Huawei và ZTE hiện là 2 công ty hàng đầu về lĩnh vực viễn thông, đặc biệt là mạng lưới di động 5G thế hệ tiếp theo. |
Chính phủ Nhật Bản đã quyết định loại các sản phẩm của 2 hãng viễn thông Trung Quốc Huawei Technologies Co. và ZTE Corp. ra khỏi danh mục mua sắm tài sản công từ tháng 4/2019, hãng thông tấn Nhật Bản Kyodo News dẫn nguồn thân cận cho biết.
3 nhà mạng di động lớn của Nhật cũng sẽ phối hợp hành động cùng chính phủ, ngừng sử dụng các sản phẩm Trung Quốc tại các trạm phát sóng di động và mạng lưới viễn thông di động 5G của mình.
Quyết định của chính phủ Nhật được đưa ra trong bối cảnh nhiều nước khác như Mỹ ngày càng quan ngại về vấn đề an ninh liên quan tới các sản phẩm công nghệ Trung Quốc. Một số nước đã cấm các công ty Trung Quốc cung cấp sản phẩm hạ tầng viễn thông.
"Việc tránh xa các thiết bị được cài đặt tính năng độc hại như đánh cắp và hủy thông tin là cực kỳ quan trọng", Chánh văn phòng Nội các Nhật Yoshihide Suga cho biết trong một cuộc họp báo sau khi các quan chức về an ninh mạng từ các bộ ngành liên quan thống nhất thông qua kế hoạch này.
Tuy nhiên, chính phủ Nhật không chỉ đích danh tên của các công ty bị cấm cung cấp sản phẩm trong bối cảnh quan hệ Trung - Nhật đã có những dấu hiệu cải thiện. Người phát ngôn hàng đầu của chính phủ Nhật cũng nhấn mạnh rằng chính sách mới không nhắm vào riêng công ty nào.
Ông Suga cho biết Bắc Kinh đã đặt nghi vấn về kế hoạch trên của chính phủ Nhật - được đưa tin vào tuần trước và nhận được câu trả lời rằng những biện pháp này tuân theo "thông lệ quốc tế".
Nguồn tin của Kyodo cho biết chính phủ Nhật sẽ nghiên cứu biện pháp đối với sản phẩm của Huawei và ZTE đã được mua trước đây. Trong cuộc họp báo, các quan chức Nhật Bản nhấn mạnh rằng chính phủ nên chú ý đến vấn đề an ninh của các hệ thống xử lý an ninh quốc gia, thông tin bảo mật cao và lượng lớn dữ liệu cá nhân.
Hãng viễn thông SoftBank Corp., hiện đang sử dụng một số sản phẩm của Huawei trong hệ thống viễn thông di động 4G, cho biết sẽ thay thế dần bằng sản phẩm của Mỹ và châu Âu, theo nguồn tin từ công ty này. Trong khi đó, nhà mạng di động NTT Docomo Inc. hiện không sử dụng sản phẩm nào của 2 công ty Trung Quốc trong hệ thống, KDDI Corp. không dùng trong các hạng mục hạ tầng chính.
Với hệ thống viễn thông 5G - sẽ được đưa vào hoạt động từ đầu năm sau tại Nhật, SoftBank và Docomo đã thử với sản phẩm của Huawei nhưng chưa có kế hoạch sử dụng khi đưa vào thực tế. KDDI cũng không có kế hoạch sử dụng sản phẩm của hãng này trong tương lai, Kyodo cho biết.
Rakuten Inc., công ty có kế hoạch gia nhập thị trường di động Nhật Bản vào năm tới, cũng cho biết sẽ tránh mua các sản phẩm Trung Quốc.
Tuy nhiên, cả 3 nhà mạng di động lớn của Nhật đều dự định tiếp tục bán các sản phẩm smartphone, máy tính bảng và các thiết bị cá nhân khác của Huawei và ZTE vì chúng không ảnh hưởng tới lõi của hệ thống viễn thông.
Chính phủ của Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đó đã cấm sử dụng sản phẩm, dịch vụ của Huawei và ZTE theo Đạo luật Cấp thẩm quyền Quốc phòng Quốc gia (NDAA) trước quan ngại về mối liên hệ với tình báo Mỹ. Australia và New Zealand cũng đã loại bỏ sản phẩm của 2 công ty này ra khỏi mạnh lưới di động thế hệ tiếp theo của mình.
Mới đây, giám đốc tài chính Meng Wanzhou của Huawei, cũng là con gái của người sáng lập hãng này, bị cơ quan chức năng Canada bắt giữ theo yêu cầu của nhà chức trách Mỹ. Động thái này được cho là sẽ làm gia tăng căng thẳng của cuộc chiến thương mại mới chỉ tạm lắng xuống giữa Washington và Bắc Kinh. Bà Meng đối mặt với các cáo buộc liên quan tới thỏa thuận kinh doanh vi phạm lệnh cấm vận với Iran, theo truyền thông Canada.
Hồi tháng 4, Bộ Thương Mại Mỹ tuyên bố lệnh cấm các công ty Mỹ bán sản phẩm cho ZTE, cáo buộc công ty này vi phạm lệnh cấm vận với Triều Tiên và Iran. Huawei và ZTE hiện là 2 công ty hàng đầu về lĩnh vực viễn thông, đặc biệt là mạng lưới di động 5G thế hệ tiếp theo.
Huawei hiện đã bị "cấm cửa" tại thị trường Mỹ. Còn Australia và New Zealand đã ra lệnh cấm Huawei xây dựng mạng lới 5G do lo ngại công ty này có mối liên hệ với chính phủ Trung Quốc.
Cả Huawei và ZTE đều đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch "Made in China 2025" của chính phủ Trung Quốc - nhằm dẫn đầu thế giới về robot, trí tuệ nhân tạo và các thiết bị tiên tiến khác.