TS Lê Đăng Doanh cho rằng Thủ tướng và Chính phủ mới đã thành công trong việc xây dựng niềm tin, hy vọng của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân. |
Chính phủ mới tiếp nhận di sản kinh tế của giai đoạn trước với ngân sách bội chi cao, nợ công tăng nhanh, nhiều doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả, khu vực kinh tế tư nhân khó khăn. Tình trạng nhóm lợi ích gây nhiều bức xúc, như nhiều trường hợp bổ nhiệm cán bộ. Niềm tin của người dân bị ảnh hưởng.
Cùng với đó, thiên tai và khó khăn dồn dập, như khô hạn và nhiễm mặn chưa từng có ở đồng bằng sông Cửu Long, mưa lũ tàn phá miền Trung, ô nhiễm môi trường do Formosa gây hậu quả nặng nề…
Năm 2016 cũng là năm đầu tiên thực hiện Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), khi thị trường trong nước không còn là thị trường riêng của doanh nghiệp Việt Nam, mở ra những cơ hội và thách thức lớn. Năng lực cạnh tranh kém đã bộc lộ ngay: Xuất khẩu sang các nước ASEAN giảm 9,6%, trong khi nhập khẩu đã tăng vọt 40%.
Không chậm trễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngay lập tức tổ chức hội nghị đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp tư nhân, can thiệp sâu sát vào vụ quán cà phê Xin Chào, với yêu cầu dứt khoát chấm dứt hình sự hóa các quan hệ kinh tế và dân sự.
Thủ tướng cũng trực tiếp chỉ đạo phải giảm tối đa giấy phép con trong số 7.000 điều kiện kinh doanh. Với việc ban hành 50 Nghị định có hiệu lực từ 1/7/2016, 3.000 giấy phép con đã được bãi bỏ, cải thiện một bước môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp tư nhân.
Thủ tướng đã khẳng định chủ trương xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, thực hiện công khai, minh bạch trong bộ máy nhà nước, coi kinh tế tư nhân là một động lực cho sự phát triển và đẩy mạnh cải cách, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Ngày 11/10/2016, phát biểu tại lễ phát động phong trào thi đua "doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các bộ, ngành, các địa phương thực hiện "3 đồng hành, 5 hỗ trợ" đối với doanh nghiệp.
Ba đồng hành gồm: Đồng hành đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng hành trong hoàn thiện thể chế pháp luật (trên các lĩnh vực như cấp phép xuất nhập khẩu, thuế, đất đai, xây dựng, tín dụng, nông nghiệp, nông thôn…) và đồng hành xây dựng và thực hiện tốt cơ chế đối thoại, tham vấn ý kiến của doanh nghiệp.
Tiếng nói của doanh nghiệp phải được các cơ quan nhà nước có liên quan lắng nghe thường xuyên, Thủ tướng nhấn mạnh.
Năm hỗ trợ là: Hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động, hỗ trợ tạo môi trường thuận lợi, bảo đảm quyền kinh doanh, bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh, hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn với doanh nghiệp và cuối cùng là hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực.
Với sự quan tâm đặc biệt của Thủ tướng, năm 2016 đã có trên 110.000 doanh nghiệp thành lập mới, là năm đầu tiên số doanh nghiệp mới đăng ký vượt mốc 100.000, hướng tới đạt 1 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020 và 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030.
Mới nhất, Thủ tướng đã quyết định gói tín dụng 60.000 tỷ đồng với lãi suất thấp để hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, phát triển các doanh nghiệp hoạt động trong nông nghiệp.
Đích thân Thủ tướng đã sâu sát chỉ đạo, lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ, kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại các Bộ, ngành, địa phương.
Mặc dù sự chuyển biến của bộ máy trong thực tế còn chậm, các doanh nghiệp vẫn còn phản ánh về tình trạng vòi vĩnh, sách nhiễu và các khoản chi phí ngoài pháp luật, song Thủ tướng và Chính phủ mới đã thành công trong việc xây dựng niềm tin, hy vọng của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân trong năm 2016.