhưng nhà đầu tư đi vay vốn ngân hàng với lãi suất được tính vào dự án, tính vào thời gian thu phí nên người dân và ngân sách phải "bù" qua.

Trước đó, trong báo cáo của Kiểm toán Nhà nước gửi Quốc hội, cơ quan kiểm toán cũng đánh giá, do quy định về cách xác định lưu lượng phương tiện qua trạm thu phí và chỉ tiêu lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư chưa đầy đủ, thiếu chặt chẽ nên đã dẫn đến việc xác định một số chỉ tiêu trong phương án tài chính của các nhà đầu tư chỉ dựa trên kết quả khảo sát thực tế ngắn ngày của đơn vị tư vấn hoặc tham khảo các hợp đồng tương tự đã thực hiện nên khó xác định được tính đúng đắn của phương án tài chính.

Tỷ lệ góp vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư trên tổng vốn đầu tư thấp hơn cam kết; khoảng cách giữa các trạm thu phí chưa hợp lý... Những vấn đề này, cơ quan kiểm toán đề nghị cần phải được chấn chỉnh, khắc phục.